“Di dích, danh lam thắng cảnh không phải lễ hội vẫn hoạt động bình thường. Đoàn du khách họ đi thành từng đoàn nhỏ lẻ thì vẫn bình thường”, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp về phòng, chống dịch do virus corona chiều ngày 4/2.
Tại cuộc họp, bà bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ trương không để tụ tập đông người để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh do virus corona trong cộng đồng.
Theo bà Thủy, trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạm dừng các lễ hội chưa triển khai, sau đó, Bộ đã tạm dừng tất các hoạt động lễ hội tại các tỉnh, thành phố có dịch, kể cả các lễ hội đã triển khai.
Tuy nhiên, qua kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế, dù chúng ta có tạm dừng các hoạt động lễ hội nhưng không tạm dừng hoạt động du lịch, tham quan tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì vẫn diễn ra tình trạng tụ tập đông người ở những khu vực này.
Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phải tạm dừng cả các hoạt động tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh.
“Về vấn này, qua nắm bắt cơ bản, tại các địa phương đều đồng thuận, nhưng có 1 số cá nhân, đơn vị vì lợi ích kinh tế nên đã có những phản ứng” , bà Thủy cho hay.
Trước kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội tại địa phương, tại các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Xuân Phúc không đồng ý với kiến nghị tạm dừng các hoạt động ở khu di tích, danh lam thắng cảnh.
Nhiều doanh nghiệp du lịch không những “chết đứng” mà còn bị loạn thông tin
Trước cuộc họp về phòng, chống dịch do virus corona chiều ngày 4/2 do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, theo văn bản hỏa tốc ban hành ngày 4/2 của Sở Văn hóa – thể thao và Du lịch Hà Nội, đúng 15h ngày 4/2, tất cả di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đồng loạt đóng cửa.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 5/2, tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội như Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò,.. đã đồng loạt tạm dừng các hoạt động và treo biển đóng cửa.
“Việc thành phố Hà Nội đột ngột đóng cửa các di tích, danh lam, thắng cảnh thì coi như đã đóng cửa hoạt động du lịch. Nhiều du khách nước ngoài đã đến Hà Nội, nhưng hiện tại thành phố đã đóng cửa hết các di tích danh thắng thì không lẽ bắt du khách ở phòng khách sạn”, ông Nguyễn Tiến Đạt, TGĐ Công ty Du lịch AZA cho biết.
“Hiện nay chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch do virus corona, thời điểm hiện tại số ca nhiễm bệnh còn rất ít và chưa có người nào chết vì dịch bệnh. Vì vậy không nên cực đoan đến mức đóng cửa hết các di tích khiến nhiều doanh nghiệp chết đứng. Nhiều du khách bị ảnh hưởng và uy tín của ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Họ sẽ nghĩ du lịch Việt Nam vẫn không theo cơ chế thị trường mà điều hành bằng mệnh lệnh hành chính áp đặt”, ông Đạt cho hay.
Ông Đạt cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch virus corona, những ngày qua các doanh nghiệp du lịch đã bị thiệt hại nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.
Trước các công văn, công điện, các doanh nghiệp ngành du lịch cũng phản ảnh họ đang bị loạn thông tin dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong văn bản gần đây.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc công ty Du lịch Vietravel cho biết, thông báo của các cơ quan du lịch nước ngoài thường rất rõ ràng về biện pháp chống dịch virus corona.
“ Việc ngưng nhận du khách, thông báo của các nước đều nói rõ, ngoài tạm ngưng nhận khách quốc tịch Trung Quốc, những người có dấu visa vào Trung Quốc trong 14 ngày cũng không được nhập cảnh vào nước họ và phải có tham vấn cụ thể”, bà Hoàng cho hay.
“Ở Việt Nam các công văn của mà doanh nghiệp nhận được lại có nhiều cách hiểu, chung chung khiến doanh nghiệp không thể tính được phương án nên tổ chức tour hay không”, bà Phương Hoàng cho biết.
Ngay trong sự việc đóng cửa các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở chỉ đạo “tạm dừng mọi hoạt động khách tham quan và tổ chức các hoạt động văn hoá tại các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp các đơn vị theo nhiệm vụ phân công) để tránh tập trung đông người”.
Văn bản này đồng nghĩa với việc du khách không tiếp cận được các di tích có bán vé tham quan như Văn Miếu, Hoàng thành, đền Ngọc Sơn hay Hương Sơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại giải thích việc tạm dừng hoạt động nhằm tránh tập trung đông người, không có nghĩa “đóng cửa” các di tích.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cũng giải thích rằng, văn bản của Sở không hề nhắc chuyện “đóng cửa”.
Thực tế là 1 loạt đơn vị quản lý di tích có bán vé của Hà Nội đều dừng hoạt động và đóng cửa, bởi nếu mở cửa phải đón khách và bán vé theo quy định của UBND TP. Hà Nội.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng thừa nhận, từ khi dịch do virus corona bùng phát, Sở liên tục cập nhật các chỉ thị, văn bản đến doanh nghiệp, tuy nhiên không phải văn bản nào các doanh nghiệp du lịch cũng nắm rõ.
Bằng chứng là trong hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch do virus corona chiều 4/2 của sở, có đến gần 20 câu hỏi được doanh nghiệp nêu lên chủ yếu làm rõ các yêu cầu trong phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, theo quan điểm của vị đại diện này, việc đề nghị các khu di tích, danh thắng tạm dừng mọi hoạt động như công văn của Bộ, quyết định này thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh, thành phố.
Ghi nhận đến sáng ngày 6/2, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại.
Từ Nguyên (t/h)