Trước việc xuất khẩu sang Triều Tiên trong tháng 8 tăng hơn 30%, Trung Quốc biện hộ do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho phép nước này tránh tác động tiêu cực đến “nhu cầu sinh kế và nhân đạo của Triều Tiên“.
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên tăng 31,4% trong tháng 8 so với năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 9,5%. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng 20,9%, trong khi nhập khẩu từ Triều Tiên giảm 16,7%.
Lý giải về việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, Bắc Kinh “thực hiện nghiêm ngặt” các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc theo đuổi công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, và nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không cấm kinh doanh thực phẩm. Ông Cảnh còn lập luận chống lại các biện pháp có thể gây tổn hại cho người dân Triều Tiên.
“Hội đồng Bảo An đã chỉ ra rằng các nghị quyết liên quan không nên gây ra những tác động tiêu cực đến nhu cầu sinh kế và nhân đạo của Triều Tiên“, AP dẫn lời ông Cảnh tại buổi họp báo thường kỳ.
Ngày 5/8, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã cấm các nước thành viên mua than và hải sản của Triều Tiên. Ngày 11/9, sau vụ thử hạt nhân thứ 6, lần thử nghiệm mạnh nhất của Bình Nhưỡng, các hình phạt đã được mở rộng với lệnh cấm cung cấp khí đốt tự nhiên cho Triều Tiên và mua hàng dệt may của nước này.
Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, đã đồng thuận với các biện pháp trừng phạt sau sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính quyền ông Kim Jong Un.
Hồi tháng 9, Bắc Kinh đã tuyên bố ý định hạn chế thương mại với Bình Nhưỡng đối với một số mặt hàng quan trọng, bao gồm sản phẩm dệt may, hải sản và dầu khí, đây là những động thái phù hợp với các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Bắc Kinh cũng đã cắt giảm nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng, bằng cách yêu cầu các nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác của Triều Tiên làm ăn với đối tác Trung Quốc đóng cửa, cấm các nhà đầu tư của Trung Quốc tiến hành kinh doanh với các khách hàng từ Triều Tiên.
Là 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết, Trung Quốc không muốn dồn ép Triều Tiên quá mức vì lo sợ chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gây sức ép với Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo sẽ có cuôc gặp ở Bắc Kinh vào tháng 11 trong chuyến công du châu Á của ông chủ Nhà Trắng, buộc Bắc Kinh thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nữa nhằm kiềm chế Triều Tiên.
TinhHoa tổng hợp