Trong phiên điều trần vào ngày 5/11 vừa qua, cả TikTok và Apple đều từ chối ra khai báo trước Quốc hội Hoa Kỳ về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Apple chặn ứng dụng theo dõi cảnh sát ở Hong Kong
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley, người đã tổ chức phiên họp hôm thứ Ba đăng trên Twitter: “Tôi đã mời Apple và TikTok điều trần vào hôm thứ Ba về hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc và với Trung Quốc, cùng với những rủi ro đối với người dùng Mỹ. [Tuy nhiên] cho đến nay, cả hai đều từ chối. [Phải chăng họ] có gì đó che giấu?“
Không rõ những công ty khác có được mời làm chứng hay không. Tuy nhiên, phía Apple nói họ không có bình luận gì về việc này.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Axios, ông Hawley cho biết ông không tin tưởng bất kỳ gã ‘khổng lồ công nghệ’ nào.
Trước đây ông Hawley cũng đã chỉ trích Apple trên Twitter vì công ty này từng xóa biểu tượng emoji hình lá cờ Đài Loan khỏi iOS và cấm ứng dụng theo dõi của cảnh sát HKmap.live mà người biểu tình Hong Kong sử dụng.
“Ai đang thực sự điều hành Apple? Giám đốc điều hành Tim Cook hay Bắc Kinh?” ông Hawley chất vấn.
Đồng quan điểm với ông Hawley, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott cũng cho biết: ‘‘Quyết định tuân thủ của Apple đối với các yêu cầu của chính phủ Cộng sản Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Đặt lợi nhuận lên trên quyền con người và nhân phẩm của người dân Hong Kong là sai. Không có nếu hay nhưng gì hết về điều này.”
TikTok – ‘Mối nguy tiềm tàng’?
Về phiên điều trần ngày 5/11, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc Tik Tok cũng cho biết: “Thật không may là chúng tôi không thể cung cấp một nhân chứng có thể đóng góp cho một cuộc thảo luận thực chất trong một thông báo ngắn như vậy“. Tuy nhiên, Tik Tok cam kết sẽ “làm việc hiệu quả” với Quốc hội Mỹ về các vấn đề xung quanh lợi ích an ninh quốc gia.
Trước đó trong một tuyên bố vào tháng 10/2019, bên đại diện của Tik Tok nói rằng, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu xóa nội dung và sẽ từ chối yêu cầu như vậy. Tik Tok cũng cho biết dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ đã được lưu trữ trong Hoa Kỳ và cho biết 60% người dùng tại Mỹ có độ tuổi từ 16 đến 24.
Tuần trước, Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, cơ quan chuyên đánh giá các thương vụ mua lại doanh nghiệp nước này, quyết định mở cuộc điều tra liên quan đến việc ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, mua Musical.ly của Mỹ với giá 1 tỷ USD vào năm 2017.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Charles E. Schumer và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đã gửi yêu cầu đến Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đề nghị điều tra mạng xã hội TikTok. Trong thư đặt ra một số câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt ứng dụng, đồng thời bày tỏ lo ngại nền tảng này sẽ gây tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị của Mỹ. 2 chính trị gia cấp cao này gọi TikTok là “mối nguy phản gián tiềm tàng” mà Mỹ không thể bỏ qua”.
Tik Tok cũng không không gặp may mắn hơn ở các quốc gia khác. Ấn Độ từng đưa ra lệnh cấm với Tik Tok vì cho rằng ứng dụng đang khiến trẻ em gặp nguy hiểm trước những kẻ tội phạm tình dục và khiêu dâm. Họ chỉ mới dỡ bỏ lệnh cấm đối với ứng dụng này vào tuần trước, trong khi Vương quốc Anh đang cân nhắc về vấn đề bảo mật của ứng dụng này.
Thiện Thành (t/h)