Chẳng có đất đai bạt ngàn, phì nhiêu nhưng những hộ gia đình ở Thành cổ Quảng Trị vẫn dành một góc vườn nho nhỏ để trồng hoa nhằm mục đích tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa tình của người dân nơi Thành Cổ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức bi tráng, hào hùng vẫn còn vang vọng lại đến ngày hôm nay. Thành cổ Quảng Trị, thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 được ví như một túi bom, là “cối xay thịt”. Hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu giành lại từng mét đất quê hương từ tay địch để rồi vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Máu xương các anh hòa vào lòng đất bất tử với thời gian. “Người dân Thành cổ hôm nay đang sống trên mảnh đất được tạo dựng nên từ máu, xương của hàng nghìn anh hùng liệt sĩ, nên việc làm trước tiên mà người dân Thành cổ nghĩ đến là tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc”, ông Lê Ngọc Vũ – Trưởng Phòng VHTT, thị xã Quảng Trị mở đầu câu chuyện. Từ những suy nghĩ ấy, người dân ở đây đã cùng nhau lập hàng nghìn am thờ vọng, cho đến nhà nhà trồng hoa nhưng chẳng bao giờ bán, tất cả chỉ để dành tri ân các anh hùng liệt sĩ… Tự lập am thờ vọng các anh hùng, liệt sĩ… Đã lâu lắm rồi, có lẽ từ thời quê hương mới giải phóng, người dân ở đây đã lập am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ. Họ làm một cách tự nguyện, chân thành, xuất phát từ đáy lòng mình. Dẫu cho hoàn cảnh gia đình có khó khăn đến đâu thì người dân Thành cổ vẫn lập một chiếc am thờ vọng đặt ở bên ngoài khuôn viên mỗi gia đình rất đàng hoàng, trang nghiêm và thành kính. “Hiện nay trên địa bàn thị xã Quảng Trị, nhà nào cũng có ít nhất một am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ. Đây là nghĩa cử cao đẹp của người dân nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước”, ông Lê Ngọc Vũ cho biết thêm. Dạo quanh các tuyến phố chính như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngô Quyền vào những ngày này, dễ dàng nhận thấy sự tất bật của bà con trong công việc tân trang lại am thờ. Nhà thì quét vôi mới tinh, có nhà lại xây thêm những chiếc am mới để kịp làm lễ tri ân trong dịp kỉ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Nhà nào cũng có ít nhất một am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ. “Mỗi năm mới có một dịp trọng đại như thế này nên chúng tôi phải cố gắng làm sao cho thật trang trọng. Mình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay chính là nhờ xương máu của bao thế hệ cha anh đã đổ xuống. Ở Thành cổ mỗi tấc đất đều thấm đẫm xương, máu các anh hùng, liệt sĩ, để những chiếc am cũ kỹ, lạnh lẽo, đơn sơ, chúng tôi thấy có lỗi với lương tâm mình và du khách, có lỗi với anh linh các anh hùng liệt sĩ ”, ông Nguyễn Văn Phúc ở phường 2, thị xã Quảng Trị tâm sự. Cứ mỗi dịp rằm và ngày ba mươi, mùng một (âm lịch), chẳng ai bảo ai nhưng nhà nào cũng dâng lên am thờ vọng nải chuối, có khi hộp bánh hay dĩa hoa quả lẫn vài cành hoa tươi thắm. Với họ, dù lễ vật tuy có lúc ít ỏi, đơn sơ nhưng lòng thành kính sự tri ân là vô bờ bến. “Vào những ngày đó, dù có bận rộn mưu sinh thì những người dân trong khu phố của tôi luôn về sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị lễ vật dâng hương. Đã hơn 20 năm nay, chưa một lần nào chúng tôi quên điều đó”, anh Nguyễn Đình Vọng, ở khu phố 3, phường 2, thị xã Quảng Trị bộc bạch. Theo những người dân ở đây thì mảnh đất Thành cổ là một “nghĩa trang không bia mộ”, bởi rất nhiều thi thể các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trong lòng đất hay dưới dòng Thạch Hãn linh thiêng. Thi hài các anh có thể chưa nằm cùng đồng đội tại nghĩa trang nhưng vẫn nằm chung trên đất mẹ một thời hoa lửa, anh hùng. Vậy nên, người dân ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh những khách thập phương đến thăm Thành cổ và vào am thờ vọng của “nhà mình” để hành hương. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy bỡ ngỡ trước những hành động đó bởi đâu trong mỗi tấc đất Thành cổ đều là “nhà” của các anh. Ai trong số chúng ta đều có thể dâng hương nếu có lòng thành kính”, bà Võ Thị Huyền (78 tuổi), ở phường 3, thị xã Quảng Trị nói trong xúc động. Những người trồng hoa không bao giờ bán Không biết tự bao giờ, người dân thị xã Quảng Trị nảy ra ý định trồng hoa để thả xuống dòng sông tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhưng đến nay hầu như nhà nào cũng tự trồng cho mình vài khóm hoa với tâm nguyện tri ân những người đã ngã xuống trên quê hương. Về khu phố 5, phường 2, thị xã Quảng Trị, nơi được biết đến như là “thánh địa” của những người trồng hoa không bao giờ bán. Tuy chẳng có đất đai bạt ngàn, phì nhiêu nhưng những hộ gia đình ở khu phố này vẫn dành một góc vườn nho nhỏ để trồng hoa nhằm mục đích tri ân. Dẫu những cánh hoa đồng nội ấy không đẹp như hoa ở xứ trồng hoa nhưng lại đẹp trong tấm chân tình với người đã khuất. Người dân Thành cổ trồng hoa quanh năm và trồng đủ loại hoa như: hoa thọ, hoa trang, lay ơn, thược dược và nhiều loài hoa dân dã khác. Nhà nào không có đất vườn thì dành khoảng trống ở ban công hay đúc lấy vài cái chậu nhỏ để trồng hoa với ước mong sẽ được thả những đóa hoa do tự tay mình trồng xuống dòng Thạch Hãn linh thiêng hay cắm vào bình hoa đặt lên bàn thờ vọng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trường Bồ Đề, chứng tích chiến tranh. “Trong khu phố chúng tôi, nhà nào cũng trồng lấy một vài khóm hoa như thế này. Ngày nào chúng tôi cũng chăm bón mong sao hoa nở đúng dịp 27/7 năm nay để mỗi gia đình có thể thả xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Mỗi khi tưới hoa, tôi thường dắt mấy đứa cháu nhỏ của mình ra làm cùng để dạy cho các cháu hiểu được đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”, ông Võ Quỳnh, ở khu phố 5, phường 2, thị xã Quảng Trị chia sẻ. Không riêng gì những người trồng hoa không bao giờ bán mà ngay cả những hộ kinh doanh hoa ở chợ thị xã Quảng Trị vào những ngày rằm, ba mươi, mùng một cũng tự tay kết cho mình một lẵng hoa thật đẹp để tham gia vào ngày hội thả hoa trên sông. “Sự hy sinh của các anh hùng hùng liệt sĩ trên mảnh đất Thành cổ này đã để lại trong lòng thế hệ chúng tôi sự trân trọng, tự hào và niềm biết ơn vô hạn. Chính vì thế, chúng tôi thường ra bến sông vào các dịp rằm, ba mươi hay các dịp đại lễ để dâng hương, thả hoa cầu nguyện cho linh hồn các anh được bình yên ở cõi vĩnh hằng”, chị Hoàng Thị Trang, một tiểu thương ở chợ thị xã Quảng Trị thổ lộ. Những đài hoa sẽ nối dài, những nén hương thơm của lòng thành kính và sự tri ân trong những chiếc am thờ vọng bên dòng Thạch Hãn sẽ cháy mãi, in sâu trong lòng người và hóa thành biểu tượng đẹp cho thế hệ mai sau. Trên tháp chuông Thành cổ vang vọng từng hồi chuông linh thiêng, cầu mong cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ sớm siêu thoát, được ấm áp nơi miền cực lạc. Dưới bến thả hoa, từng bè hoa tươi được kết, hoa đăng được thả xuống cho hàng vạn người lính hóa thân vào dòng Thạch Hãn. Những nhành hoa cứ trôi lững lờ để về với người, về phía nụ cười Thành cổ. Nhà nào cũng có ít nhất một am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ. Trường Bồ Đề, chứng tích chiến tranh. |
Theo Tiền Phong