Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, hình thức quảng cáo trên điện thoại di động đã trở nên đa dạng và ngày càng thu hút người dùng.
Xương sống của truyền thông Dân số Việt Nam 90 triệu người nhưng đã có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng internet, 28 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook. Theo số liệu từ We Are Social, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, cho biết trong 28 triệu người dùng Facebook đó, có tới 24 triệu người lướt web bằng điện thoại di động. Tại hội thảo Go Mobile First do Hiệp hội Mobile Marketing Toàn cầu (MMA) tổ chức, ông Paul Webster, Phụ trách các công ty công nghệ và viễn thông (Tech & Telco) của Facebook tại khu vực Đông Nam Á, cho biết thêm, 36% tổng dân số Việt Nam hiện đang truy cập internet từ các thiết bị di động. Điều này đã đánh dấu bước tăng trưởng của công nghệ số, đã trở thành một công cụ giao tiếp và thu thập thông tin hiệu quả cho người tiêu dùng Việt Nam. Thói quen lướt web, mạng xã hội… càng được hỗ trợ không chỉ bởi sự phát triển của các dịch vụ kết nối di động của các nhà mạng mà còn có sự tham gia của các chương trình phát triển internet. >> Facebook hashtag: Thêm một cách tiếp thị hiệu quả Ông Nguyễn Hồng Thành, CEO Emeral tiết lộ, cả nước đang có những chiến dịch phủ sóng Wi-Fi miễn phí các địa điểm công cộng như công viên, trường đại học, bệnh viện… Riêng TP.HCM, dự kiến, đến 2016 sẽ phủ sóng Wi-Fi miễn phí toàn thành phố. “Nỗ lực này có thể ví như trang bị xương sống cho sự phát triển của các dịch vụ liên quan đến kết nối di động. Tất cả trở thành nền tảng cực lớn để DN có thể sử dụng trong việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ một cách hữu hiệu nhất”, ông Thành nhận xét. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành Adtima, cho biết, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, chạm mốc 100%/năm. Trong đó, phần lớn đóng góp từ các giải pháp quảng bá trên di động. Năm 2015, con số tăng trưởng của ngành sẽ là hơn 200%. Khả năng tiếp thị trên mobile đã mở ra một thị trường hoàn toàn mới. Đồng tình với quan điểm này, ông Satyalis Ghosh, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Unilever Việt Nam, cho biết, xu hướng mobile đã khiến cho công tác tiếp thị của các DN phải tư duy lại bởi công cụ truyền thông hiện nay không chỉ đơn thuần là TVC, báo in, tờ rơi… >> Quảng cáo trực tuyến: Sự dịch chuyển thông minh
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mobile marketing của Unilever cho thấy, riêng chiến dịch quảng cáo Pond làm trắng da, Unilever đã nhận được 95% phản hồi, nhận xét tích cực từ người dùng khi xem các video từ mobile. “Tưởng chừng những người dùng smartphone ít có nhu cầu chăm sóc da nhưng chúng tôi đã có thể dùng mobile truyền thông hiệu quả cho thương hiệu Pond”, ông Satyalis Ghosh tiết lộ. Lợi thế hệ sinh thái Không chỉ Pond, Unilever đạt hiệu quả truyền thông, tiết giảm chi phí cho những chiến dịch quảng bá các thương hiệu khác thông qua Mobile như Viso, Omo… tuy nhiên, theo ông Satyalis Ghosh, số lượng ứng dụng tại Việt Nam đang khá nhiều nhưng lại tản mát, thiếu hợp tác nên phía doanh nghiệp (DN) thực sự gặp khó với công nghệ khi làm quen với tiếp thị Mobile. “Việt Nam đang đứng thứ 85 trên thế giới về hạ tầng công nghệ thông tin nhưng chi phí viễn thông lại rất rẻ, thuận lợi cho DN tiếp cận. Năm 2015 sẽ là năm của giải pháp tiếp thị Mobile”, ông Satyalis cho biết thêm”. >> “Thời điểm vàng” của mobile marketing Việt Nam Hạn chế từ chính thị trường đã thúc đẩy cho những DN cung cấp dịch vụ phải tập hợp các ứng dụng vào một hệ sinh thái. Kinh nghiệm từ Adtima cho thấy, việc có quyền khai thác quảng cáo trên các công cụ có đông người dùng như OTT Zalo với 30 triệu người dùng, ứng dụng tin tức Baomoi, ứng dụng nghe nhạc Zing MP3, ứng dụng Zing TV, ứng dụng báo điện tử Zing.vn… giống như việc tạo lập một hệ sinh thái với đầy đủ nhu cầu của người dùng từ việc xem tin tức đến nghe nhạc, giải trí, mạng xã hội… Ông Tuấn tiết lộ: Trong bối cảnh mà hàng ngàn ứng dụng có mặt trên kho thì việc xây dựng được hệ sinh thái giữ vai trò quyết định thành công trong việc xây dựng dịch vụ mobile marketing cho DN. Các thương hiệu lớn như Coca Cola, Unilever, Ford, VinGroup, Vietnam Airlines, Redbull… đã thành công trong khai thác hệ sinh thái mà Adtima xây dựng. “Khi sử dụng mobile marketing, DN có thể quy hiệu quả truyền thông ra thành con số đầu tư cụ thể. So với giải pháp truyền thống thì Mobile marketing “siêu” tiết kiệm. Kết quả đo đếm được nên sản phẩm của mobile marketing không phải là cảm tính nên đây sẽ là giải pháp DN tiếp tục chọn lựa trong thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định. Với các DN vừa và nhỏ, theo ông Tuấn, giải pháp này còn dễ lựa chọn hơn bởi ngân sách sẽ không còn là rào cản. >> Vì sao doanh nghiệp chưa dùng mobile marketing? PHƯƠNG QUYÊN – ĐẶNG QUÝ YÊN
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn