Sau 4 ngày thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, nhiều lồng cá nuôi trên sông Đà của người dân ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã bị ảnh hưởng, tính đến sáng 5/10 đã có hơn 20 tấn cá lăng nuôi lồng bè ở huyện này bị chết.
Trao đổi với báo Vnexpress, ông Nguyễn Trọng Luyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết, đến sáng 5/10, số cá chết của các hộ nuôi cá bè ở hai xã Thạch Đồng và Xuân Lộc là hơn 20 tấn.
“Chúng tôi đã lấy mẫu nước, mẫu cá để gửi đi phân tích. Nguyên nhân ban đầu được xác định thủy điện xả lũ khiến nước sông chảy mạnh, nước đục khiến cá bị sặc”, ông Luyện cho hay.
Trước đó vào ngày 30/9, do mực nước dâng cao, hồ thủy điện Hòa Bình được lệnh xả một cửa đáy sau hai năm không xả lũ, ngày 2/10 mở cửa xả thứ hai, với lưu lượng nước 1.700 m3/s. Hai hồ Sơn La, Thác Bà cũng mở cửa xả ngày 1/10.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh, thành hạ du thủy điện Hòa Bình thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản biết thông tin; rà soát phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Nga (Khu 1 xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy) cho biết từ chiều 2/10, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ 2, cá bắt đầu có hiện tượng chết. Gia đình chị nuôi hơn 20 lồng, lồng nào cũng có cá chết. 4 – 5 nhà nuôi cá gần nhà chi cũng gặp tình trạng tương tự. Đợt này gia đình chị thiệt hại ước tính hơn 2 tấn cá.
Cũng theo chị Nga, trước khi thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy thứ nhất, gia đình nhận được thông báo trước một ngày. Khi mở cửa xả thứ 2, một ngày sau chị mới nhận được thông báo.
“Khi nhận được thông báo, theo kinh nghiệm, chúng tôi cũng chỉ biết dạt lồng nuôi vào gần bờ. Khi xả cửa đáy thứ hai vào buổi sáng, đến chiều, cá chết nhiều. Gia đình tôi cả đêm không ngủ để ‘cứu cá’. Cá đến thời kỳ thu hoạch, chúng tôi kéo lên bán chạy. Còn loại nhỏ, nhỡ và cá giống, chúng tôi cũng chẳng biết chạy đi đâu”, chị Nga cho hay.
Chị Nga cho biết bình thường cá gia đình nuôi khỏe mạnh, không có hiện tượng chết bất thường bởi năm 2017 và 2018 mỗi khi thủy điện xả lũ là cá đều bị chết, năm 2019 thủy điện không xả lũ thì không bị ảnh hưởng, thiệt hại gì.
“Năm 2017, cá chết trắng lồng chúng tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng. Số tiền này rất nhỏ so với thiệt hại của người dân. Đến năm 2018 cá vẫn chết nhưng chúng tôi không được hỗ trợ. Năm nay thì chưa biết có được hỗ trợ không, nhưng chúng tôi chỉ mong muốn được chăn nuôi ổn định.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù năm nay giá bán cá có rẻ hơn, chúng tôi vẫn phấn khởi nhưng chỉ trong mấy ngày nay chúng tôi lại mất ăn, mất ngủ vì cá chết hàng loạt”, chị Nga chia sẻ.
Được biết, vào tháng 10/2017, thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất với việc mở 8 xả đáy; sau đó 170 tấn cá lồng bè của người dân ở tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ đã chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Vũ Tuấn (t/h)