Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thăm Indonesia và Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 21/10 để hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến đi này sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Yoshihide Suga sau khi nhậm chức. Một số chuyên gia cho rằng chuyến thăm của Yoshihide Suga phần lớn là để ủng hộ lợi ích địa chính trị của Hoa Kỳ và sẽ hợp lực với các nước nhỏ mong muốn chống lại sự bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo Đài phát thanh truyền hình công cộng Nhật Bản (NHK), thông qua cuộc hội đàm, ông Yoshihide Suga sẽ hỗ trợ kinh tế cho hai nước do tác động của dịch virus Vũ Hán và trao đổi quan điểm với lãnh đạo hai nước về công tác phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, dưới tình trạng ĐCSTQ tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận Biển Đông, nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông sẽ xác nhận việc tăng cường hợp tác giữa các bên.
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Tôn Vận, giám đốc Dự án Đông Á của Trung tâm Stimson, thuộc viện chính sách của Mỹ, nói rằng đây là tình huống mà Hoa Kỳ muốn thấy và ông cho rằng Nhật Bản sẽ dễ dàng làm điều này hơn thay vì trực tiếp và công khai chĩa mũi dùi về phía ĐCSTQ. Vì vậy, “Nhật Bản có sự quan tâm nhất định trong việc phát triển và khiến mối quan hệ với các nước Đông Nam Á trở nên sâu sắc hơn”.
Jeffrey Kingston, một giảng viên về lịch sử tại Đại học Temple ở Nhật Bản cũng nói rằng, “trong các mối quan hệ ngoại giao của Nhật Bản, đây là hai quốc gia Đông Nam Á rất quan trọng” và “sau cuộc Hội nghị Bộ tứ Tokyo, điều này thực sự có ý nghĩa địa chiến lược.”
Trước đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 7 năm nay để tài trợ đóng mới 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, những chiếc tàu này sẽ được sản xuất tại Nhật Bản. Đối với Indonesia, Nhật Bản là quốc gia tài trợ lớn nhất. Kể từ năm 1960, các khoản tài trợ từ Nhật Bản đã chiếm 45% tổng viện trợ nước ngoài của Indonesia.
Báo cáo nói rằng, ĐCSTQ tuyên bố có chủ quyền 90% trên Biển Đông và mở rộng một số đảo nhân tạo bằng cách lấp các đảo và đá ngầm, trong một số trường hợp có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Việt Nam, Indonesia cùng ba quốc gia Đông Nam Á khác và Đài Loan lần lượt đưa ra phản đối đối với tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ trên Biển Đông. Trong 20 năm qua, Nhật Bản đã nhiều lần đuổi máy bay của ĐCSTQ ra khỏi các khu vực của Biển Hoa Đông, nơi hai bên tranh chấp chủ quyền, điều này khiến Nhật Bản và các nước Đông Nam Á có điểm chung.
Vào tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các nước nhỏ đang chịu áp lực từ sự bành trướng hàng hải của ĐCSTQ. Hơn nữa, kể từ sau Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng coi Nhật Bản là một thành viên mà Hoa Kỳ có thể dựa vào trong số các nền dân chủ châu Á để có được sự ủng hộ về địa chính trị ở châu Á. Nhật Bản luôn liên kết với Hoa Kỳ và là đối tác an ninh lớn nhất của Nhật Bản. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ duy trì sự tự do của Biển Đông để cho hàng hải quốc tế thông suốt.
Minh Huy