Chỉ trong bốn tuần đã có 6,2 nghìn tỉ USD biến khỏi thị trường chứng khoán Trung quốc, tai họa lớn hơn gấp mười lần chuyện Hy Lạp phá sản.
Thiệt hại gấp 10 lần, vì sao?
Trung Quốc có hai thị trường chứng khoán lớn đặt tại Thượng Hải và Thẩm Quyến. Hai thị trường này giao dịch số tiền lớn chỉ sau thị trường chứng khoán New York, Hoa Kỳ (NYSE giao dịch $19.7 tỷ USD; Trung Quốc $14.2 tỷ USD) và nằm trong nhóm 10 thị trường có đông công ty niêm yết nhất thế giới.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn non trẻ và trồi sụt thất thường. Điều này xuất phát từ việc quá đông người chơi chứng khoán theo kiểu ăn xổi ở thì, trong khi chính phủ lai hay can thiệp.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải niêm yết công ty quốc doanh, thị trường Thẩm Quyến niêm yết công ty tư nhân và kỹ thuật. Cả hai thu hút rất đông dân cò con. Nhiều trong số này là công chức, công nhân, tài xế tắc xi hay người buôn thúng bán bưng. Số cò con chơi chứng khoán tại Trung Quốc lên đến 90 triệu người. Điểm chung của họ là có máu đỏ đen. Vì thế, thị trường trồi sụt theo tin đồn và hoảng hốt.
Thêm đặc tính khác của thị trường chứng khoán Trung Quốc là bị chính phủ can thiệp quá nhiều. Mỗi quyết định của chính phủ là một cơn đột biến tại thị trường này. Vào Tháng 11/2014, chính phủ mở cửa cho ngoại quốc mua cổ phiếu. Lập tức chỉ số Thượng Hải vọt lên hơn gấp đôi (110%). Tiếp theo, ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất hai ba lần làm cho chỉ số Thượng Hải đạt chót vót 5,166 điểm.
Ngoài ra, chính phủ Bắc Kinh đã cho người dân vay quá nhiều tiền để đỏ đen. Trong năm 2015, dân chúng đã mượn $365.1 tỷ USD để chơi chứng khoán. Vì vay tiền, nên phong phanh chút tiếng đồn là hoảng hốt. Dân chúng càng hoảng hốt thì càng làm giá cổ phiếu xuống. Khi giá cổ phiếu xuống tới một mức nào đó thì chủ nợ (tức chính phủ Bắc Kinh) phải gởi giấy đòi nợ. Nhận được giấy đòi nợ, người chơi cổ phiếu phải bán cổ phiếu lấy tiền trả nợ. Tình trạng này càng làm cho cổ phiếu mất giá hơn nữa.
Trong lúc chính phủ tay này gởi giấy đòi nợ thì tay kia ra lệnh ngưng hơn 1,000 công ty mua bán cổ phiếu. Ai là người rủi ôm cổ phiếu của nghìn công ty ấy chỉ còn nước than trời vì không cách gì bán ra được nữa. Một số chỉ biết tự tử để thoát nợ trần.
Khi bà buôn thúng bán bưng chơi cổ phiếu
Chuyện xảy ra tại thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy lớp sơn “kinh tế tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đang bị bong tróc lớp giả tạo. Lối làm kinh tế lập lờ con đen này là sáng kiến từ thời Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc cho phép có thị trường chứng khoán theo kiểu tư bản nhưng bị chính quyền kiểm soát. Chính sự kiểm soát này làm thị trường biến thành giả tạo.
Một ví dụ đơn giản. Hồi giữa Tháng 6 vừa qua có kẻ làm giá nâng chỉ số Thượng Hải vọt lên 5,166 điểm. Dân Trung Quốc hí hửng dốc hầu bao mua cổ phiếu 111 doanh nghiệp hàng đầu. Tưởng “1 ăn 187”. Nào ngờ phút chốc, chỉ số Thượng Hải tụt giốc xuống tận 3,686. Hàng nghìn tỉ USD bốc hơi chóng vánh.
Ảnh hưởng trên giá nhà tại Úc
Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp, người ta ngại ảnh hưởng đến thị trường địa ốc thế giới. Cảm nghĩ đầu tiên thường là Trung Quốc hết tiền nên không còn hung hăng mua nhà. Đã có người mua nhà trên bản vẽ tại Luân Đôn xin rút tên vì không còn tiền nữa. Nhân viên địa ốc ở phía Tây thành phố Vancouver, Canada, cho biết tình trạng tương tự khi người mua mất sạch tiền tại thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Tuy nhiên, người làm ăn trong giới địa ốc nghĩ khác. Vào cuối tuần giữa Tháng 7, sau khi chứng khoán Thượng Hải giảm giá 30%, nhân viên địa ốc Michael Pallier tại Sydney đã bán được hai căn nhà trong chung cư và dẫn nhiều người Trung Hoa xem ngôi nhà (trị giá $10.3 triệu Úc Kim) tại bờ biển Sydney. Ông Michael Pallier cho biết thân chủ giàu có tìm kiếm nhà tại Úc vì an toàn hơn chơi chứng khoán tại Thượng Hải.
Tìm kiếm an toàn luôn luôn là mối lo lớn nhất của người dân sống trong chế độ ở Trung Quốc, nhất là khi người ta giàu lên. Thoạt đầu, người ta tìm thêm cái quốc tịch thứ nhì. Từ năm 2000 đến nay đã có gần 100 nghìn người Trung Quốc giàu có giắt sẵn trong túi thêm quốc tịch Canada, Anh Quốc hay Úc. Sau khi có quốc tịch, người giàu trong xứ này tậu thêm ngôi nhà thứ nhì. Công ty môi giới bán nhà Lio Global cho biết: ở Trung Quốc, ai là người có trong túi cỡ 1 triệu USD thì thường tậu thêm nhà tại Hoa Kỳ, Hong Kong, Singapore, Anh hay Úc.
Chỉ trong sáu tháng đầu năm, các Đảng viên Trung Quốc đã đổ 5 tỷ USD mua nhà tại Hoa Kỳ. Đây là số tiền nhiều gấp đôi so với năm 2014. Trong Tháng 6 vừa qua, văn phòng địa ốc CBRE Group bán ra 15 nơi xây nhà mới tại Melbourne cho người Trung Hoa. Đây là con số gấp đôi so với Tháng 5. Rõ ràng, mua nhà tại Úc an toàn hơn chơi cổ phiếu trong nước. Nhất là mua nhà khi trị giá đồng tiền của Úc xuống so với Nhân Dân Tệ và nhà tại Úc đem đến lợi nhuận không thua gì so với cổ phiếu Trung Quốc.
Hiện nay, người Trung Hoa mua khoảng 15% nhà mới tinh tại Úc. Tuy nhiên, theo tính toán của Credit Suisse Group AG ngày càng nhiều nhà mới tại Úc lọt vào tay chủ nhà Trung Quốc. Với nhịp độ này, đến năm 2020 cứ trăm nhà vừa xây xong thì lên đến 20 nhà cò có chủ là người Hoa.
30 triệu gia đình bị ảnh hưởng
Với hàng nghìn tỉ USD tan thành mây khói, một sớm một chiều đời sống phồn hoa tại Trung Quốc bị xì hơi. Hàng quán vắng khách. Bãi bán xe hơi không còn người đến và nhiều “căn hộ” sang trọng bị chủ nhân đẩy đi. Cui Dongshu, Tổng Bí thư hiệp hội sản xuất xe hơi, nhìn nhận, sau trận bão cổ phiếu, xe hơi khó bán chạy như trước.
Thật ra, không phải xe hơi ế ẩm mà các ngành kinh tế khác cũng bị trọng thương. Công ty nghiên cứu thị trường GaveKal ước tính bão chứng khoán vừa qua ảnh hưởng khoảng 30 triệu gia đình trung lưu tại Trung Quốc. Rõ ràng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá mạnh suốt mấy chục năm qua, nay bị căng ra như bong bóng. Và bong bóng đã nổ.
Được nói tới nhiều là minh tinh màn bạc trắng tay. Trong số này có Triệu Vy mất hơn 640 triệu USD vì cổ phiếu Alibaba Pictures mất giá ba phần tư. Chương Tử Di chơi 9 triệu cổ phiếu công ty Dalian Wanda Commercial Properties đã bị bốc hơi trên 60 triệu USD. Phạm Băng Băng mất 18 triệu USD, Trương Quốc Lập mất gần 20 triệu USD do cổ phiếu Huayi Brothers Media Corp rớt giá… Sang giới tỷ phú, nhiều người cũng méo mặt. Người giàu nhất Wang Jianlin mất 6,5 tỷ USD. Trùm thương mại trên mạng Jack Ma là chủ công ty Alibaba, mất 3,7 tỷ USD. Danh sách này ngày càng dài và số tiền bị bốc hơi ngày càng lớn hơn.
Ảnh hưởng đến các nước láng giềng
Chứng khoán sụp đổ tại Trung Quốc ít được các nước phương Tây và Úc nói đến. Lý do là phương Tây không có nhiều cổ phần tại đây. Chính phủ Bắc Kinh chỉ cho phép ngoại quốc mua tới mức 4% cổ phiếu nên thiệt hại cũng chỉ ngần ấy.
Tuy nhiên, chuyện xảy ra tại thị trường chứng khoán Trung Quốc từ ngày 12/6/2015 đến nay vẫn ảnh hưởng gián tiếp lên kinh tế phương Tây. Thật vậy, Trung Quốc là nước nhập cảng nhiều nhất các nguyên liệu như khoáng sản và nhiên liệu như dầu thô. Trung Quốc cũng là nơi tiêu thụ nhiều máy truyền hình và iPhone nhất thế giới. Trong khi thế giới phải xài hàng dỏm “Made in China” thì dân nhà giàu tại Trung Quốc sính hàng ngoại. 12% hàng hiệu trên thế giới được chở sang Trung Quốc. Đặc biệt người giàu tại xứ này rất chuộng hàng Made in France, nên Pháp bán 40% hàng hiệu sang nước này.
Vì kinh tế chậm lại, dân thành thị Trung Quốc bớt mua sắm hàng hiệu. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế tại các nước phương Tây và Úc. Sẽ ít du khách Trung Hoa, ít thiếu gia sang đây du học và ít va-ly đầy nhóc tiền săn nhà tại Úc. Hiện nay đang có nửa triệu thiếu gia Trung Quốc du học tại khắp thế giới (trong số này 92% du học tự túc). Con số này sẽ không còn tăng mạnh nữa.
Bruce Phan, theo Ton Viet