Trong suốt tiến trình phát triển của nhân loại, trà hiện hữu từ rất sớm và nhanh chóng trở thành loại thức uống có ảnh hưởng rộng khắp. Thậm chí, có thời kỳ trà từng được ví là “thức uống khiến cả thế giới phát cuồng”.
Nguồn gốc “thần tiên” của trà
Xét về khía cạnh lịch sử hay sinh học, các chuyên gia đều thống nhất là trà có nguồn gốc từ khu vực châu Á, chủ yếu là ở Tây Nam Trung Quốc. Con người sử dụng trà chính xác từ bao giờ thì không ai biết, nhưng được ước chừng là dưới triều đại nhà Thương (1600 TCN – 1046 TCN).
Hình ảnh người phụ nữ Trung Hoa xưa đang thu hoạch trà.
Theo những tài liệu cổ của Trung Quốc, trà là do Thần Nông – một trong Tam Hoàng của văn hóa Trung Hoa tìm ra. Truyền thuyết kể rằng, Thần Nông là người dạy nhân dân làm ruộng và rất giỏi y thuật. Ông đi tới đâu cũng tìm kiếm, thử nếm các loại cây cỏ trong tự nhiên để phân biệt đâu là thuốc chữa bệnh, đâu là thuốc độc. Năm 2737 TCN, Thần Nông lần đầu tiên đã nếm thử lá trà cháy do bị gió nóng thổi tới và rơi vào vạc nước sôi của ông. Cũng từ đó, ông phát hiện ra tác dụng y học của trà và coi nó là một loại thuốc rất tốt, có thể giải độc của 70 loại cây cỏ khác.
Lá trà ban đầu chỉ được dùng với mục đích chữa bệnh.
Do sự ảnh hưởng của truyền thuyết này, người Trung Hoa xưa ban đầu chỉ dùng trà với mục đích chữa bệnh. Xuyên suốt các triều đại nhà Tây Chu (1122 TCN – 249 TCN), nhà Tần (221 TCN – 206 TCN), nhà Hán (202 TCN – 220), trà chỉ được dùng cho tầng lớp hoàng gia, quý tộc và luôn được coi là một biểu tượng tôn giáo truyền thống.
Sự lan tỏa “quyền lực” của trà ở châu Á…
Tới thời nhà Đường (618 – 907), trà trở nên phổ biến và tất cả các tầng lớp người Trung Hoa đều sử dụng. Khi đó, các nhà sư thuộc phái Thiền tông Nhật Bản sang Trung Quốc tu đạo đã mang trà về quê hương của họ. Cũng từ đó, trà phát triển rất mạnh ở xứ sở hoa anh đào, tới mức hình thành nên nghệ thuật “trà đạo” vang danh cả thế giới.
Người Nhật đã đẩy việc uống trà lên tới mức nghệ thuật.
Ở một nhánh khác, trà Trung Hoa cũng được triều đình phong kiến cho phép buôn bán với người dân ở Tây Tạng. Từ thời nhà Tống (960 – 1279), trà được vận chuyển sang Tây Tạng – nơi các thiền sư có nhu cầu về trà rất lớn qua con đường “Trà – Mã cổ đạo” dài hơn 4.000km.
Những phu gánh trà đem bán cho người Tây Tạng xưa.
Đổi lại, nhà Tống sẽ nhận lại từ người Tây Tạng những đoàn ngựa chiến hạng nhất phục vụ chiến tranh ở đồng bằng. Trà quan trọng tới nỗi triều đình có thể dùng nó gây sức ép lên tộc người Tây Tạng. Sử cũ chép rằng, trung bình có hơn 15 triệu kg trà từ Vân Nam được đổi lấy tới 20.000 chiến mã mỗi năm.
Vươn sức mạnh “thống trị” châu Âu…
Thế kỷ XVI đánh dấu bước ngoặt trên con đường vươn ra thế giới của trà. Những nhà du hành châu Âu từ Trung Quốc đã đem theo cây trà, cây hoa nhài và cẩm quỳ về Bồ Đào Nha để trồng thử. Ngay lập tức, trà ướp nhài thơm đã trở thành thức uống yêu thích của tầng lớp quý tộc nơi đây. Tới năm 1660, công chúa Catherine de Braganza trở thành hoàng hậu nước Anh khi kết hôn với vua Charles II. Cũng từ đó, trà phổ biến trong giới hoàng gia Anh và những tiệc trà chiều là một phần không thể thiếu trong đời sống vương giả.
Những bữa tiệc trà như thế này chỉ dành cho gia đình hoàng gia Anh mà thôi.
Hai thế kỷ sau, trà trở nên cực kì phổ biến ở mọi nơi theo sự phát triển của đế quốc Anh. Trà theo chân các thương nhân người Anh tới các thuộc địa cũ của nước này như: Mỹ, Ấn Độ…
Khiến cả thế giới “phát cuồng” với khả năng biến đổi tuyệt vời
Cho tới nay, trà là thức uống phổ biến và có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới. Sản lượng tiêu thụ trà mỗi năm bằng tổng sản lượng tiêu thụ của cà phê, chocolate, nước ngọt và rượu. Tuy nhiên, đây không phải là sự may mắn mà hoàn toàn là do những đặc tính tự nhiên nổi trội của trà.
Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Inventors, Tea vana, Wikipedia…
Theo khoahoc.com.vn, Mask