Tìm được dương trạch và âm trạch phù hợp, cuộc sống sẽ thăng hoa
Tổng thể phong thủy địa lý học thường được chia thành dương trạch phong thủy và âm trạch phong thủy. Âm trạch là phần đất mộ để an táng cho người chết, dương trạch là chỗ trú ngụ sinh hoạt cho người sống.
Người ta thường nhầm tưởng rằng dương trạch phong thủy có khác biệt rất lớn với âm trạch phong thủy, nhưng hai loại này giống nhau về lý thuyết và phương pháp chọn đất có phong thủy tốt. Các lý luận về phong thủy lần lượt được ra đời đáp ứng cho nhu cầu của con người như trong “Long thế luận” nói về khí mà sơn mạch – long mạch truyền vào đất; “Huyệt thế luận” nói về khí được hội tụ từ long mạch truyền vào đất; “Sa cách luận” nói về khí ở các núi bao quanh một vùng đất; “Thủy thế luận” nói về khí giữ đất; “Hướng pháp luận” nói về hướng tọa mang tinh khí tốt của trời…
Năm yếu tố địa lý “long – huyệt – sa – thủy – hướng” là 5 nhân tố chính của địa lý phong thủy, từ lâu 5 nhân tố này đã được con người xem trọng, cho dù dương trạch hay âm trạch thì đều dựa vào 5 nhân tố địa lý này để xác định phương hướng và vùng đất có phong thủy tốt.
Đất phong thủy được xác định theo cách này nếu dùng để an táng cho người chết thì gọi là âm trạch phong thủy, còn nếu là đất ở sinh hoạt trên mặt đất thì chính là dương trạch phong thủy.
Sau khi xác định được đất âm trạch phong thủy theo “long – huyệt – sa – thủy – hướng”, thì thi thể được mai táng theo cách an táng như đưa vàng chôn xuống hầm mộ. Dương trạch phong thủy cũng như vậy, sau khi xác định được “long – huyệt – sa – thủy – hướng”, thì tòa nhà được xây trên mặt đất, lúc đó cấu trúc và kiểu dáng của ngôi nhà phải được xét theo dương trạch phong thủy.
Dựa vào sự lớn nhỏ của bảo cục (đất phong thủy tốt lành phù hợp cả 5 nhân tố long – huyệt – sa – thủy – hướng) và huyệt mà phân thành đất âm trạch hay đất dương trạch, bảo cục lớn thì là đất dương trạch, nếu ngược lại thì là đất âm trạch. Bảo cục mà một thành phố có thể tọa lạc trên đó thì không thích hợp làm phần mộ cho một người chết, còn nếu bảo cục nhỏ chỉ có thể dùng để làm đất xây mộ thì không thích hợp để xây dựng các kiến trúc lớn hay nhà ở.
Hiện nay, vì các nguyên nhân trong vấn đề nghĩa trang, nên văn hóa mai táng đã dần dần phát triển thành văn hóa hỏa táng, theo đó thì lý luận về địa lý phong thủy cũng dùng nhiều hơn cho dương trạch. Trong thực tế, bắt đầu từ thời cổ đại thì phong thủy địa lý học đã được áp dụng trong dương trạch phong thủy sớm hơn.
Con người vì thuận tiện trong việc tồn tại hay sinh hoạt nên luôn tìm vùng đất vững chắc cho cuộc sống của họ, trong xã hội nguyên thủy mà sống được ở một vị trí tốt, thì việc ăn ở đều sẽ rất tiện lợi, đây là kinh nghiệm mà họ đã đúc kết được sau một thời gian dài, và điều đó cũng là để tránh xa thiên tai. Mặt khác, việc lựa chọn một nơi cư trú có phong thủy tốt cũng có lợi cho việc phòng ngự kẻ địch, bảo vệ bản thân, và có lợi hơn cho sự sinh sôi của một dòng tộc.
Trong xã hội nguyên thủy, loại đất nào tạo nên ngôi nhà hình dáng như thế nào có liên quan chặt chẽ đến sự tồn tại và hủy diệt của bộ lạc đó. Để đảm bảo một lãnh thổ tốt hơn, họ khơi ra các cuộc chiến tranh, và cuối cùng là các bộ lạc chiếm đóng vùng đất có điều kiện tốt sẽ phát triển thành các quốc gia cổ đại.
Từ rất lâu thì sự nghiên cứu về phong thủy địa lý đã được dùng nhiều trong việc tìm kiếm đất ở cho con người sinh sống, sau này với sự phát triển của “Sinh khí luận” và “Đồng khí cảm ứng luận”, mới dần dần phát triển âm trạch phong thủy, nhưng bản chất của phong thủy địa lý vẫn là ưu tiên về dương trạch phong thủy.
Ở Hàn Quốc, việc chọn lựa các nơi theo dương trạch phong thủy như khu vực thành phố, vị trí thôn làng, cung điện, chùa chiền đền thờ, nhà cửa cá nhân… được người xưa ưu tiên phát triển. Sau đó mới thịnh hành việc chôn cất tổ tiên theo đất phong thủy tốt để cầu mong phước lành cho con cháu.
Câu chuyện về vua Thoát Giải của Hàn Quốc
Theo ghi chép trong “Tam Quốc di sự” (Samguk Yusa), vua Thoát Giải đời thứ tư của nước Tân La (trị vì từ năm 57- 80) có thể trở thành vua là vì đã lựa chọn được phong thủy tốt. Đây là ghi chép đầu tiên về phong thủy của Hàn Quốc, câu chuyện được kể như sau.
Thoát Giải, còn gọi là Talhae of Silla hoặc Seok Talhae (? ~ 80), là người thuộc nước Long Thành (Yongseong-guk) nằm cách Nụy Quốc (Nhật Bản) 1000 dặm về phía Đông Bắc. Cha đẻ của ông – Long vương Han Dapo đã cưới công chúa nước Tích (Seok) làm Vương phi, nhưng mãi vẫn không sinh được hoàng tử, nên phải cầu nguyện thần linh ban cho con cái.
7 năm sau liền sinh được một quả trứng, người sinh ra trứng là chuyện xưa nay chưa bao giờ có, nên Long vương đã cho gọi các vị đại thần đến nói về chuyện này, và ai nấy đều nói rằng đây không phải là chuyện tốt. Thế là Long vương quyết định làm một cái tủ để đặt quả trứng này vào, rồi đặt thêm vào đó các loại kho báu và nô lệ, sau đó đưa lên thuyền cho ra biển.
Long vương cầu nguyện rằng: “Con hãy đến vùng đất có duyên với ước nguyện mà lập quốc và phát triển dòng tộc”. Ngay lúc đó bỗng có một con rồng đỏ xuất hiện bảo vệ con thuyền này, và thuyền cứ đi cho đến Janepu ở phía Đông của Kê Lâm (Gyerim).
Không lâu sau, có một bà lão gần bờ đã phát hiện con thuyền trôi dạt này, bà chưa bao giờ thấy một con thuyền lớn như vậy, nên cứ tự hỏi rằng: “Biển ở đây làm sao lại có nhiều đá quá, và còn có rất nhiều chim hỉ tước tụ lại kêu hót như vậy?”, nói đoạn rồi bà bước đến xem thì phát hiện trên thuyền có một cái tủ lớn dài 20 tấc rộng 13 tấc, bà liền kéo chiếc thuyền đến dưới những tán cây và mở ra xem, thì thấy một cậu bé dáng vẻ đoan chính (mà sau này chính là vua Thoát Giải đời thứ tư của nước Tân La), ngoài ra khắp thuyền toàn là kho báu và nô lệ. Bà đã cố hết sức để tiếp đãi họ trong bảy ngày, sau đó Thoát Giải mới kể chi tiết với bà bí mật về sự ra đời của mình, nói xong thì lấy một cây gậy và mang theo hai nô lệ leo lên núi Tuhan.
Thoát Giải đã xây dựng một ngôi nhà bằng đá trên núi và sống ở đó trong 7 ngày 7 đêm, quan sát xem vị trí thích hợp để cư trú trong thành phố, và đã tìm thấy một ngọn núi nhìn giống như một mặt trăng lưỡi liềm. Địa thế này là nơi có thể sống lâu dài, khi cậu vừa xuống núi thì biết Hồ Công (Hogong) đã sống ở đây rồi. Thế nên cậu đã nghĩ ra một diệu kế, mang giấu các đá mài dao và than củi bên cạnh nhà Hồ Công, sang ngày hôm sau thì đến nhà Hồ Công nói rằng: “Nhà này là nhà của tổ tiên chúng tôi”.
Hồ Công nói không phải, rồi họ đã tranh luận với nhau, và đưa nhau kiện lên quan phủ. Vị quan hỏi cậu bé rằng: “Ngươi có bằng chứng gì cho thấy đây là ngôi nhà của ngươi không?”.
Thoát Giải trả lời: “Tổ tiên chúng tôi đời đời đều làm thợ rèn, vì có chuyện nên tạm thời đi sang làng Junyi, nay người khác đã chiếm lấy ngôi nhà của chúng tôi, nếu ông thực sự không tin thì cứ đào đất lên mà xem”. Thế rồi quan phủ cũng cho đào đất lên theo như cậu nói và quả nhiên thấy có các hòn đá mài và than củi, vậy là Thoát Giải đã chiếm được ngôi nhà của Hồ Công.
Lúc này, vua Nam Hải đời thứ hai của nước Tân La thấy rằng Thoát Giải là một người khôn ngoan, bèn gả đứa con gái lớn của mình cho Thoát Giải, đó chính là phu nhân Ani. Sau khi vua Nam Hải qua đời, thì người con trai Nuli lên ngôi vua, nhưng sau đó anh ta đã chết mà chưa có con cái.
Vào năm 57, Thoát Giải lên làm vua đời thứ tư. Bởi vì ông đã nói nhà của người khác thành ngôi nhà của tổ tiên mình, đấy là mượn cớ cưỡng chiếm, nên họ của ông được gọi là Tá (tá có nghĩa là mượn).
Câu chuyện này cho thấy rằng bởi vì Thoát Giải được an cư sinh sống trong địa thế đất hình mặt trăng lưỡi liềm, sau này thì đã lên được ngôi vua. Nên từ đó trở đi, tổ tiên đã xem ngọn núi Gyeongsangnam-do Gyeongju ở Hàn Quốc có hình dáng mặt trăng lưỡi liềm là ngọn núi tốt lành.
Tuệ Tâm (Theo Epoch Times)