BizLIVE – Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia song đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này, báo cáo của VCCI cho biết.
Khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác. Nguồn VCCI Trong báo cáo PCI được đưa ra vào sáng 16/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI cho biết đã thực hiện cuộc khảo sát thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất theo số liệu của Tổng Cục Thống kê. VCCI cho biết, tương tự như điều tra với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI được lựa chọn từ danh sách doanh nghiệp đang đóng thuế của Tổng cục Thuế.
Hạ tầng ngang Lào, Campuchia Kết quả cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Bản báo cáo đánh giá, những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013 cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010 mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines… Báo cáo cũng cho biết, trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác trong khi có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia. Đặc biệt, theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn về tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công như giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích và chất lượng của cơ sở hạ tầng. “Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia song đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này”, nội dung của báo cáo nêu rõ. Đánh giá về những tiêu chí trên, VCCI cho biết, kết quả trên tương đối nhất quán với kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cấu 2014-2015 (GCI) được công bố mới đây. Theo chỉ số này Việt Nam đứng ở thứ hạng 92/144 nước về trục Thể chế, đứng thứ 75 về tham nhũng và 101 về gánh nặng hành chính, 91 về cơ sở hạ tầng và 96 về giáo dục đào tạo. Điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam trong tương quan với quốc gia cạnh tranh trong năm 2013-2014
Trong khi trên các khía cạnh trên Thái Lan và Malaysia có vẻ vượt trội trong các quốc gia cạnh tranh của Việt Nam mặc dù các dữ liệu này cũng chỉ mang tính minh họa. Cả 2 nền kinh tế này đều có tiềm năng lớn hơn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và giá trị gia tăng cao, vốn là các ngành mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam luôn muốn thu hút. Gánh nặng thuế nhẹ hơn Trung Quốc, Philippines Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, một số chỉ tiêu Việt Nam được đánh giá ở mức cao hơn và có sự cải thiện. Cụ thể, về rủi ro bị thu hồi tài sản, nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu đầu tư tại Việt Nam so với các nước khác, 76,4% cho rằng tại Việt Nam họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn so với Trung Quốc, và 72% doanh nghiệp xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan. “Điều này phần nào phản ánh quan ngại của doanh nghiệp về rủi ro bất ổn chính trị tại nước này. Những con số này cho thấy sự nhất quán đáng kể giữ năm 2013 và 2014”, báo cáo cho biết. Về mức độ ảnh hưởng chính sách, doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh đặc biệt tại 2 nước Campuchia, Lào. Điểm số này nhiều khả năng ảnh phản ánh hoạt động mạnh mẽ của các nhóm những nhà đầu tư vận động cải thiện môi trường kinh doanh và sự sẵn có của nhiều diễn đàn mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối thoại trực tiếp với chính quyền cấp cao của Việt Nam. Sự bất ổn chính sách có cải thiện so với năm 2013, FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh. Các kết quả này rất quan trọng bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu và rủi ro đầu tư lớn hơn. Năm ngoái, Việt Nam vượt trội so với một số quốc gia cạnh tranh về mức thuế, năm nay tiêu chí này còn tốt hơn nữa. Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng gánh nặng thuế suất của Việt Nam đã nhẹ hơn so với Trung Quốc và Philippines. NGUYỄN THẢO Tin liên quan Thêm 11 dự án quy mô 5.064 tỷ đồng “đổ bộ” vào Phú Quốc Thu hút vốn FDI: Cần bao nhiêu cho đủ? Nhiều dự án FDI lớn đang tăng vốn
Cùng dòng sự kiện
|
Theo BizLive