Tinh Hoa

Tên gọi các loại tiền tệ trên thế giới có nguồn gốc từ đâu?

Bạn đã bao giờ tò mò thắc mắc tại sao đồng Đô la được gọi là…Đô la chưa? Dưới đây là giải thích nguồn gốc tên gọi của các loại đơn vị tiền tệ phổ biến nhất trên thế giới.

Dollar.

Đô La là tên gọi tiền tệ phổ biến nhất trên thế giới, được sử dụng tại Mỹ, Úc, Canada, Fiji, New Zealand, Singapore và nhiều nơi khác.

Theo từ điển Oxford, xuất phát từ cụm từ tiếng Đức “joachimsthal”, liên quan đến khu vực thung lũng Joachim, thuộc vương quốc Bohemia, nơi từng có mỏ khai thác bạc. Bạc khai thác từ mỏ này được đúc thành các đồng xu gọi là “joachimsthaler”, viết tắt là “thaler” và sau đó được gọi chệch đi là “Dollar”.

Đồng Peso tiền Tây Ban Nha.

Từ “Peso” có nghĩa đen trong tiếng Tây Ban Nha là “trọng lượng”, là đơn vị tiền tệ của Mexico.

Đồng Lia tiền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lia , tên gọi tiền tệ của Italia và Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ “libra” trong tiếng Latin, có nghĩa là “bảng” (đơn vị khối lượng).

Đồng Mark tiền của Đức

Đơn vị tiền tệ trước đây của Đức, đồng Mark, cũng như đồng Markka của Phần Lan đều đến từ tên của các đơn vị đo lường trọng lượng.

Đồng Rial.

Từ tiếng Latin “reagalis”, có nghĩa là “hoàng gia”, là nguồn gốc tên gọi đơn vị tiền tệ “Rial” được Oman và Iran sử dụng. Tương tự như vậy là các đơn vị tiền tệ “Riyal” của Qatar, Saudi Arabia, Yemen và cả đồng “Reals” của Tây Ban Nha trước khi vào Liên minh châu Âu.

Đồng Rand.

Giống như Đô la, đồng Rand của Nam Phi đến từ tên tiếng Hà Lan của thành phố Witwatersrand – khu vực có rất nhiều vàng.

Đồng Krone.

Rất nhiều quốc gia vùng Scandinavi sử dụng tên gọi đơn vị tiền tệ là biến thể của từ “corona”, có nghĩa là “vương miện” trong tiếng Latin, như đồng Krona của Thụy Điển, đồng Krone của Na Uy, đồng Krone Đan Mạch, đồng Króna của Iceland, đồng Kroon của Estonia (trước khi gia nhập EU) và cả đồng Koruna của Cộng hòa Séc.

Dinar.

Jordan, Algeria, Serbia và Kuwait là các quốc gia sử dụng đơn vị tiền tệ mang tên “Dinar”. Đây là tên gọi bắt nguồn từ chữ “Denarius” trong tiếng Latin, vốn là loại đồng bạc được sử dụng dưới thời La Mã cổ đại.

Rupee.

Xuất phát từ “rupya” trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là bạc được rèn. Rupee là đơn vị tiền tệ của Pakistan và Ấn Độ, và cả đồng Rupiah của Indonesia cũng có chung nguồn gốc tên gọi.

Pound.

Đồng Bảng Anh có xuất phát từ “poundus” trong tiếng Latin, có nghĩa là “cân nặng”. Đây cũng là tên gọi đơn vị tiền tệ của Ai Cập, Lebanon, Nam Sudan, Syria.

Rúp (Ruble).

Đơn vị tiền tệ của Nga và Belarus, là một đơn vị đo lường dùng để tính trọng lượng bạc.

Zloty.

Đơn vị tiền tệ của Ba Lan, đây là từ trong tiếng Ba Lan, có nghĩa là “vàng”.

Forint.

Đơn vị tiền tệ của Hungary, xuất phát từ “fiorino” trong tiếng Italia, là một loại đồng vàng từ thành Florence, Italia.

Ringgit.

Thời trước, khi đồng xu được làm từ các kim loại quý, những kẻ trộm cắp thường có thủ đoạn cạo một phần nhỏ kim loại từ mỗi đồng xu, tập hợp lại thành một lượng lớn để đúc các đồng xu mới. Để chống lại nạn này, nhiều quốc gia đã đúc các đồng xu hình tròn, có các cạnh “lởm chởm” sắc nhọn.

Từ “lởm chởm” trong tiếng Mã Lai là “ringgit” chính là đơn vị tiền tệ của Malaysia.

Đồng Yuan Trung Quốc.

Đồng Yuan Trung Quốc, Yên Nhật, won Hàn Quốc, Cả 3 loại đơn vị tiền tệ trên đều xuất phát từ ký tự “Viên” trong tiếng Hán, có nghĩa là tròn, chỉ hình tượng đồng tiền xu hình tròn thời xưa.

Theo vntinnhanh.vn