Tinh Hoa

Thái Lan mua tàu ngầm ông Trân: Việt Nam, tại sao không?

(Doanh nghiệp) – Cách làm du lịch của Việt Nam kiểu ăn xổi, không nghĩ tới sẽ làm du lịch cả đời nên không chỉ lãng phí tài nguyên biển mà còn nhiều thứ khác…

Malaysia thu lợi, Thái Lan vội vã đặt hàng tàu ngầm Việt

Theo ông Mỹ: “Tin này mừng cho ông Trân và không vui cho Việt Nam”.

Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

Bày tỏ sự cảm thông khi con tàu của ông Trân không có được sự đón nhận mặn mà ở trong nước mà thay vào đó là các hợp đồng đến từ nước ngoài, ông Mỹ dẫn thêm ví dụ để chứng minh còn nhiều cơ hội mà Việt Nam chưa thực sự nắm bắt dù trong tầm tay.

Theo ông Mỹ, cách đây 3 năm trong một chuyến đi đến Malaysia ông đã tham gia một tour rất đặc biệt.

Theo giới thiệu, khách du lịch sẽ được lên du thuyền đón bình minh, ăn BBQ, tắm sục nước muối.

“Tôi nghĩ cứ du thuyền to 5 sao mới có được dịch vụ đó nhưng khi lên thấy du thuyền nhỏ xíu, không có hồ bơi. Khi đó thì tôi nghĩ rằng không biết du khách được tắm ở đâu hay là bị lừa, trong khi họ bắt bỏ toàn bộ giày dép từ trên bờ.

Nhưng vào thực tế quan sát thấy thuyền họ chế tạo rất khác, có 2 càng phía dưới có lỗ hổng nên khi chạy sẽ có dòng nước nhỏ tạo thành thác và họ thả lưới xuống để du khách xuống tắm và như thế gọi là tắm sục trên du thuyền. Thực sự rất đơn giản nhưng khách được tắm, bơi rất dễ thương. Họ bảo đây là cái lạ nhất ở Đông Nam Á”, ông Mỹ kể lại.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lặn biển

Tuy nhiên ở đây điều đáng nói hơn là dịch vụ này họ đã từng muốn phát triển ở Việt Nam.

“Tôi đã tìm hiểu và họ cũng nói thật ban đầu muốn đầu tư ở Hạ Long của Việt Nam nhưng qua 3 tháng không xin được giấy phép. Họ nản và tìm tới Malaysia và chỉ đúng 1 tuần là xin được giấy phép. Tôi thấy đắng nghét cổ họng. Đáng ra hình thức này đã có thể có ở Việt Nam”, ông Mỹ tiếc nuối.

Vị doanh nhân trong ngành du lịch này cho rằng, hững câu chuyện tương tự như vậy không hiếm ở nước ta.

Dẫn thêm ví dụ, ông nói về trường hợp bạn ông là một Việt kiều ở Đức muốn làm hội thảo về du lịch bền vững ở Việt Nam mà xin tài trợ ở nước ngoài thì việc đầu tiên phải xin giấy phép để chuẩn bị tổ chức.

Vị này đã nhờ ông cung cấp một số điện thoại của những người phụ trách lĩnh vực này để kết nối công việc.

“Thế nhưng một tuần sau bạn tôi thông báo lại và nói rằng xin lỗi vì không thể hợp tác với đất nước này được. Lý do là vì khi hỏi thủ tục giấy phép đã có người hỏi sẽ được mấy nghìn đô trong khi chưa kêu gọi được tài trợ cho hội thảo. Quá nản người ta bỏ luôn ý định tổ chức”, ông Mỹ nói.

Theo vị chủ tịch công ty du lịch có nhiều năm thâm niên này thì chính quan điểm và cách làm gây khó dễ như vậy nên bao nhiêu người làm tàu lặn, máy bay… đều gặp khó khăn.

“Tất cả những gì được xem là mới, sáng tạo và độc đáo rất ít khi được chào đón và tạo cơ hội để phát triển, thậm chí còn cho là không bình thường, phá vỡ kết cấu hoặc chưa có quy định cụ thể…

Chính thủ tục nhiêu khê đã thui chột sự sáng tạo. Ở nước ngoài những trường hợp như ông Trân hay nhiều người khác chắc sẽ được cấp bằng sáng chế nhưng ở Việt Nam muốn chạy được thì qua đủ các khâu thủ tục mà còn khó khăn”, ông Mỹ bức xúc.

Theo Báo Đất Việt