Lực lượng An ninh Thổ Nhĩ Kì hiện đang cố gắng ngăn người Kurd tràn qua vùng biên cương đến Syria hỗ trợ đồng bào, đồng thời quan chức nước này thể hiện rõ quan điểm sẽ không gửi quân tham gia liên minh chống ISIS ở Iraq và Syria, Reuters đưa tin.
Người Kurds ở Syria đã chiến đấu với lực lượng ISIS để bảo vệ biên giới thị trấn trọng yếu hôm Thứ Hai (22/9), khi thanh niên Kurd từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kì kéo đến hỗ trợ. Loạt diễn biến gần đây khiến Ankara càng thêm áp lực trong việc triển khai hoạt động chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo tại Iraq và Syria.
Thổ Nhĩ Kì đang chật vật để quản lý dòng di cư với hơn 150.000 người Kurd từ Syria kể từ hôm Thứ Sáu (19/9). Lực lượng an ninh đã phải bắn hơi cay và súng nước vào hàng trăm người Kurd biểu tình với cáo buộc Ankara bao che cho ISIS chống lại họ.
Nhóm YPG, lực lượng người Kurd được vũ trang ở Bắc Syria cho biết, các chiến binh của họ đã chặn đứng cuộc tiến của ISIS vào phía Đông thị trấn người Kurd ở Kobani, hay còn gọi là Ayn al-Arab, nhưng cuộc chiến khốc liệt vẫn đang tiếp diễn.
Đáp lại lời kêu gọi của các lãnh đạo người Kurd, hàng trăm thanh niên tộc này đã tụ tập tại vùng biên giới Thổ Nhĩ Kì cùng tham chiến chống ISIS, lực lượng đang chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Syria và Iraq, với tuyên bố thành lập đế chế Hồi giáo. Dân làng trốn khỏi Kobani cho biết, ISIS đã hành quyết người dân đủ mọi lứa tuổi trong những ngôi làng đang chiếm đóng.
Người Kurd phần lớn thuộc nhóm Hồi giáo dòng Sunni nhưng ISIS xem họ như những người bội giáo vì tư tưởng trần tục của họ. Nhóm phiến quân cực đoan này bức hại và tàn sát những ai phủ nhận hình thức hà khắc của ISIS như tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite, người Cơ đốc giáo và các thành viên của giáo phái Yazidi cổ xưa cũng như người theo dòng Sunni ôn hòa .
Lực lượng An ninh Thổ Nhĩ Kì hiện đang cố gắng ngăn người Kurd tràn qua vùng biên cương đến hỗ trợ đồng bào. Tại biên giới Mursitpinar, một đội ngũ cảnh sát bán quân sự đứng canh gác dọc theo một hàng rào kẽm gai. “Mọi người đều muốn băng qua biên giới. Hôm qua, chúng tôi đã cố nhưng bị tấn công, hôm nay chúng tôi sẽ vẫn cố vượt biên”, một người Kurd tên là Shirwan thuộc Đảng Lao động Kurd (PKK) nói.
Một thanh niên địa phương kiếm sống bằng nghề hái dâu cho biết người biểu tình kéo đến từ khắp các thành phố phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người Kurd chiếm đa số: “Họ đến từ nhiều nơi như Sirnak, Van, Mardin, Nusaybin”.
Cũng theo thanh niên này, vài trăm người Kurd ở Thổ Nhĩ Kì sẵn sàng vượt biên để tham chiến. Những cư dân khác cho rằng số lượng trên còn nhiều hơn.
Sự bành trướng của ISIS ngay biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kì đã gửi tín hiệu báo động đến Ankara. Nhưng trước mắt, Thổ Nhĩ Kì còn chần chừ chưa đáp lại lời kêu gọi hợp tác chống ISIS, một phần do lo lắng về mối liên kết giữa người Kurd tại Syria với Đảng Lao động Kurd (PKK), đảng đã phát động chiến dịch vũ trang đòi tự trị cho tộc này trong vài thập kỷ qua.
Thổ Nhĩ Kì kiên quyết phủ nhận bất cứ hình thức hỗ trợ nào cho lực lượng phiến quân Hồi giáo, nhưng phương Tây cho rằng, nước này đã mở rộng biên giới trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 3 năm ở Syria để cho phép ISIS và các nhóm cực đoan tăng cường quyền lực.
Đảng PPK đã kêu gọi người Kurd ở Thổ Nhĩ Kì trang bị súng ống hôm Chủ Nhật (21/9) để “hỗ trợ cuộc chiến anh hùng” cho đồng bào ở Kobani và gọi đó là một “món nợ danh dự”.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết, hơn 130.000 người Kurd đã trốn sang Thổ Nhĩ Kì từ Thứ Sáu (19/9).
Ranh giới khó vượt qua
Là thành viên NATO với căn cứ không quân tầm cỡ của Mỹ tại thị trấn Incirlik phía Nam, Thổ Nhĩ Kì cho đến nay thể hiện rõ quan điểm không muốn đảm nhận vai trò quân sự chủ lực.
Ban đầu, các quan chức cho biết họ không thể chiến đấu với ISIS vì nhóm này bắt giữ 46 con tin người Thổ, trong đó có Tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kì tại thành phố Mosuk, binh sĩ, trẻ em.
Các con tin đã được trả tự do hôm Thứ Bảy (20/9). Thổ Nhĩ Kì cho biết sẽ không thay đổi chính sách về ISIS: “Bắt cóc con tin không phải là mối quan tâm duy nhất khi đề ra chính sách của chúng tôi đối với ISIS tại Iraq và Syria. Đó còn là vấn đề an ninh, đặc biệt tại khu vực người Kurd ở Syria. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ họ nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ dùng tới quân đội…Thổ Nhĩ Kì sẽ tiếp tục là một phần của liên minh nhưng chính sách tại Iraq và Syria của chúng tôi không thể thay đổi”, một quan chức cấp cao giấu tên nước này cho biết.
Thổ Nhĩ Kì đã triển khai một tiến trình hòa bình vào 2012 để kết thúc xung đột 30 năm với đảng PKK. Đảng này được Ankara, EU và Mỹ liệt vào diện khủng bố. Sự ngờ vực lẫn nhau vẫn len lỏi giữa cộng đồng người Kurd và lực lượng an ninh tại phần lớn miền Đông Nam. Tại Iraq, nơi có một vùng tự trị của người Kurd với lực lượng an ninh chính thức của riêng họ, các nước châu Âu bao gồm Đức, Pháp, Ý đã từng nhất trí gửi vũ khí hạng nhẹ đến đây để chống lại ISIS.
Nhưng đối với nhóm chiến binh người Kurd ở Syria, không thuộc quân đội chính quy và lãnh đạo của họ có mối liên hệ mật thiết với đảng PKK vốn trong danh sách đen của phương Tây thì để nhận viện trợ từ bên ngoài không dễ.
Các chính trị gia đối lập tại Đức đã kêu gọi loại đảng PKK khỏi danh sách các nhóm khủng bố. Thổ Nhĩ Kì vẫn kịch liệt phản đối động thái này và giới ngoại giao cho biết điều này là không thể nếu Thổ Nhĩ Kì chưa đồng ý. “Chúng tôi đang chuyển vũ khí đến lực lượng an ninh người Kurd tại Iraq, theo những gì đã được biểu quyết”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu trên đài phát thanh ARD hôm Chủ Nhật (21/9).
Hàn Mai, Bùi Hương – Theo Reuters