Tinh Hoa

Tàu sân bay Mỹ sẽ đến thăm cảng Việt Nam trong năm 2018

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác an ninh biển Đông thời gian tới. Trong đó, nội dung đáng chú ý có việc tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2018.

Chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến cảng Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2018, Việt Nam đồng ý dành một lô đất tại Hà Nội để phía Mỹ thuê xây dựng trụ sở đại sứ quán mới, hai bên cùng cam kết mở cửa thị trường trở lại cho một số sản phẩm của hai nước…

Đó là những nội dung đáng chú ý trong tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam vừa được công bố sau cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội ngày 11 và 12/11.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được mời sang Mỹ từ khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. (Ảnh: Getty)

 

Thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương

Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung đối phó với các thách thức an ninh khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Chính phủ Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton, giúp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi pháp luật của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh kế hoạch về việc một tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018.

Hai bên khẳng định nhiều nội dung đã cam kết nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, các hoạt động gìn giữ hòa bình và khắc phục hậu quả chiến tranh. “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sớm thăm Việt Nam” – bản tuyên bố chung nêu rõ.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong sự kiện thăm nơi làm việc của Bác Hồ sáng 12/11. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tái khẳng định lập trường về biển Đông

Đối với vấn đề biển Đông, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Mỹ cùng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quyền được tiếp cận tự do và mở khu vực biển Đông đối với cộng đồng quốc tế, tầm quan trọng của việc duy trì thương mại hợp pháp không bị cản trở, và sự cần thiết phải tôn trọng tự do hàng hải – hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác.

Hai bên tái khẳng định lập trường về biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ và Mỹ – ASEAN trước đây, bao gồm việc kêu gọi các bên không có những hành động làm leo thang căng thẳng, quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và hạn chế một cách phi pháp các quyền tự do trên biển; tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Lãnh đạo hai nước kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp.

Theo Tuổi Trẻ