Thời gian gần đây, thông tin ông Giang Trạch Dân bị liệt và có thể qua đời bất cứ lúc nào đang lan truyền rộng rãi trên mạng internet tiếng Trung. Ông La Vũ, con trai của cố Đại tướng La Thụy Khanh, đã đưa ra nhận định về tình hình trước mắt của Trung Quốc.
Ngày 8/5 vừa qua xuất hiện thông tin ông Giang Trạch Dân đã qua đời tại bệnh viện Hoa Sơn, Thượng Hải trên mạng internet. Thông tin cho biết thêm, các khu vực lân cận bệnh viện đều bị giới nghiêm, giao thông tại các ngả đường trong khu vực cũng bị quản chế nghiêm ngặt, trong ngoài bệnh viện đều bị giám sát, xuất hiện nhiều người mặc trang phục công an, không ít phóng viên trong và ngoài nước ngồi chờ ngoài bệnh viện.
Tất cả thông tin liên quan trên các diễn đàn và blog đều bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, chưa đến 48 giờ sau đó, truyền thông chính phủ Trung Quốc đăng tải hình ảnh ông Giang “xuất hiện” tại một trường trung học ở Thượng Hải.
Ông La Vũ, con trai của cố Đại tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) La Thụy Khanh mới đây chia sẻ rằng: “Ông ấy chắc là chưa chết, bởi vì về tình trạng bệnh thì chính quyền có thể không thông báo nhưng nếu chết thì chính quyền không thể không thông báo”.
Ông La Vũ nói thêm rằng, năm đó, khi ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình qua đời thì chính quyền thông báo thông tin không quá nửa ngày hoặc 24 giờ sau đó. Ông La Vũ cũng cho rằng, ông Giang đã hơn 90 tuổi rồi, có thể chết bất kỳ lúc nào, khó có thể kéo dài hơn được nữa.
Về việc thông tin ông Giang vội vàng “xuất hiện”, ông La Vũ nhận định, tin tức này bất quá cũng chỉ muốn chứng minh ông Giang chưa chết mà thôi, không phải chuyện gì lớn lắm.
Mấy năm qua, thông tin về việc ông Giang Trạch Dân qua đời đã xuất hiện nhiều lần. Ngoài một lần chính quyền đứng ra làm sáng tỏ, thì những lần khác đều là dùng cách “lộ diện”, “lộ danh”, xuất hiện trên truyền thông để gián tiếp chứng minh thông tin. Vì sao thông tin tình trạng của ông Giang lại mẫn cảm và luôn có một thế lực phối hợp với ông Giang để làm sáng tỏ những thông tin này?
Ông La Vũ nói, hiện tại, trong toàn thể ĐCSTQ còn có một bộ phận thế lực: “Những người này không muốn ông Giang chết vào thời điểm này”. Ông La Vũ nhận định rằng, thực ra việc ông Giang chết hay không cũng không có ảnh hưởng lớn đến cục diện chính trị của ĐCSTQ. Ông nói: “Ông ấy chết thì cũng thế mà không chết thì cũng thế”.
Chủ tịch Tập Cận Bình không quan tâm đến sự sống chết của ông Giang, ai mới là người quan tâm nhất?
Ông La Vũ cho rằng, đối với Chủ tịch Tập Cận Bình mà nói, ông ấy cũng không quan tâm đến việc sống chết của ông Giang. Vậy ai mới là người quan tâm nhất đến sự sống chết của ông Giang? Đó chính là “Đảo Tập liên minh” (Liên minh những người muốn lật đổ Chủ tịch Tập).
Ông La Vũ gọi chung tất cả những người tham nhũng trong chính quyền là “Đảo Tập liên minh”. Ông nói: “Bởi vì Chủ tịch Tập muốn chống tham ô, tham nhũng mà họ lại không tán thành việc này. Cho nên, từ trong tâm mà nói, họ chính là những người muốn chống lại, lật đổ Chủ tịch Tập. Từ đó có thể thấy, ‘Đảo Tập liên minh’ thực tế có tồn tại”.
Vậy rốt cuộc ai là người đứng trong bóng tối, vội vàng muốn làm rõ thông tin ông Giang chưa chết? Ai là người quan tâm nhất đến sự sống chết của ông Giang? Ông La Vũ nhấn mạnh rằng: “Vẫn là những người thuộc Đảo Tập liên minh”. Ông La Vũ còn nói: “Đảo Tập liên minh ở đâu cũng có, cho nên, mỗi một thông tin dù lớn hay nhỏ mà Tân Hoa xã đưa thì ông Tập cũng không xen vào”.
Về việc muốn làm sáng tỏ thông tin ông Giang chưa chết, có người bình luận rằng: “Đó là vì muốn ông Giang còn có sức ảnh hưởng đối với việc xây dựng bố cục nhân sự trong Đại hội 19 ĐCSTQ”.
Ông La Vũ cho rằng, chính những người thuộc “Đảo Tập liên minh” là có ý tưởng này nhưng trên thực tế là không có tác dụng gì. Bởi vì theo dự đoán thì ông Tập đã khống chế toàn bộ đại cục rồi, chỉ có trung cục và tiểu cục là chưa hoàn toàn khống chế mà thôi. “Đảo Tập liên minh” đưa thông tin này ra chẳng qua chỉ là để cổ vũ tình thần cho mình mà thôi.
Có phân tích cho rằng, thuận theo Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đang đến gần, bất cứ một biến động nhỏ nào liên quan đến giới chức cấp cao đều sẽ dấy lên sự quan tâm theo dõi từ bên ngoài. Xét đến tình trạng tuổi tác, sức khỏe và đường hướng chính trị của Trung Quốc, thời đại của ông Giang Trạch Dân chấm hết là điều đã quá rõ ràng.
Ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền lãnh đạo sau sự kiện những cuộc phản kháng trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thay thế Triệu Tử Dương, người bị thanh trừng vì quá khoan dung với những người phản kháng, với chức vụ Tổng bí thư. Với ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Đặng Tiểu Bình vì tuổi tác, Giang Trạch Dân đã thực sự trở thành “lãnh đạo tối cao” trong thập niên 1990.
Thế nhưng trong suốt 15 năm cầm quyền, ông Giang Trạch Dân đã phát động nhiều cuộc trấn áp, thanh trừng và gây nên cái chết cho hàng triệu người. Lịch sử đầy tội ác của ông Giang chính là lý do khiến ông này đặc biệt được giới quan sát để mắt đến. Năm 2014, một tòa án Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Giang vì những vi phạm nhân quyền của ông này đối với người Tây Tạng.
Hồ sơ tai tiếng của ông Giang Trạch Dân không chỉ có vậy. Hiện ông Giang đang đối mặt với làn sóng khiếu kiện trong và ngoài nước về cuộc đàn áp đẫm máu mà ông phát động nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, môn tu luyện theo Chân – Thiện – Nhẫn được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Hiện ông Giang đối mặt với nguy cơ bị buộc tội diệt chủng đối với Pháp Luân Công khi gây dựng bộ máy chuyên mổ cướp nội tạng của các học viên để phục vụ ngành ghép tạng siêu lợi nhuận.
TinhHoa tổng hợp