Thần Đạo, một tín ngưỡng ra đời từ rất lâu và luôn song hành cùng người dân Nhật Bản, cũng dễ hiểu vì sao nền văn hóa truyền thống, thẩm mỹ cũng như những nét văn hóa của người Nhật được định hình phần lớn nhờ tôn giáo này.
Thần Đạo được định nghĩa là “con đường của các vị thần” tại Nhật Bản, bắt nguồn từ tiếng “Shendao” của Trung Quốc. Đó là tôn giáo bản địa của đất nước này, tồn tại cho đến nay như là quốc giáo, chủ yếu là bởi vì nó cho phép các tín ngưỡng khác truyền nhập vào cấu trúc cốt lõi, giống như khi Phật giáo bị sát nhập vào những thế kỷ trước.
Tuy nhiên, cốt lõi của Thần Đạo là hệ thống kami (linh hồn thiêng), hoặc niềm tin đa Thần trong vũ trụ, khiến cho việc sát nhập là khả thi vì họ tập trung vào thế giới và các yếu tố tự nhiên hơn là các vị Thần riêng biệt. Mặc dù vậy, Thần Đạo không có nhóm các vị thần nòng cốt, nó vẫn duy trì cách thức của tôn giáo này trong khi luôn kết hợp các khía cạnh của nhiều tôn giáo khác.
Một trong những nghi lễ cần thiết nhất của tín ngưỡng Thần Đạo là nghi lễ thanh tẩy, được thực hiện ngay trước khi bước vào jinja (đền thờ). Những nghi lễ thanh tẩy lớn thường được tổ chức ở một con sông hoặc một thác nước. Công cụ cần thiết cho nghi lễ này là Temizuya (giếng thanh tẩy) và Hishaku (gáo nước bằng gỗ cán dài) được chuẩn bị đầy đủ tại các giếng nước nhỏ.
Với nghi lễ đơn giản, một du khách khi tiến đến gần ngôi đền, trước tiên họ phải dừng lại ở Giếng thanh tẩy. Sau đó vị này sẽ sử dụng một gáo nước để múc nước lên và đổ nó vào tay trái, rồi đến tay phải. Tiếp theo là làm sạch miệng bằng nước trong lòng bàn tay của mình, sau đó đổ nước lên bàn tay phải một lần nữa để thanh lọc lại. Lượng nước còn lại phải cho chảy ngược xuống cán tay cầm và đặt gáo nước lại vị trí cũ.
Với phiên bản nghi lễ lâu hơn, nước trong gáo sẽ để nhỏ giọt xuống. Được biết đến như “thanh lọc bằng chuyển động của nước”, nước phải không ngừng chảy để nghi thức được hoàn tất. Bằng cách cho phép nước lưu thông ngược xuống phía bên kia của gáo nước thì mục đích ban đầu đã được hoàn thành.
Mục đích của nghi lễ này là để tẩy tịnh cho du khách khi bước vào đền thờ. Thanh tẩy cũng là một khía cạnh quan trọng trong nhiều tôn giáo, nhưng trong Thần Đạo, đây là điều đặc biệt cần thiết bởi vì nó là đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng này.
Như đã nói trước đây, Thần Đạo được xác định bởi tín ngưỡng vào kami, và những linh hồn tự nhiên đó hòa hợp với tất cả các mặt của thế giới tự nhiên. Ngay cả các vị thần riêng lẻ cũng có liên hệ mật thiết với thiên nhiên và đất. Các vị thần đầu tiên là Izanagi và Izanami (cả hai vợ chồng và anh chị em), đã tạo ra các đảo của Nhật Bản và thần lửa Kagutsuchi. Izanami đã chết sau khi sinh ra lửa, ngoài ra cả hai người còn sinh ra ba vị thần chính: Nữ thần Mặt trời Amaterasu, có cháu trai trở thành người đầu tiên của dòng dõi hoàng gia Nhật Bản; vị thần biển cả và bão tố Susano, cũng liên quan đến cả gió và nước; và thần mặt trăng Tsukuyomi.
Vì vậy trước khi bước vào đền thờ Thần Đạo, người ta phải hoàn toàn thanh tịnh.
Nghi thức đặc biệt này được thực hiện đối với những người muốn đến thăm ngôi đền bao gồm thầy tu, tín đồ, hoặc ngay cả những du khách muốn đến thăm ngôi đền. Dù những người đến đây có theo tín ngưỡng này hay không, việc thanh lọc là cần thiết để giữ cho ngôi đền thanh tịnh và không khí trong sạch. Các thầy tu là những người có xu hướng thực hiện đầy đủ nghi lễ, nên nghi lễ lớn sẽ diễn ra nơi đồng vắng gần một con sông hay thác nước, và không thể thực hiện thường ngày. Phiên bản đơn giản thì cho phép thanh tẩy liên tục.
Sau này nghi lễ thanh tẩy hàng ngày chỉ dành cho những du khách ghé thăm ngôi đền. Như vậy, những ai là tín đồ Thần Đạo không phải thực hiện nghi thức này mỗi ngày tại chính nơi ở của mình; thay vào đó, họ chỉ cần đảm bảo sạch sẽ và tinh khiết trước khi bước vào ngôi đền địa phương. Nếu họ đến đền thờ hàng ngày thì nghi thức này thực sự sẽ diễn ra hàng ngày.
Điều quan trọng cần lưu ý là các nghi lễ thanh tẩy rất quan trọng trong tôn giáo Thần Đạo, các biến thể của nghi lễ này xuất hiện vào những thời điểm khác nhau. Đối với các học viên chính thức, nó cũng diễn ra vào những ngày quan trọng, lúc giao mùa hay tại lễ khai mạc một Thần Xã mới.
Nghi lễ trước khi vào đền thờ Thần Đạo là một khía cạnh rất quan trọng với một tín đồ của tín ngưỡng này. Bởi vì thanh tẩy là cần thiết trước mỗi lối vào đền thờ Thần Đạo, yêu cầu một tâm hồn và tâm trí thanh tịnh là bắt buộc để thể hiện sự tôn kính. Ngay cả những người không phải là mộ đạo cũng phải tham gia vào nghi thức này, do đó việc bảo vệ ngôi đền và các các nghi thức có tầm quan trọng hơn nhiều so với cá nhân. Điều này nhấn mạnh về tính tổng thể hơn cá nhân, là then chốt của tín ngưỡng Thần Đạo.
Thiên Long, dịch từ Ancient Origins