Một đại dương bao phủ Mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Nó được bao phủ bởi một lớp vỏ băng giá, nhưng tại nơi lớp vỏ đã bị nứt, chất lỏng bắn lên cao vào không gian.
Vào ngày 28 tháng 10, tàu vũ trụ Cassini sẽ lướt qua chất lỏng này và phân tích hỗn hợp hóa chất giúp các nhà khoa học hiểu về đại dương của mặt trăng ngoài hành tinh này.
Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu liệu vòi phun có đến từ miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển hay không. Trên Trái Đất, miệng phun thủy nhiệt hoạt động có rất nhiều, và các nhà khoa học thậm chí nghi ngờ rằng đây chính là nơi bắt đầu sự sống đầu tiên trên hành tinh của chúng ta. Nếu mặt trăng Enceladus của sao Thổ cũng có miệng phun thủy nhiệt hoạt động, nó sẽ cho thấy rằng mặt trăng băng giá này có thể hỗ trợ sự sống.
Tờ ResearchGate đã nói chuyện với Tiến sĩ Hunter Waite, trưởng nhóm nghiên cứu về thiết bị INMS – thiết bị đo khối phổ trung tính tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, Texas. Ông sẽ nói với chúng ta về sứ mệnh và về những gì ông hy vọng sẽ khám phá được.
ResearchGate: Bạn có thể giải thích về những gì sẽ xảy ra khi Cassini bay qua vòi phun vũ trụ của mặt trăng Enceladus?
Hunter Waite: Cassini sẽ bay qua một vòi phun có nhiều tuyết (các hạt băng có bán kính nhỏ hơn một micromet) với tốc độ hơn bảy km/s. Khí ga sẽ được trộn lẫn với tuyết rất mỏng nên sẽ không có ảnh hưởng gì lớn đến tàu vũ trụ. Khi Cassini quét qua hỗn hợp này, các thiết bị nhạy cảm trên tàu sẽ có thể phát hiện những thứ như băng và khí ga, hy vọng những thứ này sẽ tiết lộ thông tin mới về những gì xảy ra trong đại dương bên dưới.
Mô tả của một nghệ sĩ về hoạt động thủy nhiệt có thể xảy ra trên Mặt trăng Enceladus của sao Thổ. (NASA/JPL-Caltech)
RG: Điều gì đã tạo nên đám khói gây ngạc nhiên phun lên từ mặt trăng Enceladus? Làm thế nào họ phát hiện ra?
Waite: Đại dương phun chất lỏng qua các vết nứt nhỏ trong lớp băng đến không gian chân không, vật chất bị phun ra do sức ép áp lực. Chùm phun ra đầu tiên được phát hiện ra do băng và khí ga tác động lên môi trường plasma địa phương của từ quyển của sao Thổ. Những thay đổi trong từ trường do quá trình này gây ra được từ kế nhạy cảm trên tàu vũ trụ đo được khi nó nằm trong vùng lân cận của Mặt trăng Enceladus.
RG: Cassini chỉ bay 30 dặm phía trên bề mặt của mặt trăng. Liệu có bất kỳ thách thức đặc biệt nguy hiểm nào trong khi ở khoảng cách gần này?
Waite: Luôn có một số nguy hiểm trong môi trường mới, nhưng nhiều phép đo được thực hiện trong lần bay trước làm chúng tôi tin rằng Cassini sẽ ổn.
RG: Làm thế nào Cassini lấy mẫu và phân tích nước khi nó lướt qua bề mặt mặt trăng?
Waite: Cassini sẽ lấy mẫu nước, băng và dấu vết những chất trộn trong khí gas và băng bằng cách sử dụng những máy đo quang phổ khí gas và băng.
RG: Ông hy vọng những gì sẽ tìm thấy bằng cách bay lướt qua chùm phun này?
Waite: Chúng tôi đang tìm kiếm thông tin mới về các quá trình thủy nhiệt trong đại dương bên trong. Các phép đo phân tử hydro gần như sẽ đảm bảo với chúng tôi rằng các đại dương có miệng phun thủy nhiệt hoạt động, như ở các đại dương của Trái Đất (ví dụ như miệng phun thủy nhiệt Lost City ở Đại Tây Dương)
RG: Những phát hiện này sẽ cung cấp những bằng chứng thuyết phục nhất về sự sống?
Waite: Hoạt động thủy nhiệt sẽ cho thấy các điều kiện có thể dẫn tới sự sống tương tự như trong các đại dương của Trái Đất và có lẽ điều này cũng sẽ đúng với mặt trăng Enceladus. Tuy nhiên, chúng tôi cần tiến hành những sứ mệnh tương tự nhưng với nhiều dụng cụ cần thiết hơn để xác minh điều này.
Thanh Phong dịch từ Epoch Times