Tinh Hoa

Thôi Bối Đồ tiết lộ về lịch sử nhân loại hôm nay (P.9): Thịnh thế nghìn thu

Thôi Bối Đồ là cuốn sách tiên tri nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại, bao gồm những dự ngôn chuẩn xác phi thường. Trong đó, những hiện tượng xảy ra ở Trung Quốc ngày nay, cũng như giai đoạn đặc thù của lịch sử nhân loại hôm nay, đều được Thôi Bối Đồ nói đến.

Tiếp theo phần 8: Quy luật thịnh thế

W020160318366813998485
Trinh Quán chi trị thời Đường Thái Tông Lý Thế Dân là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Ở phần 8, Tinh Hoa đã cùng bạn đọc lần lượt điểm lại những triều đại hưng thịnh của Trung Hoa trong lịch sử. Điểm chung đồng nhất của các triều đại này, chính là các bậc đế vương biết dùng đạo trị quốc, thuận theo Đạo trời, hơn nữa còn rất mực tôn kính và hoằng dương Phật Pháp – Đây được cho là quy luật thịnh thế, căn nguyên sâu xa của mọi phúc phận.

Trong phần này, chúng ta sẽ tiếp tục dõi theo các “thiên triều thịnh thế” tiếp sau đó. Từ đó, một lần nữa minh chứng chắc chắn cho quy luật thịnh thế này.

3. Thịnh thế thời Trung Quốc cổ đại (tiếp)

(5) “Trinh Quán chi trị” thời nhà Đường

Trinh Quán chi trị thời Đường Thái Tông Lý Thế Dân là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy không được giàu có như thời “Khai Nguyên thịnh thế“, nhưng lại là thời kỳ đạo đức cao nhất, dân phong tốt nhất, là thời kỳ cực kì hưng thịnh của Trung Quốc thời xưa. Đây là thời kỳ thực lực quốc gia cường thịnh nhất, khiến cho mỗi một người Trung Quốc đều không khỏi tự hào hồi tưởng.

“Oán nữ tam thiên phóng xuất cung,

Tử tù tứ bách lai quy ngục”.

Tạm dịch:

“Cung nữ ba nghìn cho xuất cung,

Tử tù bốn trăm trở về ngục”.

Đây là hai câu thơ phác họa Trinh Quán trong bài thơ tự sự “Thất Đức Vũ” của đại thi hào Bạch Cư Dị. Một cảnh là Đường Thái Tông để cho ba nghìn cung nữ xuất cung trở về quê nhà lập gia đình, một mặt khác là trong suốt sáu năm Trinh Quán, cả nước chỉ có 390 tử tù, Thái Tông cho họ nghỉ định kỳ trở về nhà, đoàn tụ với người nhà, lệnh cho họ mùa thu năm sau tự mình trở về chịu xét xử. Kết quả năm sau, 390 người đều đến đúng hẹn, Thái Tông cảm động, đã miễn xá cho toàn bộ.

Thời kỳ đạo đức cao thượng nhất, mới là điều mà mọi người mong mỏi nhất. Trinh Quán thịnh Đường chính là đỉnh cao của giá trị tinh thần như vậy. Đường Thái Tông lấy đức trị thiên hạ, quan lại trong sạch, dân phong thuần phác, xã hội công bằng an định, ngoài đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, người dân giàu có, tất cả dân chúng đều cảm thấy hạnh phúc yên vui.

Nguyên nhân thịnh thế giàu mạnh, không thể tách rời khỏi minh quân hiền thần, nhưng mà, đó vẫn chỉ là nguyên nhân bề mặt.

Thế thì nguồn gốc thịnh thế của Đại Đường là nằm ở đâu đây?

Lý Thế Dân thuận theo đạo trời hợp với lòng người, sau khi đăng cơ đã ban ra thánh chỉ phế bỏ “diệt Phật diệt Đạo” của Lý Uyên, phò trợ Đạo Pháp, từ đó Phật Pháp đại hưng. Công đức to lớn như vậy, không những là cội nguồn phúc báo hiện thế trong đời này, mà còn là cội nguồn phúc đức của thời đại “Trinh Quán chi trị” mà trời ban cho, soi sáng cho muôn vàn đời sau.

(6) “Khai Nguyên thịnh thế” nhà Đường

Khai Nguyên thịnh thế là thời đại giàu có hơn cả thời “Trinh Quán chi trị“, giàu có và đông đúc giống như thời kỳ khai hoàng của Tùy Văn Đế, giai đoạn trước khi xảy ra nghiệp lớn của Tùy Dạng Đế.

Đời trước trồng cây, đời sau hóng mát. Tùy Văn Đế, Đường Thái Tông đều là những người trồng cây phúc đức cho con cháu hưởng dùng. Nhưng, người vô đức không giữ được của cải trong nhà, quân vương vô đức không giữ được thiên triều thịnh thế. Đường Huyền Tông cũng giống như Tùy Dạng Đế, đời trước không tệ, đời sau thất đức, quốc gia mau chóng suy bại, lâu đài sụp đổ.

Nguyên nhân Đường Huyền Tông bại quốc, những gì mà người hiện đại giảng nói cũng chỉ là bề mặt, không đụng đến nguồn gốc sâu xa. Căn nguyên này, nằm ở chỗ Đường Huyền Tông tự cậy tài hoa, giải thích kinh Phật và Đạo Đức Kinh, còn cưỡng ép chúng tăng ni học tập “Hiếu kinh” của Nho gia, đây là sự phá hoại to lớn đối với Phật Pháp, Đạo Pháp, là phá hoại, loạn Pháp ngay từ bên trong. Tội lỗi này còn to lớn hơn cả đàn áp diệt Phật từ bên ngoài, phúc phận của Đại Đường đoạn đứt từ đây, Đường Huyền Tông mê muội dâm loạn, thiên tai nhân họa liên tục ập đến.

Trong 9 năm “An Sử chi loạn”, chiến tranh liên miên, hàng triệu sinh linh rơi vào cảnh khốn khổ lầm than. Đại Đường từ đỉnh cao hưng thịnh trong nháy mắt đã rơi xuống vực thẳm suy bại, giàu có phồn hoa như mộng ảo đã tan biến trong chốc lát. Thiên tử chạy trốn, người dân chạy nạn, Đại Đường rơi vào cục diện cát cứ phân tranh. Đường Huyền Tông làm loạn Phật Pháp, Đạo Pháp là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến loạn An Sử.

(7) “Đại Trung chi trị” nhà Đường

Đại Trung chi trị” là thời kỳ hưng thịnh trong khoảng thời gian Đường Tuyên Tông Lý Thầm tại vị. Sau khi Đường Tuyên Tông lên ngôi, đã noi gương Thái Tông, chăm lo việc nước, cần kiệm trị quốc, quan tâm người dân, giảm nhẹ sưu thuế. Từ đó đã cải thiện những tệ hại trong triều từ thời nhà Đường, bên trong giải quyết tranh chấp giữa các phe cánh, ức chế quan lại hoàng tộc. Về mặt đối ngoại, Đường Tuyên Tông không ngừng đánh bại Thổ Phiên, Hồi Hột, Đảng Hạng, Khê Nhân, thu hồi lại một phần lớn lãnh thổ bị Thổ Phiên chiếm lĩnh từ sau loạn An Sử. Quốc thế Đại Đường đã có những bước khởi sắc, người dân ngày càng giàu có, khiến cho quốc gia vốn đã suy bại biến đổi cục diện “trung hưng”.

Sử sách đánh giá Đường Tuyên Tông rất cao, cho rằng ông là đấng minh quân giống như Hán Văn Đế mở ra “Văn Cảnh chi trị” và Đường Thái Tông mở ra “Trinh Quán chi trị”, và gọi ông là “Tiểu Thái Tông”, gọi thời kỳ ông trị quốc là “Đại Trung chi trị“.

Phúc phận của “Đại Trung chi trị”, cũng là đến từ trời. Vị đế vương trước Đường Tuyên Tông là Đường Vũ Tông, chính là hoàng đế Đường Vũ Tông – vị hoàng đế nhà Đường đã thực thi diệt Phật được nói đến ở phần trước. Diệt Phật tạo nên tội lỗi to lớn, khiến cho Đường Vũ Tông chết bất đắc kỳ tử ở tuổi tráng niên, quốc gia sụp đổ, quân phiệt cát cứ. Còn căn nguyên phúc phận của Đường Tuyên Tông là ở chỗ lập lại trật tự, khôi phục Phật giáo, trời ban phúc phận, thành tựu Đại Trung chi trị nhà Đường.

(8) “Cảnh Tông trung hưng” và thịnh thế nhà Liêu

Cảnh Tông trung hưng” là thời kỳ hưng thịnh của đế vương Liêu quốc Liêu Cảnh Tông Gia Luật Hiền. Cảnh Tông là một vị đế vương vô cùng có thành tựu của nước Liêu. Ông đã tiến hành một loạt cải cách đối với nhà Liêu, bắt đầu trọng dụng quan viên người Hán, cải cách lại trị (tác phong và uy tín của quan lại), thúc đẩy nước Liêu từ dân tộc du mục tiến sang chế độ phong kiến.

Cảnh Tông chăm lo việc nước, tiếp nhận ý kiến hay, thưởng phạt rõ ràng, dùng người thỏa đáng. Về mặt quân sự so với Bắc Tống cũng chiếm thượng phong, khiến nước Liêu sau khi trải qua Mục Tông loạn chính, đã nghênh đón cục diện phục hưng, đặt định cơ sở vững chắc cho thời kỳ toàn thịnh của con trai ông là Liêu Thánh Tông.

Đương nhiên hết thảy thành quả này có quan hệ trực tiếp với hoàng hậu Tiêu Xước của Cảnh Tông – chính là vị Tiêu Thái hậu trong “Bình thư diễn nghĩa”. Cảnh Tông sức khỏe cứ mãi không được tốt, Tiêu Xước liên tục trợ giúp chuyện triều chính. Sau khi Cảnh Tông qua đời, con trai của Tiêu Xước là Gia Luật Long Tự (Liêu Thánh Tông) lên ngôi, nhưng đại quyền quân sự chính trị quốc gia vẫn nằm trong tay Tiêu Thái hậu.

Tiêu Xước từ nhỏ tín phụng Phật Pháp, đẩy mạnh Phật Pháp đại hưng ở nước Liêu. Công đức to lớn này, là cội nguồn phúc phận thịnh thế của nhà Liêu.

(9) “Hàm Bình chi trị” thời Bắc Tống

Triệu Khuông Dẫn hạ chiếu mở rộng chùa Long Hưng. (Ảnh: Internet)

Thời kỳ Chân Tông Bắc Tống, xã hội lại tiến nhập vào một đỉnh cao phồn vinh hưng thịnh.

Sự giàu có của thời Bắc Tống, thật khiến người ta trợn tròn con mắt! Trong thời kỳ Chân Tông nhà Bắc Tống, thuế thu đã đạt đến đỉnh cao của lịch sử, cao nhất đạt đến 1,58 mân (1 mân bằng 1 lượng bạc trắng), vượt rất xa so với triều đại nhà Đường trước đó, cao gấp 10 lần so với thời kỳ giàu có nhất của triều Minh, gấp 2,4 lần của thời kỳ hưng thịnh nhất giữa những năm Càn Long đời nhà Thanh.

Thời đại giàu có này, đồng dạng là “đời trước trồng cây công đức, đời sau hưởng bóng mát phúc lành”. Đó là sau khi hoàng đế Sài Vinh nhà Hậu Chu của triều đại trước đó diệt Phật, Triệu Khuông Dẫn – vị hoàng đế khai quốc của nhà Bắc Tống đã lập lại trật tự, phục hưng Phật giáo, người kế nhiệm là Tống Thái Tông có hồng phúc to lớn trong việc đại hưng Phật Pháp.

Tiếp nhận bài học của “Tam Vũ diệt Phật” (ba hoàng đế Trung Quốc là Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, Đường Vũ Tông diệt Phật), tận mắt chứng kiến ác báo diệt Phật của Sài Vinh, Triệu Khuông Dẫn ngay từ khi mới đăng cơ đã phế bỏ chính sách diệt Phật của Sài Vinh, không ngừng xây dựng chùa chiền, tượng Phật.

Trong ngôi miếu cổ ở Trấn Châu, nơi mà năm xưa Sài Vinh đã đích tay chém tượng Phật, năm 971, Triệu Khuông Dẫn hạ chiếu mở rộng chùa Long Hưng, và đúc tượng Thiên Thủ Thiên Nhã Quan Âm còn cao lớn hơn cả ban đầu (tổng cộng 42 tay, cao 22 mét). Đây chính là nguồn gốc của Đại Phật trong chùa Đại Phật, huyện Chánh Định ngày nay.

Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa kế nhiệm sau đó càng thêm tôn sùng Phật Pháp. Thuận theo Phật Pháp phục hưng, kinh tế triều Tống cũng đi đến phồn vinh hơn bao giờ hết. Đến khi con trai của Tống Thái Tông là Tống Chân Tông lên ngôi, quốc lực đã đạt đến cường thịnh đỉnh cao.

Xem tiếp phần 10: Công đức to lớn

Theo Epoch Times