Tinh Hoa

Thì ra thật sự có thể thu người ta vào trong cái bình

Trong ” Tây Du Ký” có một tình tiết, chính là Tôn Ngộ Không bị thu vào trong hồ lô. Thật ra đây là một loại năng lực của Đạo gia, cũng có thể gọi là phép thuật vậy!

Khi Dương quý phi còn chưa nhập cung, có một Võ Huệ phi rất được đắc sủng. Huyền Tông tuy tôn sùng Đạo gia, nhưng Huệ Phi đó lại hết lòng tin theo Phật giáo, mỗi người một sở thích. Phật tử mà Huệ phi tin theo, tên gọi Kim Cang Tam Tạng, cũng là một kì nhân, đạo thuật có thể sánh ngang với La Công Viễn, Diệp Pháp Thiện hai người.

Có một ngày, Huyền Tông xa giá đến viện Công Đức, bỗng nhiên bị ngứa lưng. La Công Viễn bẻ gãy cành trúc, hóa thành cây Thất Bảo Như Ý, bước lên gãi lưng cho Huyền Tông. Huyền Tông mừng rỡ, quay người lại nói với Tam Tạng rằng: “Bề trên cũng có thể làm được vậy chăng?”. Tam Tạng đáp: ” Thuật biến hóa của Công Viễn, thần sẽ lấy vật thật cho bệ hạ”. Trong tay áo lấy ra một cây Lục Bảo Như Ý dâng lên. Huyền Tông một tay đón lấy, cây Như Ý của Công Viễn cầm trong tay trước đó, lập tức lại biến thành cành trúc. Huyền Tông về cung nói lại với Huệ phi, Huệ phi mừng lắm.

Huyền Tông nói với Tam Tạng rằng: ” Pháp sư đã có thần lực, Diệp tôn sư thật không thể sánh bằng. Nay có cái bình ở đây, chẳng hay pháp sư có thể làm cho Diệp tôn sư vào trong cái bình này chăng?”. Tam Tạng nhận lấy cái bình, bảo Diệp Pháp Thiện xếp bằng theo pháp của Thiền môn, miệng niệm thần chú, còn chưa niệm xong, thân thể của Pháp Thiện bị thu nhỏ lại. Niệm được lần hai, Pháp Thiện đã ở trên miệng của chiếc bình, rồi bị thu vào trong.

Huyền Tông trong lòng có chút không vui. Một lát sau, không thấy Pháp Thiện đi ra, lại nói với Tam Tạng rằng: ” Pháp sư đã có thể thu người này vào trong chiếc bình, vậy cũng có thể khiến ông ta ra khỏi chiếc bình chứ?”. Tam Tạng nói: ” Đi vào thì khó khăn phiền phức, ra ngoài cũng là pháp này thôi”. Liền bắt đầu niệm chú, niệm xong không thấy ra, Tam Tạng sốt ruột, một hơi niệm cả mấy lần, nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Huyền Tông kinh ngạc nói: ” Phải chăng tôn sư đã không còn nữa?”. Sắc mặt liền biến đổi hẳn.

Huệ phi sắc mặt tái nhợt, Tam Tạng cũng hoảng hốt, chỉ có La Công Viễn che miệng lại cười. Huyền Tông hỏi ông rằng: ” Bây giờ phải làm sao đây?”. Công Viễn cười đáp: ” Bệ hạ không cần phải lo lắng, Pháp Thiện ở cách đây không xa”. Tam Tạng lại niệm chú một lúc, vẫn không thấy đi ra. Đang lúc không biết làm thế nào, Cao Lực Sĩ ở bên ngoài báo rằng: ” Diệp tôn sư đi vào”. Huyền Tông kinh ngạc nói: ” Chiếc bình còn ở đây, người lại từ đâu đến chứ?”. Vội cho gọi vào. Pháp Thiện nói rằng: ” Ninh vương mời thần dùng cơm, trong lúc làm phép, nếu tâu với bệ hạ, nhất định sẽ không cho đi, vừa khéo mượn cơ hội vào trong chiếc bình, đến chỗ Ninh vương dùng cơm. Nếu không phải nhờ một câu chú của pháp sư, e rằng đã đi không được rồi”. Huyền Tồng cười lớn. Huệ phi, Tam Tạng mới thở phào nhẹ nhõm.

Thần thông trong con mắt của Đại Đạo chân chính thì không là gì cả, đều là những thứ thuật loại nhỏ bé. Những người có năng lực thật sự thường là không đem chúng ra biểu diễn.

Tiểu Thiện dịch từ epochtimes.com