Bước vào năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị vây hãm tứ bề, nền kinh tế chính trị rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn, đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ cũng quyết liệt hơn. Có người thân cận bên Tập Cận Bình tiết lộ rằng, từ lâu ông Tập đã không còn hùng tâm tráng chí như mấy năm trước.
Gần đây, tờ báo tiếng Trung “World Journal” ở Mỹ đưa tin, Trung Nam Hải tiết lộ một bí mật lớn rằng, Tập Cận Bình hiện đang gặp khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, nguyên nhân là do đội ngũ cầm quyền yếu kém và không biết nhìn xa trông rộng, chỉ có một nhóm nhân viên tầm thường chuyên xu nịnh ở vây quanh ông. Những quan chức có năng lực thực sự thì lại chán nản, làm việc qua loa cho có. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vấn đề nội bộ và ngoại giao của ĐCSTQ mờ nhạt.
Có tin tức cho rằng, do thiếu một đội ngũ và người kế thừa mạnh mẽ, ngay cả khi Tập Cận Bình có ý định rút lui, chỉ cần ông mở lời từ chức sẽ dẫn đến cục diện ngoài tầm kiểm soát, e rằng tính mạng của Tập Cận Bình và người thân sẽ khó bảo toàn, vì vậy Tập Cận Bình chỉ có thể “lại cố gắng gượng thêm một lần”, nhưng rõ ràng là lực bất tòng tâm.
Tập Cận Bình đã không còn hùng tâm tráng chí như mấy năm trước
Châu Hiểu Huy, bình luận viên của Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) phân tích rằng, có lẽ truyền thông Hoa Kỳ thân Cộng đưa tin như trên là sự thật, nhưng mục đích là làm gia tăng hỗn loạn, muốn cho ngoại giới biết rằng đấu đá nội bộ của ĐCSTQ chưa kết thúc, và báo hiệu quan chức cấp cao ĐCSTQ đang gặp khó khăn.
Thật vậy, trong hai năm qua, bất luận là sự tâng bốc mà truyền thông ĐCSTQ dành cho Tập Cận Bình gây phản cảm cả trong và ngoài nước, hay tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cùng với nhận định sai lầm và ủng hộ mù quáng đối với vấn đề Hồng Kông, sự lo lắng e ngại của ĐCSTQ đối với liên minh chống Cộng phương Tây, v.v., đều có thể thấy rằng, Tập Cận Bình ngày càng thiếu tự tin, ngày càng lực bất tòng tâm.
Trong năm 2019 vừa qua, những tin tức bất lợi không ngừng diễn ra, bao gồm đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, tài liệu Tân Cương được phơi bày, vấn đề gián điệp ĐCSTQ quy hàng Úc tiếp tục nóng lên, dịch bệnh tả lợn và nền kinh tế phát triển chậm. Sự bất bình của người dân trong nước tích lũy trong nhiều năm đã lan rộng đến tất cả các tầng lớp xã hội và đã bắt đầu bùng nổ, v.v.
Khủng hoảng trước đó vẫn chưa được giải quyết. Bước vào năm 2020, ĐCSTQ rơi vào khủng hoảng sâu sắc hơn. Vào ngày đầu tiên của năm mới, Hồng Kông tái hiện cảnh tượng ngoạn mục của hàng triệu người bước xuống đường biểu tình. Ngoài ra, nền kinh tế tiếp tục suy giảm, tình trạng thất nghiệp quy mô lớn là hiển nhiên, nhiều dịch bệnh liên tiếp bùng phát như dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được giải quyết, bệnh dịch Bắc Kinh, bệnh viêm phổi Vũ Hán, bệnh Brucella Lan Châu và bệnh lở mồm long móng Tân Cương.
Bình luận viên Vị Phổ phân tích trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, năm 2019 là năm Tập Cận Bình và ĐCSTQ lo lắng nhất về nhân quyền, năm 2020 tình hình càng không mấy lạc quan.
Mặc dù ĐCSTQ đã vượt qua giới hạn 70 năm mà không có bất ngờ nào, nhưng con “thiên nga đen” của cuộc khủng hoảng Hồng Kông đã bất ngờ đến và tới nay vẫn chưa rời đi. Các tài liệu liên quan của “trại cải tạo” Tân Cương đã được tiết lộ trước thế giới, chứng minh sự xấu xa của chế độ cầm quyền này và bị các nền dân chủ phương Tây đồng loạt lên án.
Tập Cận Bình cho rằng, Trump chỉ tập trung vào cán cân thương mại, nhưng không ngờ đội ngũ của ông và Quốc hội Hoa Kỳ liên tiếp phóng những quả bom nặng ký nhằm vào “lợi ích cốt lõi” của ĐCSTQ như Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan, khiến ĐCSTQ không kịp “tiếp chiêu” và khó lòng đối phó.
Theo bài viết, năm nay là năm bất lực nhất của Tập Cận Bình đối với sự suy thoái của nền kinh tế trong nước, cũng là năm chế độ cầm quyền ĐCSTQ có nhiều kẻ thù trong thế giới tự do nhất. Năm nay cũng là năm Tập Cận Bình và Hoa Kỳ giao lưu thường xuyên nhất, cũng là năm Tập Cận Bình phải do dự nhất trong việc thỏa hiệp hay không thỏa hiệp với Mỹ.
Tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ trong năm nay đã làm tăng thêm sự cảnh giác ở các nước phương Tây. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo công khai tuyên bố rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ và các nước đồng minh là “mối đe dọa lâu dài từ ĐCSTQ”.
Châu Hiểu Huy nói rằng, điều khủng khiếp hơn nữa là ngày càng nhiều quan chức Trung Quốc không còn nghi ngờ về việc ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Tâm lý chung của họ không chỉ thể hiện ở sự thờ ơ thụ động, mà còn trong việc chuyển tài sản gia đình ra nước ngoài, tùy thời chạy trốn, v.v. Rất ít người thực sự sẵn sàng duy trì chế độ ĐCSTQ.
Đằng sau điều này không chỉ là vấn đề của chính ông Tập Cận Bình, người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, mà còn liên quan đến các quan chức và nhân viên bình thường xung quanh ông. Những quan chức cấp cao có năng lực thực sự từ lâu đã bị loại trừ do sự xuống cấp của chế độ chính trị ĐCSTQ, hoặc do sự tập trung quyền lực của Đảng vào ông Tập, và do những chính sách sai lầm trước đây, tất cả đều là làm việc không đến nơi đến chốn.
Tạ Tuyển Tuấn, bình luận viên về các vấn đề thời sự Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng phân tích trên RFA rằng, trên thực tế, hầu hết các đảng viên và cán bộ ĐCSTQ hiện đang ở trong trạng thái thờ ơ. Mọi người đều đang để mặc cho Tập Cận Bình tự xoay sở.
Tờ “Vision Times” nói rằng, từ xưa đến nay, cả trong và ngoài nước, đối với những chính quyền thất bại, những nhà lãnh đạo có thể phải đối mặt với lao tù hoặc thậm chí là những biện pháp trừng phạt rất kinh khủng.
Bài viết cho rằng, nếu Tập Cận Bình vẫn còn một chút tỉnh táo và quay đầu lại, suy nghĩ đến quyền lợi của nhân dân và từ bỏ lý thuyết của ĐCSTQ, chế độ vẫn có thể chuyển đổi ổn định, chẳng những có thể bảo toàn tính mạng, mà còn có thể thuận theo thời thế thiết lập liên bang Trung Hoa một cách thực sự. Tuy nhiên, khả năng này là rất nhỏ.
Minh Huy (Theo NTDTV)