Các tàu cá Trung Quốc đang “cướp cá” trên vùng biển Tây Phi trong nhiều năm qua mà không bị trừng phạt, theo báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh châu Phi.
Ngày 6/5, tổ chức này đã công bố báo cáo với tiêu đề “Cướp trên vùng biển châu Phi: Bộ mặt che giấu của các tàu cá Trung Quốc và các công ty hợp doanh ở Senegal, Guinea-Bissau và Guinea”.
Báo cáo nêu rõ: “Trong năm 2013, chúng tôi đã nhận diện 462 tàu mang cờ Trung Quốc hoặc có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoạt động tại 13 quốc gia châu Phi, trong đó có 407 tàu hoạt động ở các bờ biển Đại Tây Dương”.
Theo ghi nhận của báo cáo, rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã ngang nhiên đánh bắt vượt sản lượng cho phép ở vùng biển Tây Phi mà không bị phạt.
Trước nay các tàu đánh bắt trộm thường hoạt động về đêm trong tình trạng tắt hết đèn. Trên thành tàu không có ký hiệu nhận biết lai lịch. Lần này các tàu đánh bắt trộm có chiêu mới là khai gian trọng tải tàu để có thể đánh bắt với số lượng nhiều hơn.
Báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh châu Phi nhận xét, Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc (công ty đánh bắt xa bờ lớn nhất Trung Quốc) vẫn thường xuyên khai gian trọng tải tàu cá trong hơn 30 năm qua.
Báo cáo này cho biết, Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc đã đưa 59 tàu đánh cá đến ba nước Senegal, Guinea-Bissau và Guinea trong năm 2014, trong đó có 12 tàu đánh bắt “vô tội vạ” trong vùng biển Senegal nhờ lập công ty liên doanh với người bản địa.
Riêng năm 2014, sản lượng khai gian tối thiểu của 44 tàu cá Trung Quốc đã tương đương sản lượng khai thác từ sáu tàu đánh bắt cá công nghiệp lớn, khoản tiền gian lận mà chính phủ Senegal bị thất thoát lên đến 566.000 euro.
Với chiêu trò móc nối và thành lập các công ty liên doanh với dân bản xứ đã giúp các tàu cá Trung Quốc đánh bắt tràn lan mà không bị trừng phạt. Các chính phủ châu Phi cũng không có các phương tiện hiệu quả giám soát các tàu cá tuân thủ pháp luật.
Không riêng gì Tây Phi, ở các quốc gia nằm rất xa Trung Quốc như Argentina và Palau đều phải liên tục đối phó với vấn nạn bị tàu nước này xâm nhập và đánh bắt trái phép.
Thep Pháp Luật