Bộ Y tế sáng 8/7 công bố thêm 314 ca mới mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 23.385 ca; sau 38 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 mà số ca mắc mới vẫn tăng vọt, vượt mốc 8.000, TP.HCM đã phải đi đến quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16, phong toả toàn thành phố từ 0h ngày 9/7; do liên quan đến nCoV, gần 7.000 công nhân ở Bình Dương đã bị ‘mắc kẹt’ tại nhà máy…
Bình Dương sắp chạm mốc 1.000 ca Covid-19, TP.HCM ghi nhận thêm 50 ca chưa rõ nguồn lây
Theo Vnexpress, 314 ca mới mắc được ghi nhận từ số 23072 – 23385 tại TP.HCM (234) và Bình Dương (80), trong đó có 264 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 8.385 ca, Bình Dương lên 998 ca.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay đã tăng lên 19.873 ca, ghi nhận ở 56 tỉnh thành.
Tại Bình Dương
Ca bệnh 23072-23151 là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.
Tại TP.HCM
Ca bệnh 23152-23385 gồm 184 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 50 ca đang điều tra dịch tễ.
TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7 tới
Theo báo Tuổi Trẻ, sau 38 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (từ ngày 31/5) mà số ca mắc mới vẫn tăng vọt, vượt mốc 8.000, TP.HCM đã phải đi đến 1 trạng thái thắt chặt hơn, đó là giãn cách theo Chỉ thị 16, tức phong toả hoàn toàn thành phố từ 0h ngày 9/7. Thời gian giãn cách là 15 ngày.
Quyết định trên được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP.HCM, tối 7/7.
Theo đó, người dân chỉ được phép ra ngoài khi thật sự cần thiết như làm việc tại nhà máy, công xưởng, khám chữa bệnh. Mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng di chuyển từ vùng dịch đến địa phương khác; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Ngoài một số dịch vụ phải dừng theo Chỉ thị 10 như taxi công nghệ và taxi truyền thống, từ ngày 9/7 xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống cũng phải dừng hoạt động.
Theo ông Phong, hiện thành phố đang kiến nghị Bộ GTVT xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM.
Sở Nội vụ sẽ lên phương án cho người lao động sử dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà. Chỉ trường hợp như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật… mới đến công sở làm việc.
Số lượng làm việc tại công sở không quá 1/3 tổng số lao động để duy trì các nhiệm vụ của đơn vị.
Đây là lần thứ 2 TP.HCM phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành “nguy cơ cao”, thành phố đã áp dụng Chỉ thị 16 trong 22 ngày.
7.000 công nhân tại Bình Dương bị ‘mắc kẹt’ tại nhà máy
Theo báo Lao Động, gần 7.000 công nhân của 46 nhà máy được tổ chức ở lại nơi làm việc ít nhất 2 tuần để đảm bảo không đứt mạch sản xuất khi dịch bùng phát, xâm nhập.
Chiều 7/7, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, số công nhân nói trên chiếm gần 40% tổng số lao động của 46 nhà máy. Đây là các doanh nghiệp ghi nhận ca nhiễm, bị phong toả nhưng cũng có doanh nghiệp chưa bị dịch xâm nhập. Những công nhân đồng ý ở lại ngoài việc đảm bảo chỗ ăn nghỉ còn được hỗ trợ 1-2 triệu đồng mỗi người.
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Được biết, đến nay dịch bệnh đã ảnh hưởng đến khoảng 361 doanh nghiệp tại Bình Dương, gây xáo trộn cuộc sống của hơn 30.600 công nhân; nhiều khu vực dân cư, nhà trọ bị phong toả.
Tính đến sáng 8/7, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 998 ca nhiễm, hơn một nửa trong số này là công nhân.
Vũ Tuấn (t/h)