Theo quan niệm của người xưa, “Đạo của bậc quân tử”, cũng như “đức hạnh” của người phụ nữ là những chuẩn tắc mà xã hội yêu cầu để tránh cho đạo đức con người không quá nhanh chóng xuống dốc.
Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay, các quan niệm đó đã có sự thay đổi ít nhiều. Vậy sự thay đổi đó đã và đang diễn ra như thế nào?
Chúng ta hãy cùng xem một trong những điểm khá nổi bậc, đó là sự thay đổi trong cách xưng hô vợ chồng theo thời gian.
Phụ nữ Trung Quốc cổ đại gọi chồng như thế nào?
Chúng ta biết rằng chữ Hán dựa trên một nền văn hóa vô cùng lâu đời. Thời cổ đại, người phụ nữ thường gọi chồng hoặc người yêu là “Lương nhân” và “Lang quân”, nghe rất nho nhã.
Đến thời nhà Tống, có sự dung hòa giữa văn hóa Nam Bắc, phụ nữ sẽ gọi một nửa của mình là “Quan nhân”. Còn ở trong cung đình thì sẽ gọi là “Quan gia”, sau này lại gọi thành “Tướng công.”
Điểm đặc biệt là địa vị của người chồng càng ngày càng được nâng cao. Đến thời cận đại, lại xuất hiện cách gọi là “Tiên sinh” và “Người yêu”.
Đến thời hiện đại, cách gọi chồng phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay chính là “Lão công.” Nhưng thực ra, ở thời cổ đại, “Lão công” là dùng để chỉ Thái giám.
Vì vậy, có rất nhiều cách gọi chồng, nếu các chị em không muốn gọi chồng là “Lão công” thì có thể cách gọi cho phù hợp.
Mà lỡ chuyển cách xưng hô “Lão công” thành “Lão công công…” thì mau thay cách gọi đi nhé!
Cách xưng hô vợ chồng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, các cặp vợ chồng trẻ ngày nay thường xưng hô đơn giản là “anh, em”, dân dã hơn thì gọi nhau là “ông xã, bà xã”.
Lùi lại khoảng 30-40 năm trước, vợ chồng gọi nhau bằng “mình”. Mỗi lần xưng hô, gọi “mình ơi!…”, thể hiện tình cảm và sự gắn bó, tuy hai mà một. Ngày nay cách xưng hô “mình” vẫn tồn tại nhưng không phổ biến.
Thời Pháp thuộc, vợ chồng con nhà sang trọng, giàu có thường gọi nhau bằng “cậu mợ”, nhà thường dân thì gọi nhau là “anh chị”. Nếu có con rồi thì gọi nhau là “thầy em”, còn nhà thô tục thì gọi là “bố nó, mẹ nó”. Có vùng cả hai vợ chồng gọi nhau là “nhà ta, nhà tôi”.
Người xưa rất coi trọng tiếng gọi vợ chồng, tiếng gọi vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, cũng là nhắc nhở cả hai về nghĩa vợ chồng.
Trong hôn nhân thời xưa, vợ chồng cư xử với nhau quan trọng nhất là hai chữ “hòa thuận”. Dù chuyện gì xảy ra cũng cần “đóng cửa bảo nhau”, tìm cách dung hòa, giải quyết, chứ tuyệt đối không được vội vàng từ bỏ hoặc làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm.
Người chồng trọng nhất là giữ nghĩa với vợ, người vợ trọng nhất là giữ tiết với chồng.
Xét về phẩm chất của người vợ, người vợ thời xưa phải đảm bảo đủ “tam tòng, tứ đức”. )Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử – Nghĩa là khi người đàn bà còn ở nhà thì theo cha mẹ khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng mất thì theo con. Tứ đức là: Công, dung, ngôn, hạnh.)
Công: là sự khéo của người phụ nữ, từ nữ công gia chánh như nấu ăn, may thêu, buôn bán, giỏi nữa thì biết tứ nghệ: cầm kỳ thi hoạ.
Dung: Chỉ “dung nhan”, đề cập đến vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ. Đó là vẻ kín đáo, thùy mị, nết na, đảm đang,… như ca dao ca ngợi:
“Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.
Ngôn: Là những lời nói nhã nhặn, kín đáo, dễ nghe, nhỏ nhẹ, khoan thai, dịu dàng,… kèm theo đó là những cử chỉ phù hợp, cư xử đúng phép tắc, nói đúng chỗ, đúng lúc; thể hiện sự đoan trang, thanh lịch của người phụ nữ.
Hạnh: Đây là đức tính cuối cùng trong “tứ đức” của người phụ nữ và được xem là quan trọng nhất. Hạnh dùng để chỉ đạo đức, lòng chung thủy son sắt, lòng nhân hậu, giữ trọn nề nếp gia phong,… Đức hạnh đó của người phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ với cha mẹ, con cái, vợ – chồng…Biết trên kính, dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, không cay nghiệt với ai.
Nghĩa vụ của người chồng đối với vợ trong quan niệm thời xưa là phải ở cho đúng đắn, biết thương yêu vợ, biết quý trọng vợ, nhất là có tài trí, trở thành điểm tựa khiến cho vợ có được bảo vệ, nương nhờ.
Người xưa có câu “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng quý nhau như khách, ngoài ra cũng có câu “phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành”, nghĩa là vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo. Hai câu ấy đủ làm gương cho đạo vợ chồng.
Thiện Thành (Sưu tầm)