Tinh Hoa

Tàu Trung Quốc bị tố chĩa súng vào ngư dân Philippines

TP – Philippines vừa tố cáo lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc chĩa súng, lấy tài sản của ngư dân Philippines tại bãi cạn tranh chấp. Quân đội Philippines cũng tố cáo một tàu Trung Quốc gây hấn với máy bay tuần tra quân sự của Philippines trên khu vực biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Tàu hải cảnh Trung Quốc từng dùng vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: Philstar

Cục Nghề cá Philippines nói rằng, những người trên 3 con tàu mang biểu tượng lực lượng tuần duyên Trung Quốc hôm 11/4 xông lên 2 tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên biển Đông, lấy đi số hải sản mà họ đánh bắt được. Một ngư dân Philippines thậm chí còn “bị đe dọa và chĩa súng vào người trước khi lực lượng Trung Quốc lấy hải sản của họ”, báo Philippines Philstar dẫn báo cáo nội bộ của Cục Nghề cá Philippines. Các tay súng Trung Quốc cũng bị tố cáo đã phá hỏng công cụ đánh bắt của ngư dân Philippines.

Hai tàu cá thuộc nhóm 20 tàu của Philippines trong chuyến đi khai thác ở Scarborough/Hoàng Nham. Một tuần sau đó, 3 tàu tuần duyên Trung Quốc phụt vòi rồng vào một tàu cá Philippines, làm bị thương ít nhất 3 ngư dân và làm hỏng các cửa kính của tàu, theo một báo cáo khác của Cục Nghề cá. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng, chính phủ nước này sẽ phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao.

Ngày 24/4, hãng tin Mỹ AP dẫn lời Người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines, Trung tá Harold Cabunoc, nói rằng, các tàu Trung Quốc đã chiếu đèn ánh sáng mạnh vào máy bay của Hải quân Philippines gần một hòn đảo mà Philippines đang chiếm giữ. Ông Cabunoc nói rằng, các phi công Philippines đã bỏ qua hành động của phía Trung Quốc hôm Chủ nhật tuần trước để tránh leo thang thành đối đầu. “Đây là hành động hung hăng từ phía tàu Trung Quốc. Họ còn nói, các ông đang đi vào lãnh thổ Trung Quốc, hãy rời khỏi đây… Chúng tôi không muốn làm phức tạp tình hình để tuân thủ định hướng của chính phủ về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ”, ông Cabunoc nói.

Nhật Bản sẵn sàng đóng vai trò an ninh lớn hơn

Trong Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, dự kiến, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tìm ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ đàm phán bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc với Trung Quốc để quản lý hành động của nước này ở biển Đông. AP dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói rằng, việc cải tạo đất và bộ quy tắc ứng xử sẽ là “chủ đề quan trọng” của hội nghị
lần này.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được dự đoán gửi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ trong chuyến thăm Washington tuần tới, rằng Tokyo đã sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm bảo đảm an ninh thế giới. Đằng sau thông điệp này, ông Abe được cho là muốn một sự tái bảo đảm rằng, Mỹ sẽ có mặt nếu xảy ra bất kỳ xung đột nào với Trung Quốc. “Mỹ tất nhiên đã cam kết và quan tâm đến châu Á, nhưng chúng tôi muốn họ chú ý hơn đến châu Á, và tăng cường ảnh hưởng với Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Hajime Funada – Trưởng ban xét lại hiến pháp hòa bình thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Nhật Bản nhiều thập kỷ qua bị Mỹ chê trách là hưởng không từ chi tiêu quốc phòng của Mỹ và sử dụng tiền đó để phát triển kinh tế thay vì quốc phòng. Trong chuyến thăm Washington lần này, trước Quốc hội Mỹ, ông Abe dự kiến nhấn mạnh sự đổi thay của thời cuộc. “Một phần thông điệp là việc Nhật Bản sẽ đóng vai trò an ninh lớn hơn”, Reuters dẫn lời một quan chức Nhật Bản tham gia chuẩn bị cho chuyến thăm.

Bài phát biểu sẽ được đưa ra 1 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhân dịp hai nước sửa đổi hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật có từ năm 1997. Những sửa đổi này phản ánh sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản sau nhiều thập kỷ, như sẽ mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản khắp thế giới.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra từ ngày 26 đến 27/4 tại Malaysia. Ngoài Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị theo thông lệ, dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua 3 văn kiện, gồm Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu; Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa sự tự cường của ASEAN, của các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.

Theo Tiền Phong