Tập Cận Bình giống ai? Có không ít người so sánh ông với Mao Trạch Đông. Một học giả lịch sử Hoa Kỳ cho rằng, Tập Cận Bình không giống Mao Trạch Đông, mà trái lại ông rất giống Tưởng Giới Thạch.
Đài phát thanh VOA (Voice of America) của Mỹ ngày 25/5/2016 đã dẫn chứng quan điểm nêu trên của ông James Carter – Giáo sư lịch sử của trường Đại học Saint Joseph, Hoa Kỳ và ông Jeffrey Wasserstrom – Nhà sử học và Giáo sư của trường Đại học California.
Hai vị học giả đã phát biểu bài viết của mình trên trang tạp chí “Thời báo Los Angeles” vào ngày 24/5, “nếu muốn hiểu Tập Cận Bình, người lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây, thì tuyệt đối đừng so sánh ông với Mao trạch Đông, mà hãy tìm hiểu về Tưởng Giới Thạch”.
Bài viết nói rằng, Tập Cận Bình của năm 2016 rất giống với Tưởng Giới Thạch của năm 1946. Lúc đó, Trung Hoa Dân Quốc đã đánh bại quân Nhật, 1 trong 5 nước đồng minh đã xác định vị trí vững chắc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới được thành lập và dường như đang chuẩn bị khởi tác dụng quan trọng trong các sự vụ toàn cầu.
Bài viết tiến tới so sánh ông Tưởng với Tập Cận Bình của hiện tại. Tập Cận Bình cũng giống như Tưởng Giới Thạch, chuẩn bị chu toàn để tạo dựng tầm ảnh hưởng với thế giới và bóng tối nhiễu loạn trong nước suốt thời gian dài.
Những vấn đề hỗn loạn mà hai người phải đối mặt và giải quyết cũng rất tương đồng. Bài viết trích dẫn báo cáo “Bình luận Trung Quốc hàng tuần” kỳ 1 năm 1946, “gần đây, sự thối nát của các quan chức có thể thấy ở khắp nơi, tất cả đều không còn là tin đồn nữa”.
Nhìn lại Tập cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng trong suốt 3 năm nay, những gì đạt được đã quá rõ ràng. Thậm chí đã động đến Ban thường ủy Đảng cộng sản Trung Quốc, bắt giữ Chu Vĩnh Khang, thuộc hạ số một của Tổng bí thư Giang Trạch Dân, hai vị Phó Chủ tịch Quân ủy trong quân đội cũng đều đã ngã ngựa. Số lượng những “con hổ”, “con ruồi” lớn nhỏ bị thanh trừ là không đếm hết. Giới quan chức Trung Quốc có thể nói là đêm ngủ không yên, sợ nhất là gặp phải ông Vương Kỳ Sơn,Tổng thư ký Ban Kỷ luật Trung ương, người tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.
Bài viết còn cho biết, Tưởng Giới Thạch và Tập Cận Bình đều cho rằng hiện đại hóa của Trung Quốc có thể hòa hợp với tư tưởng của Nho gia. Điều này đối với Mao Trạch Đông năm 1966 là hoàn toàn không chấp nhận được, nhưng Tưởng Giới Thạch của năm 1946 lại cho rằng đây là chủ ý rất hay, thậm chí còn đưa ra kế sách cụ thể trong vấn đề này.
Tập Cận Bình từ sau khi nhậm chức đến nay đã không ngừng nhấn mạnh ý nghĩa của văn hóa truyền thống đặc biệt là tư tưởng Nho gia: “Quốc gia có tứ duy (tức 4 cơ sở chính yếu lập quốc của Trung quốc: lễ, nghĩa, liêm, sỉ), tứ duy không lớn mạnh, đất nước ắt sẽ diệt vong! Tứ duy hưng thịnh, đất nước sẽ phục hưng bền vững!”. Tập Cận Bình và Tưởng Giới Thạch cả hai đều chủ trương phục hưng tư tưởng Nho gia.
Ngày 4/5/2014, Tập Cận Bình thị sát Đại học Bắc Kinh, nơi dừng chân đầu tiên chính là Học viện Văn nhân của trường Đại học Bắc Kinh, đã cùng trò chuyện với Thang Nhất Giới, Hội trưởng Học hội Nghiên cứu về Khổng Tử, đàm luận chuyên sâu về tình huống của “Nho Tàng” (kho tàng nhà Nho). Nho tàng là nơi tập trung lượng bài viết nhiều nhất để giải thích ý nghĩa giá trị hiện thực trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Cùng năm đó, Tập Cận Bình khi diễn giảng ở Học viện Châu Âu, cũng xem trọng việc giới thiệu những lý niệm mà các nhà tư tưởng Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử đề xuất như hiếu đệ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, nhân giả ái nhân (người nhân đức yêu thương mọi người), dữ nhân vi thiện (thiện đãi mọi người), thiên nhân hợp nhất, Đạo Pháp tự nhiên, tự cường không ngừng…
Tập Cận Bình tôn trọng văn hóa truyền thống đồng thời tỏ ý sẽ kế thừa và phát huy nền văn hóa ấy. (Ảnh: Internet)
Năm 2013, Tập Cận Bình đặc biệt đến thăm Khúc Phụ để tế bái mộ Khổng Tử. Vào ngày nhà giáo năm 2014, ông Tập đã đặc biệt đến trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh công khai phản đối việc sách giáo khoa lược bỏ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ông nói, “lược bỏ đi kinh điển văn hóa truyền thống trong sách giáo khoa là điều đáng buồn thay”.
Bài viết của hai vị học giả người Hoa Kỳ cũng bày tỏ, đem so sánh hai người lãnh đạo Tập và Tưởng với nhau không có ý rằng đảng chính trị mà hai người lãnh đạo sẽ có vận mệnh tương đồng. Tuy nhiên họ nhấn mạnh, vì cuộc khủng hoảng toàn cầu trước mắt, việc Tập Cận Bình nỗ lực bảo trì hình tượng nhân vật mạnh mẽ nhằm duy trì sự ổn định của quốc gia trong thời điểm khó khăn là có lợi đối với ông.
Theo Banned Books