Tinh Hoa

Thiếu lao động trình độ cao, Việt Nam khó nắm cơ hội trong thương chiến Mỹ Trung

Theo Reuters, do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung, hàng loạt công ty nước ngoài đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao đang khiến Việt Nam khó tận dụng được cơ hội này. 

Sinh viên thực tập tại phòng thí nghiệm của một trường cao đẳng nghề tại Hà Nội, Việt Nam ngày 9/10/2019. (Ảnh qua msn.com)

Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 21,5%. Một số công ty gồm công ty mẹ của Google là Alphabet và Nintendo đã công bố kế hoạch mới về việc mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với các nước khác gần đây như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ký với Liên minh châu Âu, cũng đã trở thành một trong những yếu tố thu hút đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, sức hút của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang gặp một trở lực lớn, đó là sự thiếu hụt của nguồn cung lao động có kỹ thuật cao.

Jef Stokes, giám đốc công ty Maxport, một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Việt Nam, nhấn mạnh việc thiếu cải cách trong hệ thống giáo dục là một nguyên nhân gây thiếu hụt lao động lành nghề tại Việt Nam. Ông nói: “Lao động phổ thông ở đây rất nhiều nhưng ngay cả những công nhân may cơ bản cũng cần được đào tạo ít nhất 6 tháng, vì vậy sự kiên nhẫn chính là chìa khóa cho vấn đề này”.

Stokes cho biết: “Lao động lành nghề thì cung không đủ cầu, nhưng các ứng viên không có tay nghề cao thì luôn dồi dào. Đây là vấn đề khá nan giải”.

Báo Reuters dẫn lời các chủ nhà máy, chuyên gia tư vấn và các công ty tuyển dụng cho biết, số lượng nhân viên IT, kỹ sư và quản lý ở Việt Nam vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu lao động, nhưng gần đây nhiều công ty “tị nạn” do chiến tranh thương mại lại cần thêm lao động, nhất là lao động tay nghề cao. Điều này dẫn đến một sự cạnh tranh rất lớn.

Theo công ty tuyển dụng Manpowergroup, chỉ có khoảng 12% trong số 57,5 triệu lao động người Việt là có tay nghề cao. 

“Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nhà đầu tư mới trong việc giành nhân tài”, Sieburg, cố vấn của các công ty nước ngoài đang tìm cách thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam cho hay.

Theo khảo sát từ công ty tuyển dụng Manpowergroup, chỉ có 12% trong lực lượng lao động 57,5 triệu người Việt Nam là có tay nghề cao. (Ảnh qua The Straits Times)

Nguyễn Quang Anh, chuyên viên phát triển phần mềm 28 tuổi đến từ Hà Nội cho biết anh đã được các công ty săn đầu người tiếp cận nhiều lần từ trước khi tốt nghiệp. Kể từ khi rời trường đại học, Anh đã chuyển việc 4 lần, mỗi lần như vậy mức lương của anh đều được tăng lên ít nhất 50%.

Chính vì sự thiếu hụt lao động tay nghề cao đã khiến các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho chúng tôi với mức giá cao hơn nhiều. Nếu các đại gia công nghệ chuyển đến Việt Nam do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, chắc chắn tôi sẽ ứng tuyển”, anh nói.

Vấn để nằm ở giáo dục?

Theo các nhà phân tích, phần lớn vấn đề đều bắt nguồn từ việc thiếu cải cách giáo dục.

Ở cấp trung học, học sinh các trường Việt Nam đều đạt điểm cao trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) – một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhằm đánh giá kỹ năng đọc, làm toán và nghiên cứu khoa học. 

 

Theo dữ liệu PISA mới nhất, năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 quốc gia về khả năng nghiên cứu khoa học và đứng thứ 21 về tổng thể, trước cả Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia Châu Âu.

Tuy nhiên khi đến cấp độ cao hơn, kết quả lại khác hẳn.

Tại Việt Nam, chỉ khoảng 28% nhóm tuổi từ 18-29 đang theo học đại học. Trong khi ở Thái Lan con số này là 43%, và ở Malaysia là 48%.

“Nhiều đợt khảo sát đều cho thấy các chương trình giáo dục ở Việt Nam đã lỗi thời, giáo viên bị quá tải và được trả lương thấp, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều thiếu các kỹ năng tìm việc cần thiết trong các công ty tư nhân”, ông Adam Sitkoff thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho biết.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0. (Ảnh qua Cafef.com)

Chính phủ cần có hành động với tầm nhìn xa hơn để hiện đại hóa hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở cấp độ dạy nghề và đại học”, ông Sitkoff nói thêm.

Reuters cũng đưa ra một dẫn chứng điển hình cho thấy sự thiếu đổi mới trong hệ thống giáo dục. Đó là việc sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, bất kể thuộc ngành khoa học tự nhiên hay xã hội, đều phải học các môn học về đường lối và lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không phải ai cũng thích nghe về chính trị, hội nghị quốc gia hay các cuộc họp của đảng. Thật dễ hiểu khi những đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải lúc nào cũng được sinh viên hoan nghênh”, Nguyễn Bắc Chương, một giảng viên dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh tại Hà Nội cho hay.

Thiện Thành (Theo Reuters)

Xem thêm: