Các nhà khảo cổ tin rằng, họ đã có đủ bằng chứng cho thấy thủy quái Kraken thật sự tồn tại.
Nổi tiếng nhất trong số các quái vật biển sâu, thủy quái Kraken huyền thoại là đề tài của nhiều câu chuyện dân gian, thần thoại, và truyện khoa học viễn tưởng trong suốt nhiều thế kỷ. Thường được mô tả như là sinh vật biển giống như loài mực khổng lồ, quái vật được cho là tấn công những chiếc tàu giữa đại dương, ăn thịt những thủy thủ để thỏa mãn cơn đói. Các nhà khảo cổ không chỉ khám phá được mẫu xương thứ hai được sắp xếp một cách lạ lùng, họ còn tìm thấy một hóa thạch được cho là phần mỏ (cứng) của mực ống cổ hay bạch tuộc (hay còn gọi là mực phủ).
“Đây là phát hiện có thể coi là sự may mắn cực kỳ. Bởi lẽ, nó giống như là bất ngờ tìm thấy cây kim trong đống cỏ khô”, Mark McMenamin – nhà cổ sinh vật học Đại học Mount Holyoke bang Massachusetts trình bày những khám phá của ông tại hội nghị thường niên của Hội Địa chất Mỹ (GSA). Mặc dù vậy, giả thuyết về sự tồn tại của thủy quái truyền thuyết Kraken vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Ví dụ, David Fastovsky cho rằng: “Chứng minh sự tồn tại của Kraken thật sự không là điều cần thiết!”. Fastovsky là nhà cổ sinh vật học Đại học Rhode Island có mặt tại buổi thuyết trình của McMenamin tại GSA và viết bài phê bình cho Hội Cổ sinh vật học. Vào năm 2011, McMenamin cũng từng gây chú ý đặc biệt khi ông và các đồng nghiệp lần đầu tiên nêu ra ý tưởng về sự tồn tại của thủy quái Kraken tại hội nghị GSA. Bằng chứng mà McMenamin đưa ra là xương sống được sắp xếp lại theo hình thù kỳ lạ của loài ichthyosaur (thằn lằn cá hay ngư long, có tên khoa học là Shonisaurus popularis) được tìm thấy trong Công viên Bang Berlin-Ichthyosaur ở Bang Nevada (Mỹ). S. popularis là loài bò sát biển chân chèo, thân to, dài như chiếc xe buýt ngày nay và tồn tại trong kỷ Trias cách đây từ 250 đến 200 triệu năm. McMenamin và các đồng nghiệp lập luận rằng, xương sống của ichthyosaur được sắp xếp lại bởi một động vật nhuyễn thể giống như bạch tuộc hay mực ống khổng lồ ngày nay chơi đùa với mồi của chúng. Loài bạch tuộc hiện đại có tính thu gom xương, vỏ mai cùng với nhiều thứ rác khác lại với nhau để chặn lối vào hang của chúng. Cũng có bằng chứng cho thấy loài mực ống khổng lồ ngày nay chiến đấu ác liệt với cá nhà táng qua dấu vết xúc tu trên thân cá và xác mực trong bụng cá. Trí khôn của động vật nhuyễn thể cũng được chứng minh qua tài sắp xếp xương sống con mồi thành hình thù khác thường. Nhưng, Glenn Storrs – quản lý Trung tâm Nhà bảo tàng Cincinnati – gọi sự sắp xếp kỳ quái này chỉ là”chứng cứ gián tiếp”. McMenamin cũng nhắc đến một hóa thạch ichthyosaur được triển lãm trước đây ở Nhà Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Las Vegas.
Hóa thạch trong nhà bảo tàng được sắp xếp chính xác như nơi nó được tìm thấy. Cụ thể là, gần bên hóa thạch là những mẫu xương không còn nằm đúng vị trí của chúng trong khung xương con ichthyosaur. Lồng ngực của mẫu vật trong nhà bảo tàng cũng cho thấy dấu vết tổn thương – mà McMenamin cho rằng – có lẽ do sức ép chặt của động vật săn mồi khác to lớn hơn hay nói khác đi là quái vật biển khổng lồ tương tự Kraken. Ngoài ra, nhóm của McMenamin còn cố gắng thu thập thêm được nhiều hóa thạch quý giá khác và trong số đó có một mẫu – mà sau khi so sánh với mỏ mực ống khổng lồ Humbold, nhà cổ sinh vật học cho rằng, nó chính là mỏ của thủy quái Kraken bí ẩn của kỷ Trias. Tuy nhiên, Fastovsky nhận xét: “bằng chứng mới của McMenamin cũng không có sức thuyết phục!”. Quái vật khổng lồ trong bộ phim mới của Hollywood, “Cuộc chiến giữa các vị thần”, cũng được thể hiện một số nét tương tự như thủy quái Kraken trong truyền thuyết. Kraken được mô tả lần đầu tiên trong một bản thảo tồn tại cách đây khoảng 1.000 năm. Trong thần thoại của vùng Scandinavia, Kraken là quái vật to lớn đến mức thân của nó trông tựa như vài hòn đảo nhỏ. Các thủy thủ thường lầm tưởng thân quái vật là đảo nên khi tiến đến gần, họ liền bị thủy quái tấn công và những xúc tu khủng khiếp của nó sẽ lôi tuột cả tàu và thủy thủ đoàn xuống đáy biển. Cách đây vài thế kỷ, lằn ranh giữa con vật truyền thuyết và thực tế rất mong manh, và Kraken chỉ là một trong vài động vật (bao gồm rồng và các quái vật biển khác) mà sự tồn tại của chúng luôn gây tranh cãi. Năm 1752, giám mục Eric Ludvigsen Pontopiddan, vùng Scandinavia xuất bản cuốn sách tựa đề”Lịch sử tự nhiên của Na Uy” trong đó có một chương mô tả về các loài quỷ biển. Giám mục coi Kraken là quái vật to lớn có thân “tròn, dẹt và nhiều xúc tu”. Khoảng 1 thế kỷ sau đó, khoa học đặt tên quái vật là Kraken. Vào năm 1857, nhà tự nhiên học người Đan Mạch tên là Japetus Steenstrup phát hiện một con mực dài đến 13m, và nó được đặt tên khoa học là Architeuthis dux. Người ta cho rằng có lẽ các câu chuyện về Kraken bắt nguồn từ loài mực khổng lồ này. Theo An ninh thế giới |
Theo Tấm Gương