Từ xưa đến nay, con người luôn tin rằng Thần, Phật, Chúa là những đấng quyền năng tối cao, sở hữu thần thông. Bởi vậy các tín đồ vẫn thường đến nhà thờ, chùa chiền, thánh điện, đây được coi là nơi kết nối với thần linh để cúng bái, cầu nguyện.
Có những câu chuyện kể rằng chỉ cần thành tâm cầu nguyện thì sẽ được Thần linh ban cho như ý, thế nhưng cũng có rất nhiều người cầu mà không được. Thậm chí trong đại nạn hay dịch bệnh, có những người xin được ban ơn, xin không mắc phải bệnh tật, xin cho dịch bệnh biến mất nhưng cũng không được toại nguyện, như ý, từ đó nảy sinh tâm oán trách các vị thần. Nhưng kỳ thực mọi chuyện đều có nguyên do.
Có câu chuyện kể rằng, trên một ngọn núi cheo leo có một ngôi chùa cổ. Người trong vùng truyền tai nhau rằng ngôi chùa rất linh nghiệm, chỉ cần lên chùa thành tâm thành ý cầu nguyện thì sẽ được thần linh cứu giúp. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là đường đến ngôi chùa đó vô cùng khó đi, hiểm trở.
Ngày nọ, một thư sinh trong vùng nghe được câu chuyện cũng muốn đến cầu nguyện, mong đạt được công danh, có tên trên bảng vàng. Để tỏ lòng thành, anh còn sắm sửa một mâm lễ thật lớn rồi tự mình bưng lên núi. Sau một đoạn hành trình vất vả, cuối cùng anh cũng lên đến nơi.
Sau khi hoàn thành dâng lễ, lạy lục cầu xin, anh thư sinh thu dọn sính lễ để trở về. Trên đường về tới chân núi, anh gặp một người ăn mày, nhìn người này vô cùng rách rưới, bẩn thỉu. Người ăn mày chìa tay xin: “Thí chủ hào phóng! Tôi đã bị đói 3 ngày, xin ngài thương xót bố thí chút đồ ăn! Đội ơn ngài lắm!”
Thấy bộ dạng người ăn mày, thư sinh tỏ vẻ chán ghét, coi thường nên đưa tay phất phất ra hiệu: “Đi đi, ngươi vừa rách nát vừa bẩn thỉu, đừng làm bẩn lễ của ta! Lễ của ta còn phải mang về cho vợ con ta ăn hưởng lộc. Đâu tới lượt ngươi!”
Người ăn mày nghe vậy thì yếu ớt dập đầu cầu xin: “Thí chủ hào phóng! Tôi đã sắp chết đói rồi! Tôi không xin gì nhiều, chỉ cần ngài bố thí cho tôi một chút thôi là đủ rồi, xin hãy cứu mạng tôi với!”
Sợ người ăn mày đói quá cướp lễ, thư sinh vội vàng bê lễ chạy đi. Người ăn mày sức đi còn không có, chỉ đành trân trân ngồi nhìn theo. Siết tấm chăn quấn trên người, ông ta lê từng bước khó nhọc tới căn nhà hoang tàn tạ dưới chân núi.
Màn đêm buông xuống càng lúc càng nhanh, trời trở lạnh hơn. Người ăn mày quấn tấm chăn mỏng run rẩy nơi góc nhà. Đột nhiên, từ đâu có một con chó nhỏ bị ghẻ khắp thân chạy đến. Nó rụt rè tới bên người ăn mày với mong muốn tìm được hơi ấm, thế nhưng anh ta vừa nhìn thấy con chó thì đã lên cơn bực tức co chân đá con chó rồi chửi bới: “Cút! Cút! Đồ bẩn thỉu, cút đi.”
Con chó nhỏ bị đạp, sợ hãi kêu vài tiếng rồi chạy đi mất, vài tiếng sau thì nó chết cóng tại cổng nhà. Còn người ăn mày ngày hôm sau cũng lăn ra chết vì đói.
Nửa năm thoáng chốc qua đi, vào đợt thi năm đó, người thư sinh kia đi thi lại rớt. Anh ta nổi giận đùng đùng, chạy lên núi oán trách trời Phật: “Vì sao mọi người đều nói Thần Phật linh thiêng, vậy mà các ngài nỡ lòng không giúp đỡ con, để con thi rớt như vậy?”
Trút hết giận dữ, anh trở về nhà, tối hôm đó, trong cơn mơ, anh ta thấy có vị Thần hộ Pháp đến trách mắng nên bèn kêu oan: “Con đã thành tâm thành ý mang lễ đến cầu xin rồi mà.”
Bấy giờ đột nhiên anh ta trông thấy hồn người ăn mày năm đó hiện ra, rên rỉ: “Tôi cầu xin ngài bố thí cho tôi một chút lễ, vậy mà ngài cũng không nỡ lòng. Ngay cả một chút tâm này ngài cũng không có thì vì sao Thần linh phải giúp đỡ ngài?”
Nói xong người ăn mày lại rầu rĩ: “Nhưng mà Thần Phật cũng thật nhẫn tâm, các ngài để con chết đói mà không ban cho con chút đồ ăn…”
Chưa dứt câu, hồn của một con chó nhỏ cũng hiện ra và nói: “Ta chỉ cầu xin ngươi cho ta được ấm áp một chút, ngươi đâu có tổn hại gì? Vậy mà ngươi cũng không cho, thế thì vì sao thần linh lại phải phải thương xót ngươi?“
Nghe cả 3 nói xong, vị hộ Pháp mới ôn tồn nói: “Ngay cả khi có khả năng trợ giúp người khác mà các ngươi vẫn không làm, không muốn cho đi một chút. Vậy thì các ngươi có chỗ nào đáng để thần linh trợ giúp đây?”
Có đôi khi con người thật hẹp hòi, ngay cả một cái mỉm cười khích lệ, một câu an ủi cũng không nguyện ý cho đi. Đó là bởi vì trong đầu những người này luôn tính toán thiệt hơn: “Làm việc này có mang lại lợi ích gì cho bản thân mình không? Có thể đạt được thành quả gì không?” hay “Làm việc này có giải quyết được gì đâu?”
Trong xã hội ngày nay thì vấn đề này càng nổi cộm, sự ích kỷ, thờ ơ đã lên đến đỉnh điểm. Những vụ tranh giành, chiếm đoạt chỉ vì lợi ích tràn ngập khắp nơi, mưu tính hại nhau không từ thủ đoạn.
Phật gia giảng nghiệp lực luân báo. Khi nghiệp lực của con người quá lớn sẽ tạo thành bệnh tật, khổ nạn để hoàn trả. Vậy nên khi dịch bệnh hay thiên tai ập đến, nhiều người cầu xin Thần Phật bảo hộ nhưng cũng vô ích, bởi tất cả đều có nguyên nhân chứ không phải vô duyên vô cớ. Nhưng cũng có không ít người thành tâm sám hối sửa sai, tích đức hành thiện, liền có thể biến nguy thành an, tai qua nạn khỏi.
Mỗi sinh mệnh trong vũ trụ này từ khi sinh ra đã mang trong mình trách nhiệm, ai càng đứng trên cao thì càng có trách nhiệm lớn. Các vị thần hiểu rõ và nắm giữ đạo lý của vũ trụ, cũng là những người duy trì chân lý đó.
Tương tự, làm người cũng có tiêu chuẩn làm người, chính là tuân theo những giá trị đạo đức được đúc kết từ xưa đến nay. Ấy là sự chân thật, lương thiện, bao dung với vạn vật, lý trí phân biệt đúng sai, thiện ác, cũng như bảo vệ chính nghĩa, không chấp nhận đồng lõa với cái ác. Được như vậy thì không cần cầu xin Thần Phật cũng sẽ tự đắc được phúc báo dài lâu.
TheoTri Thức VN