Ngày 12/9 vừa qua, Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy đã lên tiếng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt bức hại Pháp Luân Công. Tuyên bố này của ông đã được lưu vào hồ sơ của Quốc hội Hoa Kỳ.
Patrick Leahy là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ của tiểu bang Vermont. Ông làm Thượng nghị sĩ đã 44 năm, từng ba lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cũng như vị trí Chủ tịch lâm thời Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Leahy cho biết, Pháp Luân Công là tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc, nhưng lại bị ĐCSTQ cho là mối uy hiếp.
Ông nói: “Các học viên Pháp Luân Công thực hành thiền định và lấy ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ là nguyên tắc chỉ đạo. Tuy vậy, ĐCSTQ vì sợ hãi không thể khống chế được các tổ chức và đoàn thể tôn giáo, nên đã coi Pháp Luân Công – tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc thành nguy cơ đối với sự tồn vong của mình”.
Tháng 7/1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, với tâm đố kỵ và lòng e sợ số lượng học viên Pháp Luân Công nhiều hơn cả số lượng đảng viên cộng sản, đã hạ lệnh bức hại tàn khốc môn tu luyện ôn hòa này.
Thượng Nghị sĩ đã nói: “Gần đây, các học viên Pháp Luân Công đã ghi dấu 20 năm ngày bắt đầu chiến dịch bức hại tàn khốc đối với cộng đồng những người tu luyện pháp môn này ở Trung Quốc.
Vào ngày 20/7/1999, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại nhà lúc nửa đêm. Sang tuần tiếp theo, có tới 50.000 học viên Pháp Luân Công được báo cáo là đã bị giam giữ. Trong nhiều năm kể từ khi khởi xướng cuộc bức hại này, chính quyền Trung Quốc vẫn không ngừng đàn áp Pháp Luân Công”.
Thượng nghị sĩ Leahy trong phát biểu của mình đã chỉ rõ, học viên Pháp Luân Công đã gặp phải rất nhiều hình thức bức hại tàn khốc, bị thu hoạch cưỡng bức nội tạng và tra tấn đến chết.
“Các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, bị đưa vào trong các trại cải tạo, bị đánh đập, cấm ngủ, bỏ đói, bị cưỡng hiếp, bị tra tấn bằng điện, bị bức thực, bị xiềng xích khiến tay chân họ dần bị gãy, cho đến khi họ chịu từ bỏ tu luyện và đức tin của mình. Họ đã bị thu hoạch nội tạng trái với mong muốn của bản thân. Họ đã bị sát hại”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của trang web Minh Huệ có trụ sở tại Bắc Mỹ, có ít nhất 4.136 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết. Tuy vậy, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn rất nhiều.
Năm 2016, các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343, yêu cầu ĐCSTQ lập tức chấm dứt bức hại Pháp Luân Công, đình chỉ các hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm, trong đó có các học viên Pháp Luân Công.
Tháng 6/2019, “Tòa án Nhân dân Độc lập” tại Anh quốc đã ra phán quyết, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều năm qua đã liên tục tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn.
Trong phát biểu của Thượng nghị sĩ Leahy có đoạn: “Chúng ta nhiều khả năng sẽ không bao giờ biết được có bao nhiêu người vô tội đã bị bức hại, vì chính phủ Trung Quốc trước nay vẫn phủ nhận chuyện này với thế giới bên ngoài, đồng thời ở trong nước lại tiến hành bao biện cho việc bức hại của mình”.
Thượng nghị sĩ kêu gọi Trung Quốc hãy chấm dứt cuộc bức hại tàn khốc này: “Chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt ngay lập tức việc bắt bớ tùy tiện và tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công cũng như các tôn giáo và các dân tộc thiểu số khác”.
“Chính phủ Trung Quốc cần trả tự do cho các tù nhân chính trị khỏi các trại cải tạo, hợp pháp hóa các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo, và cho phép nhà báo và các tổ chức nhân quyền quốc tế phỏng vấn những người sống sót. Họ cần cam kết chấm dứt thủ đoạn tra tấn và thu hoạch nội tạng từ các tù nhân cũng như tuyên truyền chống lại các nhóm thiểu số”.
Thượng Nghị sỹ Leahy ca ngợi các học viên Pháp Luân Công tại Vermont đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng về cuộc bức hại đang diễn ra tại Trung Quốc.
Ông nói: “Cảnh ngộ khốn cùng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc khi bị chính quyền nước này tra tấn và sát hại dường như rất xa Washington, D.C, và cũng rất xa bang Vermont của tôi. Tuy vậy nhưng những cư dân của Vermont đã thay mặt cho Pháp Luân Công tới Washington để gặp tôi và các nhân viên của tôi, thúc giục Quốc hội hành động”.
“Cư dân của Vermont là những người kiên định, họ đã rất đúng khi không cho chúng tôi được phép làm ngơ với Pháp Luân Công và những nạn nhân của cuộc đàn áp ở Trung Quốc
Những tội ác chống lại nhân loại ở phía bên kia của địa cầu rất dễ bị bỏ qua bởi những nạn nhân ở đó là những người chúng ta sẽ không bao giờ được gặp. Nhưng các cư dân của Vermont đã yêu cầu chúng tôi phải chú ý. Các học viên Pháp Luân Công xứng đáng được ghi danh, và họ xứng đáng được cộng đồng quốc tế chung tay trợ giúp”.
Hạ Chi (Theo Epoch Times)