Từ xưa đến nay, những người tu luyện trong trường phái Phật và Đạo sau khi đạt đến một cảnh giới nhất định thì có thể xuất hiện thần thông. Và đôi khi, vì để điểm hóa người có duyên đến tu luyện, họ có thể triển hiện một số thần tích ở nhân gian.
Vì để điểm hóa người đời, khiến cho người có duyên một lòng hướng Phật, hướng Đạo, những vị cao tăng, cao đạo thường hay triển hiện thần tích ở nơi thế gian con người.
Từ những ghi chép được lưu truyền trong lịch sử, ta có thể nhận thấy rằng, trên thân của rất nhiều cao tăng, cao đạo, đều có những công năng (thần thông) thậm chí vượt xa khả năng tưởng tượng của con người. Dưới đây là một số loại công năng phổ biến.
Công năng dao thị hoặc thiên nhãn thông là có thể nhìn xuyên qua đồ vật mà thấy được những thứ bên trong hoặc thấy những sự tình xảy ra ở nơi cách đó rất xa.
Công năng túc mệnh thông, giảng từ phương diện nhỏ mà xét là có thể biết trước được tương lai và quá khứ của một người nào đó; giảng từ phương diện lớn hơn thì có thể biết trước được sự hưng suy của xã hội.
Công năng tha tâm thông là có thể biết được được hoạt động tâm lý và suy nghĩ của người khác. Thần túc thông thì có thể đi hàng nghìn dặm mà không cảm thấy mệt mỏi chút nào.
1. Công năng thiên nhãn thông
Phật Đồ Trừng
Phật Đồ Trừng là vị tăng nhân thời Hậu Triệu, Tây Tấn, giỏi về đọc niệm thần chú, hơn nữa còn có thể sai khiến ma quỷ. Khi ông dùng dầu vừng cộng thêm lớp son thoa lên trên lòng bàn tay, những chuyện xảy ra ngoài nghìn dặm đều có thể hiển hiện ngay trong lòng bàn tay, giống như nhìn thấy ngay trước mắt vậy.
Phật Đồ Trừng thường sai đệ tử đến tây vực mua hương. Có một lần, Phật Đồ Trừng ở trong lòng bàn tay nhìn thấy một vị đệ tử đi mua hương bị lũ cướp đuổi giết, ông ngay lập tức đốt nhang niệm chú để gia trì.
Sau khi người đệ từ trở về, kể rằng vào ngày nào tháng nào ở nơi đó gặp phải bọn cướp, chính ngay lúc sắp bị giết chết ấy, bỗng ngửi thấy mùi hương, bọn cướp tự dưng bỏ chạy đi mất.
Còn có một lần, Phật Đồ Trừng đang cùng với Thạch Hổ đàm luận Phật Pháp trong nhà, đột nhiên ông nói rằng: “Ở U Châu xảy ra hỏa hoạn”. Thế là liền lấy rượu phun về phía U Châu.
Qua một lúc khá lâu, Phật Đồ Trừng cười nói: “Bây giờ hỏa hoạn ở U Châu đã dập tắt rồi”. Thạch Hổ cảm thấy rất đỗi kỳ lạ, bèn cử người đến U Châu kiểm tra thực hư. Quả nhiên U Châu đã xảy ra hỏa hoạn, về sau trời đã giáng cơn mưa lớn, trong mưa còn có cả mùi rượu nữa.
2. Công năng túc mệnh thông
Rất nhiều nhà tiên tri thời xưa đều có loại công năng này, ví như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Lý Thuần Phong thời nhà Đường, Thiệu Ung thời nhà Tống, Lưu Bá Ôn thời nhà Minh, v.v. Ngoài họ ra, còn có một số người tu Phật, tu Đạo khác đều có loại công năng này.
An Thế Cao
An Thế Cao, tăng nhân Tây vực vào thời Tây Hán, thường nói với mọi người rằng, đời trước của ông chính là thái tử của nước An Tức, hơn nữa đã xuất gia.
Một lần, An Thế Cao đi đến vùng Quảng Châu, trên đường đi, đã gặp một thiếu niên, người này vừa nhìn thấy ông liền rút đao ra muốn giết chết ông. An Thế Cao cười nói rằng: “Đời trước của ta đã nợ cậu một mạng, vậy nên đặc biệt từ xa đến đây hoàn trả cho cậu. Sự oán hận của cậu bây giờ đều là đời trước của ta tạo thành”.
Nói xong, An Thế Cao bèn đưa cổ ra chịu chém mà không chút sợ hãi. Người thiếu niên này đã thực sự giết chết ông. Sau khi chết, An Thế Cao một lần nữa chuyển sinh là thái tử nước An Tức, và lại xuất gia. Ông tìm được người thiếu niên đã giết chết mình trong đời trước và giảng rõ cho cậu ta đạo lý nhân quả.
Lão Tử
Lão Tử truyền chân đạo cho người đời vào thời Xuân Thu, trước khi lánh xa thế tục, ông đã đi theo hướng Tây đi đến nước Tần. Khi đi qua Hàm Cốc quan (vùng Tây Nam, huyện Linh Bảo, Hà Nam ngày nay), Doãn Hỷ – viên quan trông coi cửa ải – thông qua việc gieo quẻ biết trước sẽ có Thánh nhân đi qua nơi này, liền lệnh cho mọi người quét dọn bốn mươi dặm đường để nghênh đón, quả nhiên Lão Tử đã đến.
Lão Tử ở vùng Trung Nguyên trước sau chưa từng truyền thụ gì cả, nhưng ông lại biết rõ Doãn Hỷ là người có huệ căn, trong mệnh đã định sẵn sẽ đắc Đạo, liền dừng lại nơi đó. Điều này nói rõ Lão Tử có khả năng tiên đoán phi thường.
Doãn Hỷ cung kính hành lễ với Lão Tử, và đã được truyền thụ cho cách tu đạo trường sinh. Doãn Hỷ lại thỉnh cầu Lão Tử dạy dỗ chuyên sâu hơn một bước nữa, Lão Tử liền nói ra “Ngũ Thiên Ngôn”. Sau khi Doãn Hỷ trở về đã ghi chép lại, đây chính là “Đạo Đức Kinh” kinh điển của Lão Tử. Về sau Doãn Hỷ dựa theo lời dạy của Lão Tử mà tu hành, quả nhiên sau đã thành tiên.
Kỳ Vực
Kỳ Vực là tăng nhân Thiên Trúc thời Tấn, trong khi thuyết Pháp cho chúng tăng nhân ở Lạc Dương, có những lúc ông nói cho chúng đệ tử biết tình huống tiền kiếp, ví như Chi Pháp Uyên là con dê chuyển sinh, Trúc Pháp Hưng kiếp trước là người…
Nhìn thấy cung điện thành Lạc Dương, ông nói với mọi người rằng: “Nó rất giống với cõi trời Đao Lợi, nhưng một bên là tự nhiên tạo thành, một bên là con người xây nên mà thôi. Người xây dựng cung thành này đến từ cõi trời Đao Lợi, sau khi xây xong đã trở về cõi trời rồi. Dưới miếng ngói của nóc nhà phải có 1.500 món thần khí”.
Khi đó thật sự có tin đồn, nói rằng người thợ xây dựng cung thành này đã đặt thần khí dưới ngói, sau khi hoàn thành công trình đã bị hãm hại.
Phật Đồ Trừng
Phật Đồ Trừng không chỉ có công năng dao thị, mà còn có công năng túc mệnh thông. Vì để cứu vớt chúng sinh, ông muốn dùng Phật Pháp giáo hóa Thạch Lặc đại tướng người Hung Nô thích sát nhân. Thế là Phật Đồ Trừng đi đến doanh trại của ông ta, ở trong nhà tướng quân Quách Hắc Lược, là người xưa nay tín phụng Phật, giúp đỡ người này đưa ra kế sách, đoán trước thắng thua trong chiến trận.
Về sau Thạch Lặc nghe nói đến thần thông của Phật Đồ Trừng, liền triệu kiến ông hỏi rằng Phật Pháp linh nghiệm ra sao. Phật Đồ Trừng lấy ra cái bát đựng đầy nước, sau đó đốt hương cầu nguyện, một lúc sau trong nước đã mọc ra hoa sen màu xanh, hào quang chói mắt. Thạch Lặc tức thì tin phục, thôi không giết người nữa. Rất nhiều người vì vậy mà bảo toàn được mạng sống, mọi người đều tin vào Phật Pháp.
Khi Thạch Lặc từ Cát Bì trở về Hà Bắc, có người muốn cướp trại trong đêm. Phật Đồ Trừng bèn cử người nói cho Thạch Lặc biết. Buổi tối hôm đó quả nhiên có giặc đến. Bởi Thạch Lặc đã có chuẩn bị trước đó, vậy nên quân giặc cướp trại đã bị bắt lại.
Nhưng Thạch Lặc bản tính đa nghi muốn tiếp tục thử Phật Đồ Trừng, xem có thật thần kỳ đến như vậy chăng? Thế là vào một buổi tối, ông mặc áo giáp, đội mũ cầm đao ngồi ở trong lều vải, đồng thời sai người nói với Phật Đồ Trừng rằng: “Đêm nay không biết tướng quân đã đi đâu”.
Nhưng sứ giả vừa mới đến nơi Phật Đồ Trừng ở còn chưa kịp mở miệng nói, Phật Đồ Trừng liền lớn tiếng hỏi rằng: “Nơi đây vốn không có giặc cướp cớ chi phải phòng bị trong đêm?”. Thạch Lặc do vậy càng kính phục hơn nữa.
Tuy nhiên, Thạch Lặc lại cảm thấy lo lắng vì Phật Đồ Trừng có mang thần thông, vậy nên muốn hãm hại ông, nhưng tìm kiếm Phật Đồ Trừng khắp nơi mà vẫn không tìm ra được. Thì ra Phật Đồ Trừng có công năng túc mệnh thông đã biết trước được chuyện này, do vậy ông từ sớm đã tìm nơi ẩn trốn.
Thạch Lặc vô cùng hối hận, cho rằng bản thân đã có ý xấu, nên Thánh nhân mới bỏ mình mà đi, vì vậy suốt đêm đều không ngủ mà chỉ mong được gặp lại Phật Đồ Trừng. Phật Đồ Trừng thông qua công năng túc mệnh thông đã biết được ý hối cải đó, nên ngày hôm sau đã đến gặp Thạch Lặc.
Thạch Lặc xây dựng nhà Hậu Triệu năm 330, và ngày càng tôn kính Phật Đồ Trừng hơn. Một năm Thạch Thông muốn làm phản. Phật Đồ Trừng dùng tiếng lóng nói với Thạch Lặc rằng: “Năm nay trong hành sẽ có sâu ăn. Ắt sẽ hại người. Có thể khiến người dân không ăn hành nữa”. (Chữ Thông 葱 trong tên Thạch Thông 石葱 nghĩa là cây hành).
Thế là Thạch Lặc lệnh cho người dân không nên ăn hành. Khi Thạch Thông làm phản, Thạch Lặc mới bừng tỉnh hiểu ra, thế là mỗi một việc đều muốn hỏi qua Phật Đồ Trừng, sau đó mới thực thi, và xưng ông là “Đại Hòa thượng”.
Cầu Na Bạt Đà La
Cầu Na Bạt Đà La là tăng nhân Thiên Trúc thời Nam Tống. Vào những năm đầu Hiếu Võ Đế thành lập chính quyền, đã đoán biết trước rằng Tiêu vương sẽ làm phản, bèn khuyên ông rằng ông không nên có mưu đồ bất chính. Tiêu vương không nghe, quả nhiên đã đại bại trong trận chiến Lương Sơn, còn Cầu Na Bạt Đà La bị ép ở lại trong quân trại Tiêu vương thì được cứu thoát một cách thần kỳ.
Trúc Pháp Huệ
Trúc Pháp Huệ, vị tăng nhân thời Đông Tấn đã từng nói với Pháp Chiếu, đệ tử của ông rằng: “Trước đây con đã từng làm gãy một chân của con gà, báo ứng của con sắp đến rồi”.
Quả nhiên không lâu sau Pháp Chiếu bị người ta ném xuống đất, chân gãy trở thành tàn phế. Về sau tướng quân Dữu Trĩ Cung trấn giữ Tương Dương, ông ta bình thường vốn không tín thờ Phật Pháp, nghe nói Trúc Pháp Huệ có khả năng phi thường, rất lấy làm ganh ghét.
Trúc Pháp Huệ đã nói trước với đệ tử rằng: “Oan gia ngày xưa của ta đã đến rồi. Các con phải chuyên cần tu luyện hơn nữa”.
Hai ngày sau, Trúc Pháp Huệ quả nhiên bị hại, hưởng thọ 58 tuổi. Trước khi chết nói với mọi người rằng: “Ba ngày sau khi ta chết trời sẽ có mưa to”. Ba ngày sau, mưa to quả nhiên kéo đến, nước ở cửa thành cao một trượng, rất nhiều người đã bị chết đuối.
Xem tiếp phần 2
Tiểu Thiện (Theo Epoch Times)