Coi nhận hối lộ là “yêu nước”, “chuẩn bị cho tuổi già”, “không nhận là bất thường”, một số quan tham Trung Quốc đã đưa ra những lời bao biện thật khó tin cho hành vi của mình.
Theo tin tức từ tờ Nhân dân Nhật Báo, một số quan chức Trung Quốc sau khi sa lưới “đả hổ, diệt ruồi” đã đưa ra những lời khai vô cùng “sáng tạo” đến khó tin.
Tính đến tháng 6/2015, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”, phát động tại Trung Quốc từ tháng 11/2012, đã khiến hơn 120.000 quan tham sa lưới, bao gồm những “con hổ lớn” như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch…Thu hồi 38,7 tỉ nhân dân tệ (6,32 tỉ USD).
1. Tham nhũng “vì quốc gia”
Theo Nhân Dân nhật báo, không ít người “mặt dày” đến mức khẳng định hành vi phạm tội của họ là nhằm “đóng góp cho quốc gia”. Chẳng hạn khi bị điều tra về cáo buộc biển thủ 5,6 triệu nhân dân tệ (hơn 900.000 USD), cựu Phó chủ tịch huyện Mông Âm (tỉnh Sơn Đông) Viên Phong Kiếm tuyên bố phần lớn số tiền nói trên không để chi xài xa hoa hay ăn chơi hủ hóa mà được cất giữ rất cẩn thận. Vì thế, Viên cho rằng về nguyên tắc, mình “đang tích trữ tiền cho quốc gia phòng khi hữu sự sẽ mang ra đóng góp”.
Các điều tra viên cũng rất sửng sốt trong buổi thẩm vấn Giáo sư Từ Tinh, trưởng dự án phát triển công nghệ thông tin của ĐH Công nghiệp Bắc Kinh – hiện đang thụ án 13 năm tù giam vì tội biển thủ 9 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu USD). Bà này khai đã dùng tiền phi pháp để cho con gái đi du học, “tuân theo chương trình bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia nên không thể bị xem là tham nhũng”.
“Yêu nước” không kém là cựu Phó trưởng ban Phát triển và cải cách quốc gia Lưu Thiết Nam. Trước mặt cảnh sát, ông Lưu ngậm ngùi nói mình nhận hối lộ lên tới 35,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,8 triệu USD) vì “lo lắng cho cuộc sống khi về già”. Theo ông này, “đời sống ngày càng khó khăn, tôi muốn chuẩn bị cho tương lai của mình để đến lúc già không trở thành gánh nặng cho xã hội và đất nước”. Lưu đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ vào tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, không ít quan tham cho rằng tham nhũng, nhận hối lộ là “không có gì bất thường, phù hợp quy tắc ứng xử trên quan trường”. Nhân Dân nhật báo dẫn lời cựu Phó thị trưởng thành phố Mi Sơn (tỉnh Tứ Xuyên) là Dư Trị Bình nói rằng: “Không nhận tiền, không chấm mút là rất bất bình thường, sẽ gây cản trở cho công việc và ảnh hưởng đến thăng quan tiến chức”. Tương tự, cựu Phó chủ tịch huyện Đồng Nam thuộc Trùng Khánh, Đàm Tân Sanh cũng ngụy biện rằng nhận tiền và quà cáp là một phần của công việc.
2. Tập luyện thẩm vấn với…vợ con
Bên cạnh đó, Tân Hoa xã ngày 8/8 dẫn lời các nhà điều tra chống tham nhũng cho biết quan tham ngày càng tinh vi và chuẩn bị sẵn các phương án che giấu tội trạng. Nhiều người bước vào phòng thẩm vấn một cách vô cùng tự tin và trả lời rất trơn tru.
Sau này, giới chức mới phát hiện nghi phạm nhờ họ hàng làm trong ngành tư pháp vạch sẵn các kịch bản thẩm vấn rồi thường xuyên diễn tập với vợ con. “Họ ngày càng nhuần nhuyễn các thủ đoạn như thông cung, làm giả chứng cứ hay ngụy trang cho tài sản phi pháp”, một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở tỉnh Giang Tây nhận định.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều quan tham chọn cách tự sát để trốn tội cũng như bảo toàn tài sản phi pháp cho gia đình. Tờ Want Daily loan tin trong năm 2014 có 39 quan chức tự kết liễu khi đang bị điều tra, tăng từ 7 người trong năm 2013.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Trung Quốc vừa quy định giới công tố và điều tra viên sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra trường hợp nghi phạm tham nhũng tự sát, theo AFP ngày 9/8.
Đúng là, trở thành một vị quan thanh liêm ở Trung Quốc không phải là một việc dễ. “Một khi đã nhận chức, thì họ trở thành một phần của hệ thống và rất khó giữ mình trong sạch. Những người không trong sạch sẽ gây áp lực cho những người muốn trong sạch, và xem những người này như một thành tố không được mong đợi trong hệ thống.