VOV.VN – Chuyên gia Pháp nhận định, Trung Quốc tự ý mở rộng và hy vọng xác lập chủ quyền không chỉ ở biển cả mà còn có nguy cơ ở trên đất liền trong thời gian ngắn.
Tờ Atlantico ngày 29/5 có đăng cuộc trao đổi của báo giới với 2 chuyên gia về Biển Đông là bà Valérie Niquet, Giám đốc trung tâm châu Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI) và ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS). VOV.VN giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn. Phóng viên Atlantico: Xây các hải cảng, các đường băng hay các cơ sở hạ tầng khác cho thấy chiến lược lấn chiếm của Trung Quốc đang tiếp diễn tại các vùng biển quốc tế. Theo ông/bà, điều này có từ bao giờ? Chiến lược lấn chiếm ấy được hình thành như thế nào?
Bà Valérie Niquet: Từ những năm 1970, Trung Quốc đã nêu lên những yêu sách tại khu vực, và nhất là khi Việt Nam đang suy yếu do có chiến tranh. Trong những năm 1980, Trung Quốc xâm chiếm quần đảo đầu tiên là Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của năng lực hải quân, vốn rất hạn chế, Trung Quốc đã mở rộng các vị trí đứng chân tại Biển Đông khi có cơ hội bằng việc chiếm một số đảo nhỏ hoặc của Việt Nam, hoặc của Philippines. Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã lựa chọn một chiến lược mới. Để củng cố sự hiện diện của mình, họ đã tăng cường các hoạt động xây dựng trên các bãi đá. Mục tiêu theo đuổi rất đa dạng: gấp rút ghi dấu địa phận; tăng cường những yêu sách tại Biển Đông; và trao cho lực lượng hải giám và tầu đánh cá Trung Quốc những địa điểm tiếp nối sự hiện diện của Trung Quốc nhằm áp đặt vị thế của họ trong khu vực. Ông Jean-Vincent Brisset: Hiện nhiều điều đang lẫn lộn, trong đó một số điều từ lâu đã được nhận biết. Về việc mà Trung Quốc cho là thuộc quyền của họ, đó là việc họ tự ý mở rộng và hy vọng xác lập chủ quyền, với toan tính lâu dài. Hiện tại, ý chí ấy thể hiện ở biển cả, nhưng có nguy cơ trở thành ý chí trên đất liền trong thời gian ngắn, bởi Trung Quốc vẫn duy trì những yêu sách lãnh thổ xưa cũ với đa số các nước láng giềng. Yếu tố thứ hai là khó khăn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp trong vấn đề quản lý. Để khẳng định quyền lực, ông Tập Cận Bình đang sử dụng những kỹ thuật cũ, hòa trộn giữa chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh chống tham nhũng và lên án kẻ thù Nhật Bản. Đó là những phương thức luôn được áp dụng trong lịch sử Trung Quốc. Cuối cùng, nếu như quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội 2008 và Triển lãm toàn cầu 2010 buộc Trung Quốc phải giữ gìn, thì giờ đây họ không bị vướng bận vào một sinh hoạt quốc tế lớn nào để kiềm chế công cuộc bành trướng. Điểm quan trọng cuối cùng là sự phục hồi niềm kiêu hãnh Trung Hoa trong dân chúng. Phóng viên Atlantico: Người Mỹ bực bội về chiến lược này của Trung Quốc, vậy họ có những hành động đáp trả nào? Phản ứng của các nước láng giềng khu vực ra sao?
Bà Valérie Niquet: Hành động đáp trả đầu tiên là về ngoại giao. Từ nhiều năm nay, các nước ASEAN ven bờ Biển Đông đề nghị Trung Quốc ký một bộ luật ứng xử, sẽ giải quyết những yêu sách của nước này, nước kia. Trung Quốc thường xuyên hứa hẹn bàn thảo về bộ luật ứng xử này, nhưng tới nay chưa bao giờ thực hiện. Bộ luật này có mục tiêu hạn chế những căng thẳng, ví như bằng cách cấm xây dựng những đường băng mới trên một số hòn đảo hay cấm sử dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp khu vực. Các nước trong khu vực, vốn có tư tưởng không can thiệp và thận trọng, giờ đây đang cần tới những cường quốc ngoài khu vực, có sức mạnh quân sự có thể kiểm soát những toan tính của Trung Quốc. Mỹ là nước hàng đầu, với chiến lược “chuyển trục”, một hình thức đáp lại nỗi lo ngại của các nước trong khu vực. Gần đây nhất, Trung Quốc đã ra nhiều tuyên bố, nhắc lại rằng họ phản đối mọi sự xâm phạm vào vùng nước xung quanh các hòn đảo của họ. Người Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chiến lược này và tiếp tục đi qua các khu vực mà Trung Quốc coi là của họ mà không có cơ sở hợp pháp, để chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy rằng chiến lược khiêu khích của họ không mang lại kết quả tích cực. Trung Quốc gia tăng các điểm lấn chiếm với “chiến lược xúc xích”, phân thành từng đoạn, từng chút một, nhân rộng số điểm lấn ra khu vực. Nhưng nếu phải đối mặt trực diện, hải quân Trung Quốc không có khả năng đương đầu với hải quân Mỹ hay Nhật Bản. Trung Quốc chỉ lấn tới khi họ không gặp bất cứ sự kháng cự nào phía trước. Phóng viên Atlantico: Sự bành trướng này của Trung Quốc sẽ đi tới đâu? Phải chăng thế cân bằng hiện nay giữa hai nước mạnh nhất thế giới có thể bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng mới này?
Bà Valérie Niquet: Trước hết, cần nhớ rằng các cường quốc không cân bằng nhau. Cường quốc Trung Quốc còn rất lâu mới sánh được với cường quốc Mỹ, trong đó bao hàm cả mặt quân sự, cho dù Trung quốc có nhiều tiến bộ trên lĩnh vực này. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc tiến lên trong khi tránh một sự can thiệp của Mỹ. Giờ đây, ngoài việc “chuyển trục”, Mỹ còn muốn phát đi những tín hiệu mạnh tới Trung Quốc để họ chấm dứt chiến lược này. Sự bành trướng của Trung Quốc khó có thể vượt ra ngoài Biển Đông. Sự bành trướng ấy đã là một bước tiến đáng kể so với những thập kỷ trước đây, khi mà Trung Quốc tập trung vào nội địa nhiều hơn. Nếu để Trung Quốc phát triển các khả năng quân sự và chiến lược này mà không có phản ứng, họ sẽ có tham vọng đi xa hơn và đẩy sự hiện diện của Mỹ ra khỏi các đường ranh giới ở Tây Thái Bình Dương và khu vực Viễn Đông. Đó là điều Chủ tịch Trung Quốc ngầm thể hiện khi nói rằng Thái Bình Dương đủ rộng cho hai cường quốc, với ý tưởng phân chia thế giới giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Jean-Vincent Brisset: Quần đảo Trường Sa nằm giữa Việt Nam, Philippines và Malaisia, vậy là rất xa xuống phía nam. Một số yêu sách cách đây 20 năm thậm chí còn gắn cả các đảo Natuna do Indonesia chiếm giữ vào, nghĩa là còn xa hơn nữa xuống phía nam. Trung Quốc biện hộ cho tham vọng bành trướng bằng những “ký ức lịch sử” rất mơ hồ. Và mỗi khi Trung Quốc có cơ hội tiến xa hơn, họ lại đem chúng ra. Cũng cần thấy rằng có một sự thỏa hiệp quốc gia ngầm cho một sự thống trị khu vực của Trung Quốc, Đế chế ở Trung tâm đang được phục hồi trong vinh quang và được bao quanh bởi các chư hầu. Tuy nhiên, việc trở thành một cường quốc thống trị thế giới hẳn không phải là điều mọi người dân Trung Quốc mơ ước. Về thế cân bằng, 40% các tuyến đường biển thương mại đi qua Biển Đông. Một bộ phận của thương mại thế giới phụ thuộc vào sự ổn định của khu vực này. Một cuộc xung đột trong khu vực trước hết tác động trực tiếp vào thương mại quốc tế và tới nguồn cung cấp cho nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc đang ở vị trí gần như độc quyền. Nhưng lâu dài hơn, nó cũng dẫn tới sự cô lập của một nước từ nay không thể đi ngược lại với sự hội nhập quốc tế./. |
Theo VOV Online