Tinh Hoa

Thời khắc “Chernobyl” của chính quyền Trung Quốc đã điểm?

Chỉ một vài tháng trước đây, người ta còn cho rằng khả năng một “Thảm họa Chernobyl” xảy ra tại Trung Quốc là gần như không thể. Nhưng giờ đây, nhiều thứ đã thay đổi.

Liệu đại dịch Vũ Hán có phải là “Thảm họa Chernobyl” của Trung Quốc hay không? (Ảnh minh hoạ)

Liệu đại dịch Vũ Hán có phải là “Thảm họa Chernobyl” của Trung Quốc hay không? Việc che đậy một cách nhẫn tâm và tàn ác liệu có phải là khởi đầu cho sự sụp đổ có hệ thống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hệt như việc Liên bang Xô Viết sụp đổ sau thảm họa Chernobyl năm 1986 hay không?

Cũng có thể, nhưng so với Liên bang Xô Viết năm 1986, chế độ cộng sản Trung Quốc hôm nay mạnh hơn, một phần nhờ vào sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới.

Điều thế giới có thể làm cho những công dân Trung Quốc đã và đang chịu đựng sự kìm kẹp của “đế chế tà ác” (*) chính là đưa ra một quan điểm đạo đức rõ ràng chống lại một nhà nước tội phạm đang đè đầu cưỡi cổ người dân của mình với những hành vi như: cưỡng chế giam giữ công dân trong các trại tập trung; lao động cưỡng bức và thu hoạch nội tạng; chà đạp tất cả các quyền tự do cơ bản được đưa ra trong Hiến chương về Quyền và Tự do của chúng ta, không có ngoại lệ; gây bất ổn trong thương mại quốc tế; đe dọa an ninh các nước láng giềng; và chịu trách nhiệm trong việc tạo ra đại dịch lây lan toàn cầu.

(*) Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan từng đọc diễn văn “đế chế tà ác” vào năm 1983. Lúc đó cụm từ này dùng để chỉ Liên bang Xô Viết.

Cụm từ “Thảm họa Chernobyl” được sử dụng trong một bức thư ngỏ gửi tới “mọi người dân và bạn bè của Trung Quốc đang ở trong nước hay nước ngoài” đầu tháng này. Bức thư do những người có uy tín, dám lên tiếng cho quyền con người quốc tế đứng ra ký tên, trong đó có cựu bộ trưởng tư pháp Canada Irwin Cotler. Trong bức thư có đoạn “khủng hoảng toàn cầu lần này là do chế độ [ĐCSTQ] gây ra, một chế độ mà rất nhiều người [trong cộng đồng quốc tế] đã dung túng và chống đỡ trong nhiều thập kỷ.”

Sau khi bức thư được công bố, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Andrew Scheer và nhiều nghị sĩ khác cũng đồng ý ký tên vào bức thư.

“Nguyên nhân gốc rễ của đại dịch là việc chính quyền ĐCSTQ tại Vũ Hán, Hồ Bắc che đậy dịch bệnh”; “Dưới sự ảnh hưởng của ĐCSTQ, WHO đã hạ thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch.”, bức thư cho biết.

Thảm họa Chernobyl của Liên bang Xô Viết xảy ra 3 năm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc diễn văn “đế chế tà ác” và chịu nhận sự chế giễu của các cơ quan ngoại giao quốc tế. Thế nhưng, 6 năm sau đó, Châu Âu đã giành độc lập, tách rời khỏi đế chế Xô Viết, và 2 năm tiếp theo nữa thì Liên bang Xô Viết cũng sụp đổ. Những người bất đồng chính kiến dũng cảm phía sau Bức màn Sắt đã tiết lộ rằng việc thẳng thắn lên án Liên bang Xô Viết là một “đế chế tà ác” đã là một bước ngoặt quan trọng.

Nhìn lại diễn biến cuối năm 2019 [trước khi đại dịch xảy ra]

Chỉ một vài tháng trước đây, người ta còn cho rằng khả năng một “Thảm họa Chernobyl” xảy ra tại Trung Quốc là gần như không thể. Hãy thử nhớ lại tình trạng cuối năm 2019 [trước khi đại dịch xảy ra] xem:

Sau hơn một năm Trung Quốc đàn áp tôn giáo tràn lan, bao gồm cả việc cấm trẻ em tham gia các hoạt động tôn giáo, thay thế các biểu tượng Thánh giá ở các nhà thờ Cơ đốc giáo bằng huy hiệu của chế độ, phá hủy các nhà thờ và giam cầm các tu sĩ, vậy mà Vatican không hề đưa ra bất cứ một ý kiến phản đối nào.

Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự Luật Dẫn độ. (Ảnh: RFI)

Sau nhiều tháng biểu tình đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông, những người biểu tình nhận được rất ít sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Và không chỉ có các chính phủ sợ làm ĐCSTQ phật ý. Khi bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ bày tỏ sự phẫn nộ vì việc người quản lý đội bóng rổ Houston Rockets đăng tweet ủng hộ người biểu tình giữa giải bóng rổ tại Trung Quốc, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) của Mỹ đã xin lỗi một cách hèn nhát.

Nếu ĐCSTQ đòi NBA đến chơi bóng rổ tại các trại tập trung nơi giam giữ một triệu (hoặc nhiều hơn thế) người Hồi giáo – để buộc họ cải tạo theo “kiểu Mao” độc tài – chưa chắc NBA sẽ từ chối thẳng thừng. Ít nhất, nó còn phải trải qua cân đo đong đếm giữa lợi ích đạt được [ở Trung Quốc] và cái giá nó sẽ phải trả tại quê nhà [tự do vì dám làm thế]. Rốt cuộc, thị trường bóng rổ Trung Quốc là một thị trường béo bở đối với NBA.

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp bằng việc tống giam “cha đẻ của nền dân chủ Hồng Kông”, Martin Lee, vài ngày trước. Nếu thế giới không “xì xào lên tiếng” về một chế độ tà ác khi nó che đậy một đại dịch mang tầm quốc tế, thì ĐCSTQ hiểu rằng việc tống giam các công dân ưu tú của Hồng Kông vào tù cũng sẽ chẳng làm nó tổn hại gì.

Vài tuần trước là tròn 500 ngày hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị giam ở Trung Quốc mà không thông qua quá trình điều tra chính thức. Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông David Mulroney đã thẳng thắn gọi đó là một vụ “bắt giữ con tin”. Tuy nhiên, năm ngoái, cựu thủ tướng Jean Chrétien và các cộng sự đã lập luận rằng Canada nên trả tiền chuộc cho Trung Quốc bằng việc thả tự do cho Mạnh Vãn Châu, giám đốc điều hành của Huawei đã bị bắt ở Vancouver vào tháng 12/2018, theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.

Có phải mọi thứ bắt đầu thay đổi vì virus Vũ Hán? Các cơ quan ngoại giao và tập đoàn đã từng lập luận rằng tốt nhất là cần 50 năm xoa dịu để thay đổi Trung Quốc, giờ lại im lặng trong những tuần qua, khi những người già yếu ở Canada qua đời [do nhiễm virus Vũ Hán] vì những lời nói dối của ĐCSTQ. Hai trong số các cựu đại sứ của Canada tại Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc lừa gạt về đại dịch và quan trọng nhất, chính là các quan chức sở tại ở Bộ ngoại giao đã không phản ứng lại [bằng cách xin lỗi hay xoa dịu] trước sự việc [chỉ trích] đó [như đã từng làm trước đây].

Sức mạnh của bài diễn văn về “đế chế tà ác” không phải là để cảnh báo cho mọi người rằng Liên bang Cộng sản Xô Viết là tà ác về bản chất và là một thế lực tà ác trên trường quốc tế. Mọi người đều biết điều đó, kể cả những người phủ nhận điều đó vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, điều khác biệt là Tổng thống Hoa Kỳ [lúc đó là Ronald Reagan] đã sẵn lòng lên tiếng về điều này. Sự thật có sức mạnh riêng của nó.

Hiện nay, virus Vũ Hán đã khiến nhân loại đối diện với nhiều sự việc chưa từng có. Liệu rằng việc phơi bày rõ ràng đạo đức của ĐCSTQ có phải là một trong những việc đó chăng?

Theo TTVN