Tinh Hoa

Thành phố Ukraine chuẩn bị cho chiến tranh

(NLĐO) – Nằm giữa Nga và bán đảo Crimea, cách vị trí đóng quân của phe ly khai chỉ 25 km, người dân TP cảng Mariupol – Ukraine đang rục rịch gia cố nhà cửa và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ở vùng ngoại ô của Mariupol, tiếng pháo kích rền rã phát ra từ thị trấn Shyrokyne, trong các cuộc xung đột dai dẳng giữa quân đội Kiev và thân Nga ở miền Đông.

Người dân thành phố cảng này có quyền lo sợ sẽ xảy ra vì Mariupol giống như chiếc cầu nối Nga với Crimea – bán đảo bị Moscow sáp nhập hồi tháng 3-2014.

Những ngày gần đây, xe quân sự rầm rập diễu hành trên đường phố. Cửa sổ nhà dân được gia cố để tránh đạn lạc. Một số căn hộ được đánh dấu để cư dân Mariupol tới trú ẩn nếu xảy ra xung đột. Cư dân Iryna Hrynko, 40 tuổi, chạy trốn khỏi TP Donetsk hồi năm ngoái, cho biết: “Mọi người đang nói về một cuộc chiến tranh. Bạn bè tôi trở về Mariupol thậm chí còn nói về một cuộc tấn công sắp đến”.

Xe quân sự của lực lượng Ukraine di chuyển ở phía Đông Mariupol tháng 3 vừa qua. Ảnh: AP

Quân đội Ukraine đang tích cực xây dựng các vị trí phòng thủ và hầm trú ẩn, kéo các khối bê-tông lớn chặn ngang đường. Du khách tới thành phố bằng xe buýt phải đi qua nhiều trạm kiểm soát dày đặc. Phát ngôn viên quân sự Dmytro Horbunov nói với hãng tin Bloomberg rằng quân đội bắt đầu huấn luyện cho người dân, gồm học sinh ở các trường học.

Ông Horbunov khẳng định: “Chúng tôi có đủ người để bảo vệ thành phố, hàng nghìn binh lính. Công sự được xây dựng cả ngày lẫn đêm. Tiền tuyến được gia cố chắc chắn”.

Thủ lĩnh phe ly khai ở Donetsk Alexander Zakharchenko từng tuyên bố Mariupol sẽ sớm thuộc về phe ly khai. Hồi tháng 4, ông Zakharchenko cho rằng rất dễ chiếm được thành phố này vì người dân sẽ đầu hàng. Ông nói: “Đừng quên, những bà mẹ và chị em chúng tôi sống ở đó”.

Tổng thống Petro Poroshenko cũng nhận định phe ly khai thân Nga sẽ tấn công Mariupol vào nửa cuối tháng 5 này.

Quân nhân Ukraine ở TP Mariupol. Ảnh: AP

Trong một diễn biến khác, đã giảm bớt số nhân viên Nga tại các trụ sở của mình ở Brussels – Bỉ vì lo ngại họ có thể đang hợp tác với cơ quan tình báo trong nước. Trả lời báo The Guardian (Anh), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết dù hạn chế số đại diện Nga nhưng NATO vẫn duy trì và tăng cường các kênh đối thoại chính trị và quân sự với nước này.

Theo ông Stoltenberg, số lượng thành viên đoàn đại biểu các nước không phải thành viên NATO tại Brussels bị hạn chế tối đa chỉ được 30 người. Nga hiện có đến 90 thành viên nên phải bị cắt giảm. Một quan chức NATO tiết lộ động thái này nhằm hạn chế người Nga thu thập tin tức tại trụ sở NATO. Hiện tại, chỉ có 4 người gồm Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko, cấp phó, thư ký và lái xe của người này được phép đi vào các văn phòng NATO mà không cần hộ tống.

P.Nghĩa (Theo Bloomberg, The Guardian)

Theo Người Lao Động