Nhằm tranh thủ thái độ cứng rắn của nhiều nước trên thế giới đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các nghị sĩ từ 8 quốc gia và Liên minh châu Âu đã thành lập “Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc” (IPAC) để chống lại ĐCSTQ.
Ngày 5/6, các tờ “Sydney Morning Herald”, “The Age” và “The Australian” đã đồng loạt đưa tin rằng, nhằm tranh thủ thái độ cứng rắn của nhiều nước trên thế giới đối với ĐCSTQ, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh Iain Duncan Smith đã khởi xướng thành lập “Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc” (The Inter-Parliamentary Alliance on China), được gọi tắt là IPAC.
“Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc” hiện có 19 thành viên tham gia tới từ 8 quốc gia bao gồm Anh, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển và Nghị viện châu Âu.
Nghị sĩ quốc hội châu Úc là những người đầu tiên hưởng ứng gia nhập Liên minh, sau đó đã thành lập chi nhánh IPAC tại châu Úc. Đồng chủ tịch của chi nhánh châu Úc là Andrew Hastie – Chủ tịch ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Úc (Intelligence and Security), từng là sĩ quan của Lực lượng đặc chủng Không quân Úc (SAS), và Kimberley Kitching – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Thương mại Thượng viện (Senate Foreign Affairs Defence and Trade References Committee).
Trong cuộc phỏng vấn với hai tờ báo “Sydney Morning Herald” và “The Age”, ông Iain Duncan Smith đã nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu nên quan tâm đến các vấn đề do IPAC nêu ra. Ông đặc biệt nhắc đến ngân hàng HSBC, khi ngân hàng này đã công khai hỗ trợ việc ĐCSTQ đẩy mạnh áp đặt “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, và ông cũng nói rằng động thái của ngân hàng HSBC “thật khiến cho người ta cảm thấy kinh hoàng” (appalling).
Ông Smith cũng nói rằng, phản ứng tích cực của các nghị sĩ đối với IPAC khiến ông cảm thấy được khích lệ, đặc biệt là Thụy Điển và Đức, ở Na Uy và Thụy Điển, một số nghị sĩ dù chưa được mời nhưng cũng đã bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng tham gia Liên minh.
Ông Smith cho biết, ông tin rằng các hành động của ĐCSTQ “thực sự khiến nhiều người cảm thấy lo lắng”.
Ông Sam Armstrong, phát ngôn viên của IPAC đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với VOA từ London rằng, “Tổ chức này được thành lập và tồn tại để thực sự đại diện cho dân ý, các nhà lập pháp từ các nước dân chủ trên thế giới, có thể trình bày một cách rõ ràng với các chính phủ nước sở tại của họ rằng hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới tự do và các nước dân chủ cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với vấn đề này”.
Bà Kitching cũng nói với tờ “Sydney Morning Herald” và “The Age” rằng, bà cảm thấy rất “phấn khích” khi có thể gia nhập liên minh do “Nghị sĩ các nước có cùng cách nghĩ với nhau” thành lập. Bà nói: “Cả thế giới đã thấy ĐCSTQ càng ngày càng hành động tự do tùy ý. Ở Úc, chúng ta cũng càng ngày càng quan sát thấy rằng, cách hành xử của một quốc gia độc tài là khác hoàn toàn so với cách hành xử của một quốc gia dân chủ”.
Ông Hastie nói với “The Australian” rằng, Liên minh sẽ “bảo vệ các giá trị chung của nhân loại, trật tự thế giới và nhân quyền phổ quát sẽ lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở”. Ông nói: “Các quốc gia có chủ quyền không chỉ cần quan tâm tới các việc trong nước của họ, mà còn cần hợp tác để bảo vệ lợi ích chung của các dân tộc tự do”.
Ông Michael Brand, đại diện của quốc hội Đức cho biết: “Thách thức này đã động chạm đến mọi người trong chúng ta và mọi quốc gia”.
Nghị sĩ Shiori Yamao của Nhật Bản nói: “Viễn cảnh về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tương lai mà chúng tôi từng nhận định so với thực tế đã đi quá xa”.
“Chúng tôi nghĩ rằng thời gian trôi qua Trung Quốc sẽ trở nên cởi mở hơn, nhưng hiện thực không phải như vậy”, bà Elisabet Lann, một nghị sĩ Thụy Điển nói.
Tờ “The Australian” chỉ ra rằng, dự kiến trong vài ngày tới sẽ có thêm nhiều nghị sĩ tham gia “Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc”.
Minh Huy (Theo Soundofhope)