Tinh Hoa

Thanh Hóa: Hai bệnh nhân nhiễm khuẩn ăn thịt người, một thiếu niên tử vong

Thiếu niên 15 tuổi mắc khuẩn ăn thịt người Whitmore, dù được điều trị tích cực tại Bệnh viện nhưng đã tử vong trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, hoại tử ruột.

Theo báo Người Lao Động, thông tin trên đã được đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận vào tối 12/11.

Theo đó, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, em T.M.N (15 tuổi, ngụ P.Mai Lâm, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng rất nặng với phổi tổn thương, suy hô hấp, có ban xuất huyết ở 2 bàn tay, thở máy, duy trì vận mạch. 

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Trước đó, bệnh nhân N. đã điều trị tại 2 bệnh viện địa phương. 

Cụ thể, N. phát bệnh vào đầu tháng 10. Hai ngày trước khi khởi phát, N. đi học về bị ngấm nước mưa, sau đó sốt cao liên tục 4 ngày, ho, nổi ban, đau tức ngực phải, đau bụng… được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) chữa trị.

Bệnh Whitmore được điều trị khỏi nếu phát hiện đúng bệnh và điều trị kịp thời. (Ảnh minh họa qua Người Lao Động)

Tuy nhiên, do diễn biến nặng, bệnh nhân có thêm triệu chứng khó thở, huyết áp giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp tục điều trị. 

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, N. được cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và kháng sinh.

Tuy nhiên sau 2 ngày bệnh nhân vẫn không có chuyển biến nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 03/11 (ngày thứ 12 của bệnh) trong tình trạng phổi tổn thương, suy hô hấp, nổi ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay. 

Dù đã được các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nhưng N. vẫn không qua khỏi. Đến đêm 11/11, N. đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột. 

N. có tiền sử mắc Covid-19 (5 tháng trước khi phát bệnh). Bệnh nhân sống cùng gia đình có 5 người, và đến ngày 13/11, người thân trong gia đình bệnh nhân này vẫn bình thường, theo báo Thanh Niên.

Ngoài N., hiện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho một bé trai 10 tuổi khác mắc bệnh Whitmore là L.N.Q (ngụ xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Cháu Q. xuất hiện các triệu chứng sốt, sưng đỏ vùng mang tai từ tháng 9, và được chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai phải, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống 20 ngày nhưng không khỏi.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này, các tổn thương khu trú của Q. có khả năng kiểm soát dễ hơn.

Được biết, không chỉ ở Thanh Hóa, tại tỉnh Đắk Lắk cũng đã ghi nhận một phụ nữ 40 tuổi mắc bệnh Whitmore.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dù Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao. 

Khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11). 

Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp-xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Do đó, khuẩn gây bệnh Whitmore vẫn thường được dân gian gọi là “khuẩn ăn thịt người”.

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Cục Y tế dự phòng vừa có Công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. 

Xuân Hạ (t/h)