Cậu bé William ngay từ khi còn nhỏ đã có những tố chất của một thiên tài, cậu bé khao khát trở thành một nhà thiên văn học, với mục tiêu chứng minh sự tồn tại của Chúa.
1. Thần đồng 11 tuổi William Maillis
William Maillis là một bé trai sinh năm 2007, sống tại Penn Township, Pennsylvania, Mỹ cùng với cha là ông Fr. Panteleimon Ilias Maillis, một mục sư chính thống giáo, mẹ là bà Presvytera Nancy. William có một chị gái và một anh trai.
William đã tốt nghiệp phổ thông trung học từ tháng 5/2016, lúc 9 tuổi. Sau đó em theo học đại học cộng đồng Community College ở Allegheny County, rồi nhập học Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh từ mùa thu năm 2017.
Mặc dù mới 11 tuổi nhưng William đã có định hướng rõ ràng cho cuộc sống: chứng minh sự hiện hữu của Chúa thông qua khoa học!
Khó tưởng tượng được một em bé 11 tuổi nhưng đam mê nghiên cứu nguồn gốc vũ trụ, đọc và hiểu những sách vật lý cao cấp về vũ trụ, quyết tâm sẽ lấy bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn (Astrophysics), hăng say giải thích trong những cuộc phỏng vấn tại sao lỗ đen không phải là “siêu khối lượng” mà các nhà khoa học lão thành như Albert Einstein hay Stephen Hawking từng nói,…
Điều lạ lùng là em có những lập luận khoa học phù hợp với Định lý Gödel: “Cháu muốn chứng minh với mọi người rằng Chúa thực sự tồn tại, bằng cách chỉ ra rằng chỉ có một sức mạnh bên ngoài vũ trụ mới có khả năng tạo ra vũ trụ”, William nói.
Cha của William, ông Peter Maillis cho biết về cậu con trai William của ông: 6 tháng tuổi, bắt đầu nhận dạng được chính xác các con số; 7 tháng tuổi, nói được những câu hoàn chỉnh; 21 tháng tuổi, biết làm tính cộng; 2 tuổi biết làm tính nhân, đọc được sách dành cho trẻ em, và viết được một cuốn sách 9 trang của chính mình, nhan đề “Chú mèo hạnh phúc” (Happy Cat). 4 tuổi, học đại số, ngôn ngữ ký hiệu, đọc tiếng Hy Lạp.
“Nó luôn luôn có mối quan tâm đặc biệt đến các con số”, ông Peter nói.
5 tuổi, đọc toàn bộ một cuốn sách giáo khoa hình học dầy 209 trang chỉ trong một đêm và lúc thức dậy vào sáng hôm sau đã giải những bài toán về chu vi, bộc lộ thiên hướng toán học rõ rệt. Lúc 7 tuổi, là một chuyên gia về lượng giác…
Aaron Hoffman, giáo sư lịch sử của William ở đại học, nói cậu bé giống như tất cả các sinh viên khác ở đại học. Ông nói: “Chúng tôi không miễn trừ cho cậu ấy bất kỳ một chủ đề nào: từ Hitler, Mussolini, đến trại tập trung, chiến tranh… Nếu đã học ở đây, cậu ấy sẽ phải học mọi môn ở trình độ đại học”.
Điều khác biệt duy nhất ông nhận thấy ở William là em không ghi chép như các sinh viên khác, mà chỉ lắng nghe, đọc và thẩm thấu kiến thức.
Nhưng điều làm cho ông Peter ngạc nhiên nhất là con trai mình sớm có định hướng hiến dâng cuộc đời cho vật lý thiên văn, với ý định chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Và không chỉ mong muốn, cậu đang thực sự tiến bộ trên con đường thực hiện mơ ước: Cậu đã có một số nghiên cứu khảo sát về một số lý thuyết ở trình độ cao. Những nghiên cứu này bắt đầu cho thấy nhà vật lý Stephen Hawking sai về vấn đề nguồn gốc vũ trụ.
Thực ra ngay từ trước khi kết thúc phổ thông trung học, William đã bắt đầu tìm hiểu một số lý thuyết theo những chủ đề mà em quan tâm. Em đã đọc một số sách của Stephen Hawking, kể cả cuốn “Grand Design” (Thiết kế vĩ đại), một cuốn sách rất khó hiểu đối với ngay cả những người lớn có trình độ khoa học. Trong cuốn này, Hawking nói rằng vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không, tức là vũ trụ cố thể hình thành một cách tự phát, và do đó Chúa là không cần thiết. Nhưng William có những lý lẽ để bác bỏ quan điểm của Hawking.
Đến nay, William đã trải qua một năm nghiên cứu vật lý thiên văn. Một số người nói có thể trong hai năm nữa em sẽ bắt đầu viết sách về những gì em đã nghiên cứu. William tự tin nói: “Cháu đang chứng minh rằng chỉ có Chúa mới có khả năng sáng tạo ra vũ trụ này; dữ liệu của cháu là chính xác. Nghiên cứu củacháu đã tiến triển được 70% và ngay khi hoàn thành cháu muốn chia sẻ nó với thế giới”.
Là con trai của một linh mục Chính thống giáo Hy lạp, William muốn chứng minh rằng một lực bên ngoài vũ trụ là thứ duy nhất có khả năng sáng tạo ra vũ trụ, điều đó có nghĩa là “Chúa thực sự tồn tại”. Điều này hoàn toàn trái với tư tưởng của Stephen Hawking.
Nhà vật lý Stephen Hawking từng nói: “Trước khi chúng ta hiểu khoa học, điều tự nhiên là chúng ta tin rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ, nhưng hiện nay khoa học cung cấp một sự giải thích thuyết phục hơn. Cái mà tôi ngụ ý khi nói ‘chúng ta sẽ biết được ý Chúa’ là chúng ta sẽ biết được mọi thứ mà Chúa có thể biết, nhưng không có Chúa. Tôi là một người vô thần”.
Cha mẹ của Williams nói họ không bao giờ thúc ép con trai mình nghiên cứu hoặc cố gắng chứng minh Chúa, mà chỉ mong con mình là một cậu bé 11 tuổi bình thường. “Chúng tôi là những người bình thường”, ông Peter giải thích. “Và William là một cậu bé bình thường. Bạn không thể phân biệt nó với những đứa trẻ 11 tuổi khác. Nó thích thể thao, các chương trình TV, computer và video games như mọi đứa trẻ khác”.
Nhưng thực tế William vẫn khác với những đứa trẻ cùng tuổi khác, định hướng chủ yếu cho cuộc sống của William hoàn toàn rõ ràng. Khi hỏi “ước mơ” của em là gì, cậu bé thần đồng khồng do dự trả lời: “Em muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn để làm sao có thể chứng minh cho thế giới khoa học rằng Chúa thực sự tồn tại”, William nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Đại học Hellenic College Holy Cross.
Khi được hỏi tại sao cậu cảm thấy cần phải chứng minh điều đó cho các nhà khoa học, William trả lời sâu sắc hơn: “Vâng, bởi vì có những nhà khoa học vô thần cố nói rằng không có Chúa, trong khi trên thực tế thì để tin không có Chúa phải có nhiều đức tin hơn là tin có Chúa… Bởi vì có một cái gì đó tạo ra vũ trụ sẽ hợp lý hơn là vũ trụ tự tạo ra nó. Để nói rằng vũ trụ tự tạo ra nó đòi hỏi phải có nhiều đức tin hơn là nói rằng có một cái gì đó bên ngoài vũ trụ tạo ra vũ trụ, bởi vì như thế sẽ logic hơn”.
Điều lạ lùng là ham muốn của William về việc chứng minh sự hiện hữu của Chúa đã xuất hiện ngay từ khi em mới khoảng 5 hoặc 6 tuổi, và mong muốn này đã dần dần tiến triển thành một lý thuyết phức tạp mà em hy vọng một ngày nào đó sẽ chứng minh được.
William nói: “Khoa học và thần học không tách biệt với nhau, tri thức khoa học là một quà tặng từ Chúa, giống như mọi quà tặng khác. Chúng ta phải học hỏi thêm về đức tin của chúng ta và về việc chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ. Chúng ta cần trau dồi tài năng của mình, quà tặng mà chúng ta đã nhận được từ Chúa, chứ đừng chôn vùi nó”.
2. Định lý Gödel ủng hộ quan điểm của William
Trước hết, William hoàn toàn đúng khi bác bỏ quan điểm của Hawking về “vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”. Không rõ lập luận của William thế nào, nhưng theo Định lý Gödel thì quan điểm của Hawking là sai lầm, vì cái hệ thống vũ trụ tự tạo ra vũ trụ của Hawking chính là một hệ thống tự quy chiếu (Self-Referential System).
Theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Chính Hawking, trong bài báo “Gödel và Sự kết thúc của Vật lý” đã nói rằng các lý thuyết vật lý về vũ trụ đều là những hệ tự quy chiếu, và do đó sẽ không nhất quán và không đầy đủ. Nói cách khác, không bao giờ có một lý thuyết nào có thể mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác.
Vậy giả thuyết vũ trụ tự tạo ra vũ trụ là giả thuyết về một hệ vũ trụ tự quy chiếu, do đó giả thuyết ấy ắt sẽ dẫn tới mâu thuẫn.
William Maillis càng đúng hơn nữa khi khẳng định rằng chỉ có một lực bên ngoài vũ trụ mới có thể tạo ra vũ trụ. Ý tưởng này cũng hoàn toàn phù hợp với Định lý Gödel.
Định lý này nói rằng một hệ A không thể tự phán xét nó một cách đầy đủ và nhất quán. Muốn phán xét một hệ A một cách đầy đủ hơn và chính xác hơn, phải đi ra ngoài A.
Vậy muốn “phán xét” vũ trụ phải đi ra bên ngoài vũ trụ. Hiểu rộng ra, có thể nói, muốn tạo tác vũ trụ phải có một tác động từ bên ngoài vũ trụ.
Thuyết đa vũ trụ dường như cũng tìm cái bên ngoài vũ trụ. Nhưng vì họ không thừa nhận Chúa nên buộc họ phải sáng tác ra các thế giới vật chất bên ngoài vũ trụ. Đó là cái mà họ gọi là những “vũ trụ khác” hay “vũ trụ song song”. Đó là giả thuyết tưởng tượng 100%, không bao giờ có thể kiểm chứng được. Chỉ có những người mắc bệnh tôn sùng khoa học một cách mù quáng mới tin vào những giả thuyết siêu hình đó. William Maillis hoàn toàn đúng khi nói rằng để tin vào những giả thuyết hoang đường đó, phải có nhiều đức tin hơn là tin vào Chúa.
Tôi không rõ William Maillis đã biết đến Định lý Gödel hay chưa. Tôi sẽ tìm cách liên lạc với em để thông báo cho em rằng Định lý Gödel sẽ là trợ thủ đắc lực cho em để hạ bệ các giả thuyết siêu hình của Hawking và ủng hộ lý thuyết của chính em .
Tác giả: Phạm Việt Hưng
*Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Theo ĐKN