Rằm tháng 8 âm lịch mỗi năm (Trung thu), là thời điểm trăng tròn và sáng nhất, là dịp đầy mong chờ nhất đối với trẻ nhỏ. Thưởng nguyệt (ngắm trăng) giúp gột tả tâm hồn người nghệ sĩ, những khát vọng và cảm xúc, qua đó mà thể hiện ra những tác phẩm thi ca, hội họa lưu danh muôn thuở.
Ánh trăng chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời đêm đã được các nghệ sĩ trên khắp thế giới mô tả trong nhiều thế kỷ. Vẻ đẹp huyền diệu mang đậm ý nghĩa tâm linh và triết học của nó đã khiến mọi người phải dừng lại ngắm nhìn và chiêm ngưỡng, để có được cho mình vài phút giây thư giãn.
Đặc biệt đối với Trung Quốc và Nhật Bản ánh trăng có ý nghĩa rất riêng. Vì vậy mà nó trở thành hình ảnh quen thuộc trong các bức tranh vẽ và những bản in khắc gỗ của dòng tranh ukiyo-e. Đó cũng là lý do tại sao mọi người thường nghĩ đến ánh trăng khi nhắc đến nghệ thuật Đông Á. Nhưng bạn có biết ý nghĩa thật sự ẩn đằng sau ánh trăng? Và nó có vị trí như thế nào trong các bức tranh vẽ? Nếu bạn muốn biết hãy theo dõi tiếp các phần sau đây!
Tranh trăng Trung Quốc
Ánh trăng có ý nghĩa đặc biệt đối với xã hội Trung Quốc. Bởi trong hàng ngàn năm nay, người dân Trung Quốc đã xem ánh trăng như là quê hương của Hằng Nga, Thỏ Ngọc và Ngô Cương. Mặt khác, ánh trăng và sự cô đơn của nó cũng luôn là chủ đề muôn thuở của thơ ca và văn học Trung Quốc.
Nhiều thế kỷ quả, các bức tranh miêu tả những học giả đang ngước nhìn lên ánh trăng cô đơn, người phụ nữ xinh đẹp được ánh trăng chiếu sáng, vùng nông thôn Trung Quốc sáng rực vào một đêm trăng rằm và nhiều hơn thế nữa đã trở thành chủ đề quen thuộc trong nghệ thuật Trung Quốc. Đa số các bức tranh này thường là tranh phong cảnh, trong một số tác phẩm khác ánh trăng còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Trong nghệ thuật phương Tây, ánh trăng và phong cảnh thường được vẽ rất chi tiết. Đôi khi chúng ẩn chứa ý nghĩa triết học và tâm linh sâu xa. Riêng trong nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, ánh trăng thường được mô tả từ xa với hình ảnh nhỏ bé. Nó lọt thỏm giữa các hình ảnh còn lại của bức tranh. Và trên mỗi bức tranh trăng Trung Quốc thường có một bài thơ mang ý nghĩa giải thích cho tác phẩm.
Sự bao la của vạn vật bên trong một bức tranh là đặc điểm nổi bật của dòng tranh sơn thủy Trung Quốc. Những bức tranh này thường lột tả sự lúng túng của người trong tranh khi đứng giữa cảnh quan rộng lớn và hình ảnh Mặt Trăng sẽ được vẽ ở vị trí bên trái hoặc bên phải. Ở vị trí đó nó đã làm gia tăng khoảng cách giữa ánh trăng với con người. Tuy nhiên, khoảng cách này lại chính là khoảng trống để người xem tìm kiếm sự an ủi của mình bên trong bức tranh. Đây là lúc họ chiêm ngưỡng sự bình yên của Trăng và chìm đắm trong suy nghĩ riêng của mình.
Tranh trăng Nhật Bản
Tranh trăng là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Trong đó, các bức tranh trăng miêu tả một ánh trăng khổng lồ bị những nhánh liễu hoặc mây che khuất đã vang danh khắp thế giới.
Mặt khác, trong thần thoại Nhật Bản cổ đại và tín ngưỡng Thần đạo, người Nhật cho rằng trên trời có 3 vị thần là: Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, nữ thần bão tố Susano-o và nữ thần Mặt Trăng Tsukuyomi, người cai trị ban đêm bằng sức mạnh vô biên của mình.
Thông thường bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các bức tranh mô tả Mặt Trời và ánh trăng trong nhiều ngôi đền cổ đại của Nhật Bản.
Vào thời kỳ Asuka (538 – 710 SCN), Phật Giáo đã lan truyền đến Nhật Bản và Trung Quốc. Do đó có rất nhiều loại hình nghệ thuật được lấy cảm hứng từ tôn giáo này. Và xu hướng vẽ tranh Mặt Trời và Mặt Trăng cũng không ngoại lệ. Chúng thi nhau phát triển trong suốt thời kỳ Asuka và Nara (710 – 794 SCN) ở Nhật Bản.
Trong thời kỳ văn hóa phục hưng dưới thời Heian (794 – 1185 SCN), các bức tranh trăng tiếp tục bùng nổ trên khắp đất nước Mặt Trời Mọc. Hình ảnh Mặt Trăng kết hợp với hoa cỏ là cấu trúc tranh phổ biến được khắc họa trên màn lụa, rèm tre hoặc tranh cuộn, tranh sơn mài Makie, nhất là trong dòng tranh phong cảnh Tang-style yamato-e. Đây cũng là thời điểm mà số người ngắm trăng tranh tăng lên nhanh chóng.
Vào thời đại Kamakura (1185 – 1333 SCN), Phật giáo và Phật giáo thiền tông nói riêng phát triển rộng khắp Nhật Bản. Nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật, văn học và thơ ca của nước này. Trong đó, ánh trăng vẫn là chủ đề được yêu thích phổ biến.
Cũng vào thời kỳ này, kịch Noh và vườn đá của người Nhật trở nên nổi tiếng. Theo đó, mọi người thường tổ chức các bữa tiệc ngắm trăng trong khu vườn của mình hoặc đọc các bài thơ về nó.
Và như vậy ánh trăng đã trở thành đại diện cho trái tim mong manh và nỗi cô đơn của con người. Hay nói cách khác sự yếu đuối của họ đã được phát họa bên trong một ánh trăng thu lạnh lẽo, hoặc một ánh trăng phát ra thứ ánh sáng rực rỡ như quả cầu lửa trên bầu trời đêm.
Mặt trăng Ukiyoe
Ở thời kỳ Edo (1603 – 1868), trào lưu tranh khắc gỗ Ukiyoe được phổ biến khắp Nhật Bản. Theo đó, chúng đã được sản xuất hàng loạt để sẵn sàng phục vụ cho mọi người. Đây cũng là lý do vì sao mà nó đã trở thành một loại hình nghệ thuật giải trí dành cho dân chúng Edo.
Trong những năm 1860, sự phổ biến của tranh Ukiyoe bắt đầu tràn san phương Tây. Nó đã tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ và hình thành xu hướng Japonisme (chủ nghĩa Nhật Bản) trong giới danh họa phương Tây như Van Gogh, Edgar Degas, và Claude Monet.
Vào thế kỷ 17, các họa sĩ lớn của Nhật như Honami Kōetsu và Tawaraya Sotatsu đã thành lập trường Rimpa (琳 派), nơi dạy vẽ tranh theo phong cách Yamato-e truyền thống với giấy gạo và các bức tranh thủy mặc. Nhưng phong cách hội họa này được lấy cảm hứng theo trường phái trừu tượng.
Ngôi trường này cũng rất nổi tiếng với các bức tranh nửa vầng trăng. Và từ đây các bức tranh nửa vầng trăng đã lan rộng khắp Nhật Bản. Không chỉ thế hình ảnh này còn được tìm thấy trong tất cả các loại hình nghệ thuật khác và kể cả trên quần áo, cùng những mặt hàng thủ công thời Edo.
Nhưng có lẽ bộ sưu tập nổi tiếng nhất về ánh trăng Ukiyoe chính là các bức tranh mang chủ đề “100 diện mạo của ánh trăng”. Chúng đã được danh họa nổi tiếng Tsukioka Yoshitoshi khắc họa một cách sắc nét.
Tác phẩm này được xuất bản vào năm 1885. Nó được lấy cảm hứng từ 100 nhân vật trứ danh trong truyền thuyết Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Đồng thời, phong cảnh bên trong bức tranh cũng được lấy từ nhà hát Kabuki. Tất cả những hình ảnh đó đều được khắc họa bên dưới mặt trăng tròn.
Và trong suốt thời kỳ Edo, ánh trăng vẫn là một chủ đề phổ biến cho nghệ thuật Ukiyoe. Khi này cảnh đêm ở những nơi như Edo (Tokyo ngày nay) và Kyoto được sử dụng triệt để trong việc miêu tả một ánh trăng khổng lồ đang treo lơ lửng trên các ngôi nhà, đền thờ và nhiều địa danh khác ở Nhật Bản.
Ánh trăng nghệ thuật trong thời hiện đại của Trung Quốc và Nhật Bản
Vào cuối thế kỷ 19, sự ảnh hưởng phổ biến của tranh ukiyoe ở Nhật Bản suy yếu dần khi đất nước này thực thi chính sách mở cửa và bước vào thời kỳ Minh Trị. Thay vào đó, nghệ thuật mang phong cách phương Tây bắt đầu được phổ biến. Thời điểm này nhiều nghệ sĩ lớn đi theo phong cách ấn tượng và hiện đại của châu Âu và Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản. Nhờ vậy mà trong thế kỷ 20, dòng tranh ukiyoe đã trải qua hai cuộc phục hưng. Nó được kết hợp với trường phái Ấn Tượng và hình thành nên phong trào Shin-hanga ((新 版画 / “bản in mới”).
Tại Trung Quốc, trong nửa đầu thế kỷ 20 đất nước này cũng bước vào thời đại của những bức tranh phương Tây mang phong cách hiện đại. Cho đến năm 1949, khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp quản chính quyền đại lục, thì nghệ thuật Trung Quốc mới bước vào thời kỳ “chủ nghĩa hiện thực xã hội”
Mặc dù đã có rất nhiều những biến động và thay đổi diễn ra liên tục trong các phong trào nghệ thuật, nhưng ánh trăng chưa bao giờ mất đi trong các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc và Nhật Bản. Lúc này nó vẫn mang một vẻ đẹp truyền thống, nhưng đã dần có sự thích nghi với phong cách hiện đại bên trong mỗi bức tranh.
Theo đó, các ánh trăng hoạt hình cũng đã xuất hiện trong các bộ phim Anime và truyện tranh manga hiện đại. Trong những tác phẩm này ánh trăng được khắc họa rõ nét đằng sau những đám mây đang quay cuồng hoặc cành hoa anh đào bị thổi bay trong gió. Nhưng đôi khi hình ảnh ánh trăng cũng trở nên yên bình hơn rất nhiều!
Lời kết
Ở Trung Quốc và Nhật Bản, ánh trăng là một vật thể đã được tô vẽ hàng ngàn năm qua. Và có lẽ nó sẽ còn tiếp tục được mô tả thêm nhiều năm nữa.
Đa số các bức tranh trăng cổ xưa thường mang đến cho con người sự yên tĩnh, giác ngộ và sự thư giãn cho tinh thần. Và ngay khi người phương Tây khám phá ra dòng tranh này, họ đã mang đến một cái nhìn mới cho ánh trăng. Đồng thời, họ cũng đem đến cho mọi người những phút giây thư giãn để suy ngẫm về sự tĩnh lặng.
Trên hết, các bức tranh trăng chính là hình ảnh ghi lại cảnh quan của cả hai quốc gia trong suốt chiều dài lịch sử kéo dài hàng nghìn năm.
Tú Văn, theo owlcation