Tinh Hoa

Thanh Hóa: Hết tiền sửa đập, sao đắp tượng đài?

1.200 hồ chứa xuống cấp, 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng đe dọa an sinh xã hội, ảnh hưởng cuộc sống và tính mạng hàng nghìn vạn người đang là thử thách lớn hiện nay do thiếu kinh phí.

Đập thủy lợi Đầm Thìn (xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị vỡ khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ngày 1/6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra công điện về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi năm 2020. 

Theo đó, Bộ này đã chỉ ra nguy cơ nghiêm trọng xảy ra sự cố vỡ đập gây hư hỏng công trình, ngập lụt ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng nhân dân vùng hạ du.

Theo những điều được nêu trong công điện này, cả nước hiện có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Trong đó, có khoảng 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 70 đập đất trong tình trạng thấm và 80 đập bị biến dạng mái đập; 188 hồ tràn xả lũ bị hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng hạ lưu tràn ở các mức độ khác nhau.

Được biết, Thanh Hóa là địa phương có số lượng hồ đập lớn thứ hai cả nước với 610 hồ đập, nhưng có tới 80% hồ đập đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không có khả năng phòng lũ, được đắp thô sơ từ hàng chục năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trước đó vào đầu tháng 5, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận ở Quốc hội. Trước tình hình biến đổi khí hậu gây ra mưa, lũ cực đoan, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, vấn đề này càng trở nên thời sự và cấp bách hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo phân tích của các Đại biểu Quốc hội thì kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình hồ đập còn rất hạn hẹp. Các địa phương đều gặp khó khăn, lại đừng nói đến tỉnh nghèo như Thanh Hóa.

Thế thì tại sao lại bỏ hàng chục tỷ để xây tượng đài?

Sau khi có cuộc thảo luận ở Quốc hội về vấn đề nguy cơ liên quan đến an sinh xã hội và tính mạng hàng nghìn vạn người nêu trên, thì một huyện nghèo ở một tỉnh nghèo là huyện Yên Định (Thanh Hóa) lại có chủ trương bỏ 20 tỷ để xây tượng đài. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bác bỏ.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, một huyện khác của Thanh Hóa là Yên Trường đã đầu tư đến 50 tỷ đồng để xây dựng Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, với Tượng đài Búa liềm, Chim Lạc và Trống đồng… chồng lên nhau. Những điều này đã làm dân tình vô cùng khó hiểu.

Ngoài vấn đề hồ đập nêu trên, Thanh Hóa còn rất nhiều vấn đề rối ren cần phải giải quyết. Chuyện xưa nhắc lại, một vị công thần trước khi thảo phạt vua bạo ngược, từng soạn hịch văn viết rằng: 

“Của là báu của nước, tiền là mạng của dân, đáng việc mới dùng, bệ hạ xài phí đào ao chứa rượu, găm thịt làm rừng, lập Lộc đài lãng phí gần hết của kho, sai Hầu Hổ đốc công nhũng lạm tiền dân chúng. Kẻ giàu thì hao bạc, dân khó phải làm sưu, hiếp đáp dân nghèo kẻ mạnh phải mang bệnh người đau phải bỏ mình. Chỉ vì cuộc chơi mà làm cho nhân dân thảm họa”.

Vậy nên, sử dụng đồng tiền thuế thế nào, có lẽ chính quyền địa phương cần suy xét kỹ hơn. Bởi đó là báu của nước, là mạng của dân vậy.

Từ Thức