Theo những nghiên cứu khoa học về cách chúng ta được nuôi dưỡng và trưởng thành, có rất nhiều thứ diễn ra trong thời thơ ấu có ảnh hưởng đến con người khi trưởng thành.
Dù cho không có một công thức nào được thiết lập để đảm bảo thành công và hạnh phúc, những nhà nghiên cứu tâm lý học cũng đã chỉ ra một số yếu tố từ thời thơ ấu có thể dự đoán tương lai của mỗi đứa trẻ khi lớn lên.
Sau đây sẽ là 13 dấu hiệu tuổi thơ tiêu biểu và những dự báo về tác động của chúng:
1. Kỹ năng xã hội khi còn học mẫu giáo có thể xác định bạn sẽ học đại học hay đi làm
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania và Đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ em từ mẫu giáo tới năm 25 tuổi trên khắp nước Mỹ và tìm ra mối tương quan đáng chú ý giữa kỹ năng xã hội của các em khi còn là học sinh mẫu giáo và mức độ thành công của họ 20 năm sau.
Nghiên cứu diễn ra trong 20 năm này cho thấy trẻ em có năng lực xã hội – chơi với bạn bè mà không cần nhắc nhở, hay giúp đỡ người khác, thấu hiểu cảm xúc và giải quyết các vấn đề của riêng mình – có nhiều khả năng đạt được tấm bằng đại học và có công việc ổn định ở tuổi 25 hơn những trẻ em có kỹ năng xã hội hạn chế.
Trẻ ít năng lực xã hội có khả năng bị bắt giữ, say rượu và vô gia cư cao hơn.
“Nghiên cứu này cho thấy việc giúp đỡ trẻ em phát triển kỹ năng xã hội và tình cảm là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để hướng chúng tới một tương lai tốt đẹp.” – Kristin Schubert, giám đốc phụ trách tại công ty tài trợ Robert Wood Johnson Foundation cho biết trong một bài phát biểu: “Từ khi còn nhỏ, những kỹ năng này giúp xác định liệu một đứa trẻ sẽ vào trường đại học hay nhà tù, sẽ có việc làm hay nghiện ngập.”
Kỹ năng xã hội từ nhỏ là yếu tố quyết định tương lai của trẻ
2. Nếu cha mẹ ly hôn khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ có mối quan hệ nghèo nàn với họ khi trưởng thành
Theo một nghiên cứu của đại học Illinois, nếu cha mẹ chia tay khi bạn ở độ tuổi từ 3 đến 5, bạn sẽ có mối quan hệ bấp bênh với họ khi lớn lên, đặc biệt là với cha. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn của cha mẹ không dự đoán chất lượng những mối quan hệ tình cảm sau này của con cái.
3. Nếu bạn hay bắt chước cha mẹ mình, bạn sẽ trở thành một người cởi mở
Nếu hồi nhỏ bạn bắt chước mọi thứ cha mẹ bạn làm, và thậm chí nếu hành động đó chẳng có ý nghĩa gì, nó đều thể hiện bạn sẵn sàng với những hành động không rõ mục đích. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, Nam Phi và Đại học Queensland, Úc, nó sẽ giúp bạn cởi mở hơn trong việc chia sẻ và truyền tải văn hóa sau này trong cuộc sống.
4. Nếu bạn là con gái và mẹ bạn đi làm, bạn có thể sẽ trở thành bà chủ và kiếm nhiều tiền hơn
Theo nghiên cứu từ Harvard Business School, việc trẻ em có mẹ đi làm ngoài gia đình mang những lợi ích đáng kể.
Nghiên cứu cho thấy con gái của những bà mẹ có đi làm bên ngoài đi học lâu hơn, có nhiều khả năng làm công việc giám sát, và kiếm được nhiều tiền hơn 23% so với những đồng nghiệp có mẹ làm việc tại nhà.
“Có rất ít thứ chúng ta biết đến – như việc được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đi làm – ảnh hưởng rõ ràng đến bình đẳng giới như vậy.” – Giáo sư Harvard Business School Kathleen L. McGinn, tác giả chính của nghiên cứu cho biết trong cuộc nói chuyện với Working Knowledge.
Một người mẹ đi làm sẽ tác động nhiều đến tương lai của con cái
5. Cha mẹ kiếm được càng nhiều tiền, điểm SAT của con cái càng cao
Theo nhà nghiên cứu Sean Reardon tại Đại học Stanford ghi nhận, thu nhập của cha mẹ càng nhiều, điểm SAT con cái đạt được càng cao.“Với sự can thiệp toàn diện, tình trạng kinh tế xã hội là điều thúc đẩy hiệu suất và chất lượng giáo dục.” – ông viết.
6. Nếu bạn xem nhiều chương trình TV bạo lực, bạn sẽ trở thành một kẻ hung hăng
Theo một nghiên cứu kéo dài 15 năm, trẻ em hình thành hành vi của mình sau khi xem cảnh các nhân vật được thưởng do hành động bạo lực.
7. Học toán sớm giúp bạn giỏi toán và kỹ năng đọc hiểu hơn
Một chương trình phân tích – tổng hợp 35,000 trẻ mẫu giáo ở Mỹ, Canada và Anh năm 2007 cho thấy việc phát triển kỹ năng toán học đem lại lợi ích to lớn.
“Điều tối quan trọng của kỹ năng toán học sớm – bắt đầu học với những con số, số thứ tự và các khái niệm toán học cơ bản khác – là một trong những kết quả của nghiên cứu này.” đồng tác giả và nhà nghiên cứu Greg Duncansaid của Đại học Northwestern cho biết trong một cuộc họp báo: “Làm chủ kỹ năng toán học không chỉ đoán trước thành tích toán học mà còn thúc đẩy kỹ năng đọc hiểu trong tương lai.”
Học toán sớm sẽ nâng cao khả năng tư duy của trẻ
8. Nếu khi còn nhỏ bạn bị bắt nạt, bạn có khả năng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trưởng thành
Một nghiên cứu theo dõi 7.771 trẻ em tại Anh từ khi lên 7 đến năm 50 tuổi cho thấy những người từng bị bắt nạt khi còn nhỏ có mối quan hệ nghèo nàn, độ trầm cảm, lo âu cao hơn cũng như trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí JAMA Psychiatry, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke nhận thấy nạn nhân của nạn bắt nạt trẻ em có nguy cơ cao bị chứng rối loạn lo âu ở tuổi trưởng thành, và những người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm dễ mắc phải trầm cảm và hoảng loạn.
9. Nếu hồi nhỏ bạn xem TV nhiều, bạn có thể bị ức chế kỹ năng giao tiếp
Sau khi quan sát các bà mẹ và trẻ em trong một nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy TV làm giảm giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Thậm chí trong khi nói chuyện, ý kiến của cha mẹ thường không liên quan tới điều trẻ nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hậu quả của việc này là “trao đổi không hiệu quả và có thể gây trở ngại đến khả năng tiếp thu của trẻ”.
10. Phụ huynh ít áp lực, con cái có tính cách và tương lai tốt đẹp hơn
Theo một nghiên cứu mới của Brigid Schulte tại The Washington Post, thời gian các bà mẹ dành ở bên cạnh trẻ từ 3 đến 11 tuổi hầu như không ảnh hưởng tới hành động, sức khỏe và thành công của đứa bé sau này.
Tuy vậy, cảm xúc của người mẹ là điều thực sự ảnh hưởng. “Tình trạng stress ở các bà mẹ, đặc biệt là những người bận rộn với công việc và cố tìm thời gian dành cho con, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.” – đồng tác giả nghiên cứu và nhà xã hội học tại Đại học Bowling Green State – Kei Nomaguchi – nói với tờ The Post.
Lan truyền cảm xúc – hay các hiện tượng tâm lý khi mọi người “lây” cảm xúc với nhau như khi bị cảm lạnh là lý do cho điều này. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn bè của bạn vui vẻ, niềm hạnh phúc đó sẽ tác động đến bạn, nếu họ buồn, bạn cũng cảm thấy ảm đạm. Vì vậy, nếu cha mẹ bị stress hoặc mệt mỏi, những trạng thái cảm xúc ấy cũng gây ảnh hưởng tới con cái.
Cảm xúc của phụ huynh tác động nhiều đến tính cách của trẻ
11. Nếu cha mẹ không cho phép bạn tự đưa ra quyết định, bạn sẽ bị phụ thuộc
Nếu cha mẹ bạn quan tâm quá mức tới các vấn đề của con cái như không cho bạn tự chọn bạn bè, quần áo, đồ ăn…, bạn sẽ trở thành người phụ thuộc – nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần Laura JJ Dessauer cho biết.
12. Trẻ em có khả năng tự kiểm soát tốt sẽ sớm trở thành người gương mẫu, khỏe mạnh
Theo một nghiên cứu 32 năm được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học, trẻ em biết tự kiểm soát tốt sẽ lớn lên khỏe mạnh, cân bằng tài chính và gặp ít rắc rối hơn so với những người thiếu kỷ luật.
“Cha mẹ không nên quá chú ý vào lòng tự trọng của các con mà hãy tập trung dạy cho con khả năng tự kiểm soát.” – chuyên gia tự kiểm soát Roy Baumeister, giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida, Tallahassee, trao đổi với WebMD.
13. Cố gắng đạt “điểm A” có thể tạo sức bật
Suy nghĩ của trẻ về nguồn gốc của thành công cũng dự đoán thành tựu chúng sẽ đạt được.
Qua nhiều thập kỷ, nhà tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford phát hiện ra rằng trẻ em (và cả người lớn) nghĩ về thành công theo một trong hai cách sau:
“Tư duy cố định” cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo của chúng ta là những thứ đã được định sẵn mà chúng ta không thể thay đổi bằng bất cứ cách nào.
Mặt khác, “tư duy tăng trưởng” nhận định thành công do nỗ lực tạo nên, và nhìn thất bại không phải là dấu hiệu của sự ngu ngốc mà là bàn đạp khích lệ sự trưởng thành.
Vấn đề cốt lõi là sự khác biệt trong cách bạn cho rằng ý chí sẽ ảnh hưởng đến khả năng của mình, và điều đó cũng có tác động mạnh mẽ lên trẻ em. Nếu trẻ được bảo rằng chúng vượt qua bài kiểm tra vì trí thông minh bẩm sinh, nó sẽ tạo tư duy “cố định”. Còn nếu chúng thành công vì sự nỗ lực, tư duy “tăng trưởng” sẽ được hình thành.
Cách hiểu về nguồn gốc của thành công sẽ thúc đẩy trẻ nỗ lực và đạt nhiều thành tựu
Theo Trí Thức Trẻ/BI