(GDVN) – “Hai nước cần bình tĩnh xử lý các tranh chấp và tăng cường hợp tác trên biển, trên đất liền và tài chính cùng một lúc”, Thủ tướng Trung Quốc nói.
Tân Hoa Xã ngày 18/6 đưa tin, hôm qua Thứ Năm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và nói rằng tình láng giềng hữu nghị “vẫn là dòng chính” trong quan hệ Việt – Trung suốt 65 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Ca ngợi những động lực tốt của quan hệ Việt – Trung trong năm nay, ông Cường nói rằng hai bên cần thực hiện sự đồng thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác một cách bền vững, lành mạnh, ổn định góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Ông Lý Khắc Cường cho rằng có rất nhiều lĩnh vực hợp tác phổ biến đáng quan tâm hơn so với những tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. “Hai nước cần bình tĩnh xử lý các tranh chấp và tăng cường hợp tác trên biển, trên đất liền và tài chính cùng một lúc”, Thủ tướng Trung Quốc nói. Thủ tướng Cường cũng kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp theo mục tiêu “cùng thắng”, tương tác nhiều hơn nữa giữa chính quyền địa phương và người dân hai nước, đặc biệt là thanh thiếu niên. Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 18/6: “Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển ổn định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mong muốn hai bên triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng Tư vừa qua), thiết thực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến xu thế phát triển của quan hệ hai nước.” Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa Xã tự giải thích phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thành: “Chính phủ Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác Việt – Trung như một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình” dễ khiến dư luận hiểu lầm theo ẩn ý thiếu trong sáng của hãng tin nhà nước Trung Quốc – PV. Về vấn đề Biển Đông, bản tin của Tân Hoa Xã nói rằng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói với ông Lý Khắc Cường, Việt Nam sẵn sàng duy trì tương tác cấp cao, đẩy mạnh hợp tác, tăng cường giao lưu và giải quyết hợp lý tranh chấp với Trung Quốc. Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 18/6: “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Thủ tướng Lý Khắc Cường quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương Trung Quốc thực hiện tốt kết quả đạt được tại Phiên họp lần này; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh, bình đẳng cùng có lợi, nhất là tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu gạo và các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam để góp phần giải quyết vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng sẽ quan tâm tạo điều kiện cho tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới hai nước, kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.” Bình luận về phát biểu này của ông Lý Khắc Cường, tờ Sankei Nhật Bản ngày 19/6 cho rằng, thái độ bề ngoài muốn hợp tác với Việt Nam thực tế có mục tiêu là Trung Quốc muốn ngăn chặn sự can thiệp của “bên ngoài” vào Biển Đông, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Arthur I. Cyr, một học giả từ đại học Carthage, tác giả cuốn “Phía sau Chiến tranh Lạnh” ngày 18/6 bình luận trên tờ Middle Town Transcript, phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc vừa qua về cơ bản là tốt, nhưng những tranh chấp hàng hải vẫn làm cho quan hệ hai bên căng thẳng. Ông Arthur I.Cyr lưu ý, trước khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Trung Quốc dự phiên họp này, phía Trung Quốc đã có những hành động leo thang căng thẳng ngoài thực địa. Điển hình là 2 vụ tàu cá của Việt Nam bị tấn công, bao vây và bị cướp trên vùng biển (thuộc chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ngày 7 và 10/6. Ở Trường Sa, Trung Quốc đang tiếp tục bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp). |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam