Thời nhà Thanh, có câu chuyện kể về một người vì muốn nhanh chóng theo đuổi chức tước, quan vị mà không từ thủ đoạn. Kết quả là, thân thể của ông ta xuất hiện thương tích, chính là do chịu cực hình dưới âm gian.
Câu chuyện xảy ra vào cuối thời kỳ Mãn Thanh. Cha của quan viên Trần Kỳ Nguyên nhậm chức ở Phúc Kiến, trong nha môn có một quan tuần bổ họ Lý, là người Giang Tô, Thường Châu. Người này rất có tài cán, hơn nữa tướng mạo đường hoàng, rõ là một bậc nhân tài. Tổng đốc Mân Chiết là A Lâm Bảo vô cùng coi trọng ông ta.
Một hôm có một thầy xem tướng từ kinh đô đến, là người quen cũ của Tổng đốc A Lâm Bảo, liền được tổng đốc thu xếp cho một chỗ ở bên ngoài, còn lệnh cho Lý tuần bổ giới thiệu ông ta với đám quan lại.
Dưới sự sắp xếp của Lý tuần bổ, rất nhiều người tìm đến thầy xem tướng nọ. Chưa đến hai tháng, thầy xem tướng đã thu được nghìn lượng bạc trắng, nên vô cùng biết ơn Lý tuần bổ.
Trước khi thầy tướng số trở về kinh đô, Lý tuần bổ cầu xin ông ta giúp một chuyện, mới nói: “Ông sắp đi rồi, tổng đốc chắc chắn sẽ hỏi ông rằng, tất cả các quan viên trong tỉnh, ai là người có mệnh phú quý nhất, xin ông hãy phán rằng: ‘Không ai sánh được với Lý tuần bổ’. Chỉ cần nói như vậy là đủ”. Thầy tướng số đã đồng ý.
Khi A Lâm Bảo hỏi, thầy tướng số làm theo lời dặn dò của Lý tuần bổ, bèn nói: “Ta quan sát những quan viên từ chức tuần phủ trở xuống, thì thấy Lý tuần bổ có mệnh phú quý nhất, sau này công danh của người này chắc cũng chẳng thua kém gì ngài”. Sau khi thầy tướng số đi, A Lâm Bảo càng trọng dụng Lý tuần bổ.
Một hôm, A Lâm Bảo gọi Lý tuần bổ đến quan thự nói: “Ta muốn đề bạt ngươi, nhưng chức quan của ngươi lại quá tầm thường. Bây giờ ta cho ngươi hai nghìn lượng, ngươi có thể mua chuộc quan thông phán. Sau khi ngươi được tuyển chọn, ta lại giúp ngươi nghĩ cách”. Lý tuần bổ liền mua chuộc quan thông phán, vào kinh thành đợi tuyển chọn quan chức.
Dưới sự tấu thỉnh của A Lâm Bảo, Lý tuần bổ phụng chỉ đến nhậm chức ở Phúc Kiến. Sau khi đến Phúc Kiến, đám quan lại đều biết ông ta là người của Tổng đốc. Quan lại vốn là những kẻ “theo đóm ăn tàn”, xu nịnh bợ đỡ nên nườm nượp kéo nhau đến biếu xén Lý tuần bổ.
Không lâu sau, Lý tuần bổ vì có công trong việc truy bắt đạo tặc, nên được thăng làm đồng tri, một chức quan ngũ phẩm, làm những công việc như: Phò tá tri phủ quản lý, truy bắt đạo tặc thổ phỉ, kiểm tra phòng hộ đê điều…
Cũng không lâu sau, A Lâm Bảo bị điều đi nơi khác, trước khi đi liền dâng mật tấu đề cử Lý tuần bổ làm thái thú. Rất nhanh chóng Lý tuần bổ được ủy nhiệm chức vị tri phủ Tuyền Châu. Cha của Trần Kỳ Nguyên lúc đó là đại sứ buôn bán muối ở Ngô Châu, Phúc Kiến, cũng chính là thuộc hạ của tri phủ Tuyền Châu.
Đến năm mới, ông Trần đến Lý phủ chúc tết. Hai người vốn là người quen cũ, mối quan hệ cũng khá tốt. Lúc đó, Hầu bổ thông phán Du Ích vì việc công nên cũng đến tri phủ. Ông ta và ông Trần cũng có quen biết nên cùng nhau thuê ở một quán trọ. Quán trọ cách quan thự không xa. Du Ích muốn đến bái kiến Lý tri phủ, thì được hẹn ngày hôm sau đến dự tiệc, còn bảo mời luôn cả ông Trần đến.
Hôm sau, Du Ích nghe tiếng pháo, tưởng rằng thái thú đến, bèn vội vàng sửa sang mũ áo lặng yên chờ đợi, nhưng chờ hồi lâu, vẫn không thấy tung tích thái thú đâu, thế là ông ta phái người đi nghe ngóng. Tên nô bộc nói rằng thái thú vừa ra khỏi cửa đã gặp ma, nên trở về quan thự không dám ra ngoài nữa. Đến ngày thứ hai vẫn không dám lộ diện.
Thêm một ngày nữa trôi qua, Du Ích đích thân đến quan phủ thăm nom. Lý thái thú mời ông ta vào trong phòng ngủ rồi nói: “Ta đang định ra ngoài gặp ngươi. Ngươi đến đúng lúc lắm, ta có hậu sự cần nhờ vả”. Du Ích hỏi rốt cuộc có chuyện gì?
Lý thái thú nói: “Hôm trước ta vừa ra khỏi cửa, đột nhiên thấy mấy người ngăn kiệu của ta lại, còn công kích ta. Ta vội vàng hô hào sai dịch bắt bọn chúng lại, nhưng kỳ lạ là đám thuộc hạ của ta không ai nhìn thấy những người này. Ta biết mình đã gặp ma.
Sau khi về phủ, đến đêm liền đổ bệnh. Buổi tối nằm mơ thấy Diêm Vương tìm ta đối chất, thì ra có người buộc tội ta phạm phải ‘10 tội điều’, nhưng ta không thừa nhận. Diêm Vương rất tức giận, đêm hôm còn bắt ta đi, dùng gậy sắt đánh 100 cái, đau đớn khôn cùng. Nên ta phải nhận tội”. Vừa nói ông ta vừa kéo áo lên cho Du Ích xem, toàn mông thâm tím.
Lý thái thú hạ lệnh cho người hầu mở hòm ra, rút ra một cuộn tranh lụa, mở ra xem thì thấy bên trên vẽ một mỹ nữ. Du Ích kinh ngạc hỏi: “Nàng ta là ai?”. Lý thái thú nói: “Chuyện chẳng có gì, không cần phải nhắc lại”.
Rồi châm một mồi lửa đốt bức tranh đi, thở dài mà rằng: “Đây chính là tội mà ta đã nhận”. Du Ích sau một hồi an ủi Lý Thái thủ thì rời đi. Trở về quán trọ kể lại chuyện với ông Trần, hai người đều cảm thấy rất kỳ lạ và khó hiểu.
Ngày hôm sau, trời vừa sáng Lý thái thú đã mời Du Ích và ông Trần tới. Vừa gặp mặt, Lý thái thú liền cầm tay ông Trần nói: “Ta sắp chết rồi, đêm hôm qua Diêm Vương vô cùng tức giận, thẩm vấn hết sức nghiêm khắc, cuối cùng lại dùng hình ‘bào lạc’ với ta. Ta không chịu đựng được nên đã nhận hết những tội trạng kia rồi”. (Bào lạc: Cực hình thời xưa, trói người chịu hình vào cột đồng, trong cột đồng đốt than nóng, người thụ hình sẽ bị đốt cháy da thịt đến chết).
Lý thái thú lôi từ dưới gầm giường ra ba nghìn lượng bạc giao cho ông Trần và Dư Ích, coi như là phí để họ đưa linh cữu và vợ con của mình về quê hương.
Lý thái thú thở dài nói: “Vốn dĩ trong mệnh của ta có thể làm đến chức Tri phủ. Nhưng vì nóng lòng cầu tiền mà đã bày mưu gạt người, gây nên nhiều ác nghiệp, cuối cùng phải nhận kết cục bi thảm.
Nếu các ngươi không tin, vài ngày nữa quan văn triều đình bổ nhiệm ta làm Tri phủ Tuyền Châu sẽ được chuyển đến. Người sắp chết, nói lời tốt lành. Ta chỉ có thể tha thiết khuyên các vị, tâm phải luôn trong sáng ngay thẳng, không được giảo hoạt để cầu danh lợi. Hãy lấy ta làm bài học để đời”. Nói xong, liền nhắm mắt xuôi tay.
Lý thái thú thân hình vốn khôi ngô cao to, da dẻ trắng hồng. Nhưng khi nhập liệm, thân hình của ông ta lại co quắp lại như một đứa trẻ, toàn thân đen thui như than đen.
Mọi người mới tin những lời mà trước kia ông còn sống nói, đã từng chịu hình phạt “bào lạc” ở địa phủ không phải là giả dối. Sau khi ông ta chết ba ngày, quan văn bổ nhiệm của triều đình chuyển đến tỉnh, bên trên còn viết bổ nhiệm Lý thái thú làm tri phủ Tuyền Châu.
Ở nơi mà mắt con người không nhìn thấy được, Lý thái thú không những bị địa phủ thẩm tra, mà còn phải chịu hình phạt tương ứng. Cách thần linh bảo vệ công lý trên thế gian, quả thực vượt xa sức tưởng tượng của người đời!
(Theo “Dung nhàn trạch bút ký” quyển 3)
Nhật Hạ biên dịch