Ngay tại thời điểm đấu đá nội bộ ngày càng trở nên hung hiểm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tái xuất sau 20 ngày ẩn thân. Động thái sau đó của ông Tập là đến thăm “Đài tưởng niệm trận chiến Tứ Bình”, đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng một chiến dịch “biển người” thảm khốc sắp tái diễn…
Vào ngày 21/7, ông Tập Cận Bình đã tái xuất, nhưng ông Tập không đến khu vực phía Nam đang hứng chịu thảm họa lũ lụt, mà tham gia một diễn đàn dành cho các doanh nhân ở Bắc Kinh.
Vào ngày 22/7, Chủ tịch Trung Quốc đã đến Cát Lâm để khảo sát nông nghiệp và đặc biệt là đến thăm “Đài tưởng niệm trận chiến Tứ Bình” (Siping). Bởi vì trận chiến Tứ Bình là một trận nội chiến vô cùng thảm khốc giữa ĐCSTQ và Quốc dân Đảng, một số nhà phân tích tin rằng chính quyền Trung Quốc có thể muốn đưa ra một tín hiệu rằng, ĐCSTQ đang chuẩn bị “quyết chiến đến cùng” với các nền dân chủ phương Tây như Mỹ? Ngoài ra, chuyến khảo sát nông nghiệp của ông Tập cũng dẫn sự chú ý về cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã (ĐCSTQ), vào ngày 22/7, ông Tập đã đến tỉnh Cát Lâm để khảo sát. Vào buổi chiều, đầu tiên ông Tập đến thăm khu vực trung tâm sản xuất nguyên liệu thực phẩm xanh (ngô) và hợp tác xã máy móc nông nghiệp chuyên nghiệp Lô Vĩ tại huyện Lê Thụ, thành phố Tứ Bình để “tìm hiểu sản xuất lương thực, sử dụng đất đen, và các hoạt động quy mô hóa nông nghiệp quy mô lớn…” Sau đó, Chủ tịch Tập đến thăm “”Đài tưởng niệm trận chiến Tứ Bình””.
Tứ Bình nằm ở khu vực đồng bằng, và là một trung tâm quân sự tại Đông Bắc của Trung Quốc. Trong cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và ĐCSTQ, Tứ Bình trở thành căn cứ để ĐCSTQ chiếm lấy lãnh thổ Trung Quốc.
Trận chiến Tứ Bình, còn được gọi là “Tứ chiến Tứ Bình”, là 4 trận chiến quy mô lớn ở Tứ Bình trong cuộc nội chiến thứ hai giữa ĐCSTQ và Quốc dân Đảng. Từ tháng 3/1946 đến tháng 3/1948, ĐCSTQ và Quốc dân Đảng đã liên tiếp điều động hơn 400.000 quân vào thành phố này, nơi có tổng dân số chỉ là 100.000 người tại thời điểm đó. Hai bên đã chiến đấu liên tục trong thị trấn quân sự này và phát động 4 trận đánh lớn. Vào tháng 3/1948, sau trận chiến Tứ Bình thứ tư, ĐCSTQ cuối cùng đã chiếm được Tứ Bình.
Hai đội quân nhiều lần giành giật tại Tứ Bình, chiến trận vô cùng khốc liệt. Đặc biệt là “trận công kiên Tứ Bình” thứ 3 vào tháng 6/1947, mức độ tàn khốc chưa từng có trong lịch sử, và được các phóng viên nước ngoài gọi là “trận Madrid của phương Đông”.
Theo thống kê chính thức, trong trận chiến này, quân đội Quốc dân Đảng đã thiệt mạng hơn 60.000 người, quân đội ĐCSTQ thiệt mạng hơn 40.000 người. Tuy nhiên, số lượng thương vong dân sự bên phía ĐCSTQ là nhiều không kể xiết.
Lương Túc Nhung, Chánh án Tòa án Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, trong hồi ký đã nói về việc ĐCSTQ lấy người dân làm bia đỡ đạn như sau:
“Vào tháng 3 năm thứ 37 của Trung Hoa Dân Quốc, quân đội Đảng Cộng sản đã tấn công Tứ Bình ba lần và có 5 đợt tấn công. Lần này, quân đội Đảng Cộng sản đã phát động chiến thuật biển người, đem người dân thành lập đội ngũ, lần lượt tiến lên phía trước, đến mức xác chết của dân chúng chất cao như núi. Quân đội Quốc dân Đảng không thể tiếp tục chịu đựng điều đó, quân đội Đảng Cộng sản đã hành quân vào Tứ Bình trên xác của những thường dân. Có người nói rằng ngày Tứ Bình sụp đổ là vào 12/3, những người khác nói là vào 15/3. Tôi nhớ rõ ràng đó là ngày “Long sĩ đầu” (rồng ngẩng đầu) tức ngày 2/2 âm lịch. Tại sao quân đội Đảng Cộng sản lại phát động chiến thuật “biển người”? Lấy quê hương của tôi làm ví dụ, quê hương của tôi cách Tứ Bình 50 dặm. Khi Đảng Cộng sản đi đến khu vực này, điều đầu tiên họ làm là tổ chức một cuộc họp quần chúng để công khai xử tử địa chủ và dân lành, sau đó uy hiếp người dân: ‘Các người đã xử tử địa chủ và người dân của Quốc dân Đảng, các người sẽ bị giết khi Quốc dân Đảng trở lại trong tương lai'”.
Liên quan đến chuyến đi Tứ Bình thăm đài tưởng niệm cuộc nội chiến của ông Tập Cận Bình, tài khoản “Lãnh Sơn Thời” đã có đăng lên Twitter rằng: “Lụt lội ở vùng Đông Nam, Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao, [ông] Tập lại đến phía Đông Bắc để khảo sát, hơn nữa lại đến thăm quan chiến trường Tứ Bình đầy khốc liệt trong cuộc chiến giữa ĐCSTQ và Quốc dân Đảng, đây là sự chuẩn bị để chiến đấu với đế quốc Mỹ đến cùng sao?”.
Một cư dân mạng đã bình luận rằng: “Năm đó khi quân đội Nhật ở Đông Bắc, họ lại đi đến Tây Bắc để chiến đấu chống Nhật. Thật khó hiểu”. “Trong tư duy ma quỷ của ĐCSTQ, chính trị luôn được ưu tiên, và cuộc sống và lợi ích của người dân luôn là cuối cùng”.
Một số cư dân mạng cũng cho rằng, chuyến đi đến Cát Lâm lần này của ông Tập cho thấy hai vấn đề. Một là, lương thực đã trở thành vấn đề đáng quan ngại trong năm nay. Hai là, đây có thể sự chuẩn bị cho việc bùng nổ chiến tranh.
Một số nhà phân tích tin rằng chuyến khảo sát của Chủ tịch Tập tại các khu vực sản xuất ngũ cốc tại Đông Bắc cũng nhấn mạnh rằng, chính quyền đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực. Kể từ đầu năm nay, dịch bệnh toàn cầu đã gây khó khăn cho việc nhập khẩu thực phẩm, và lũ lụt gần đây đã ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất thực phẩm, nên tình trạng khan hiếm lương thực đã trở thành sự thật. Khủng hoảng lương thực sẽ đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của ĐCSTQ. Nếu liên tưởng đến việc [ông] Tập Cận Bình đề cập đến “nội tuần hoàn” (lưu thông nội bộ) trong cuộc họp kinh doanh được tổ chức tại Bắc Kinh mới đây, có thể là chính quyền có những chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất, phải “đóng cửa đất nước” một lần nữa và trở lại con đường cũ là “nền kinh tế kế hoạch hóa”. Đương nhiên là trong các thời kỳ khác nhau, thủ đoạn che đậy của chính quyền cũng sẽ khác nhau.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp nhân quyền ở trong nước, và tiến hành “ngoại giao chiến lang” đối với nước ngoài, đặc biệt là các chính sách tại Hồng Kông và Tân Cương, cùng với việc che giấu dịch Vũ Hán đã tiếp tục dấy lên những phản ứng dữ dội trên toàn cầu, chính phủ Mỹ theo đó đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp chống lại ĐCSTQ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và công nghệ. Hiện tại, quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục xấu đi, và liên minh quốc tế chống lại ĐCSTQ đang dần hình thành. Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ ngày càng leo thang, tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, và phải liên tục hứng chịu những thảm họa khốc liệt, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng.
Theo phân tích của các hãng truyền thông Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đang dần rơi vào “Khoảnh khắc Lehman” (sự sụp đổ của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ), khiến ĐCSTQ lâm vào tình trạng ‘khốn cảnh bên trong, bốn bề thọ địch’.
Trên Twitter, một số cư dân mạng chế giễu rằng, lý do chính mà Trung Quốc chủ trương “nội tuần hoàn” là tất cả các nền dân chủ phương Tây đang tẩy chay chính quyền ĐCSTQ, “không ai muốn hợp tác với chính quyền Đảng Cộng sản lưu manh” và ĐCSTQ cũng đang bất lực trước vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, thật khó để thực hiện “nội tuần hoàn” như ông Tập đề xuất. Thậm chí, một số cư dân mạng còn cho rằng “nhu cầu trong nước cần được mở rộng nhưng hoàn cảnh trong nước không tốt?”. “600 triệu dân trong nước nhận được 1.000 nhân dân tệ (tương đương 3,3 triệu đồng) mỗi tháng, “nội tuần hoàn” như thế nào được?”.
Lương Phong (Theo Secretchina)