Trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Tự do hôm 14/9, ông Tony Abbott đã bị đánh bại, nghĩa là nước Úc chuẩn bị có Thủ tướng mới.
Người đánh bại ông Abbott là ông Malcolm Turnbull, cựu Bộ trưởng truyền thông. Theo kết quả cuộc bỏ phiếu được tổ chức vội vàng, ông Tumbull giành được 54 phiếu, còn ông Abbott chỉ nhận được 44 phiếu. Các nghị sĩ đảng Tự do còn bỏ phiếu để giữ Ngoại trưởng Julie Bishop ở lại vị trí phó Chủ tịch đảng Tự do.
Kết quả này có nghĩa là ông Abbott mất chức Thủ tướng, đồng nghĩa với việc Úc sắp có Thủ tướng thứ 5 chỉ trong vòng 8 năm. Ông Turnbull dự kiến tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng sau khi ông Abbott gửi đơn từ chức đến Toàn quyền Úc.
Sau cuộc bỏ phiếu nhanh, ông Abbott cúi mặt rời phòng họp và không trả lời các phóng viên.
Phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Turnbull chỉ trích ông Abbott không thể mang lại “sự lãnh đạo về mặt kinh tế mà đất nước cần”.
Như vậy, ông Turnbull chính thức hạ bệ được “kẻ thù chính trị” lớn nhất của mình. Ông Turnbull, 60 tuổi, là thủ lĩnh Đảng Tự do cho đến năm 2009 trước khi bị ông Abbott đánh bại trong một cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo.
Giáo sư Rod Tiffen của Đại học Sydney nói với hãng tin Reuters rằng, ông Abbott bị hạ bệ ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên và nhiệm kỳ này cũng hết sức ngắn ngủi.
Trước đó, vào năm 2010, ông Kevin Rudd (thuộc Công Đảng) bị bà Julia Gillard cũng thuộc đảng này tước mất chức vị Thủ tướng trong một cuộc bỏ phiếu tương tự với trường hợp của ông Abbott. Đến năm 2013, ông Rudd lật ngược thế cờ và nạn nhân không ai khác chính là bà Gillard. Bà này mất chức Thủ tướng vào tay ông Rudd sau cuộc bỏ phiếu trong nội bộ Công Đảng.
“Khá ngạc nhiên khi nghĩ rằng (Úc) sẽ có 2 thủ tướng bị lật đổ trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ, điều không xảy ra từ Thế chiến II. Nó cho thấy sự bất ổn trong nội bộ các đảng phái hiện nay”, giáo sư Tiffen nhận định.
Trong khi đó, Thủ lĩnh Công Đảng Bill Shorten lên án gay gắt tuyên bố muốn “thay đổi phong cách lãnh đạo” của ông Turnbull. Ông Shorten nhấn mạnh, Úc không cần thêm một lãnh đạo Đảng Tự do “ngạo mạn”, “xa rời thực tế” mà chỉ cần thay đổi bộ máy chính phủ.
Theo Người Lao Động