Tổ chức nhân quyền Lực lượng Công dân của Mỹ đã trao tặng “Giải thưởng Công dân” năm 2019 cho Mục sư Anthony, người được ví là Tank Man Hồng Kông và Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông (gọi tắt là Dân Trận hay FDC), qua đó thể hiện sự tôn trọng và ủng hộ của nước Mỹ đối với những người biểu tình Hồng Kông.
Hôm 21/10, tổ chức nhân quyền Lực lượng Công dân có trụ sở tại Washington đã tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Thanh niên các dân tộc, với thành phần đại diện đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… Các thành viên tham gia sẽ được đào tạo và thực tập công tác nhân quyền, cũng như gặp gỡ và trao đổi với các nghị viên Mỹ.
Hiện tại, phong trào biểu tình Hồng Kông với phương châm “không có người lãnh đạo” tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Người Hồng Kông được trao “giải thưởng công dân” năm 2019 là mục sư Anthony và tổ chức Dân Trận.
Tối 25/8, tại Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), cảnh sát Hồng Kông lần đầu rút súng lục nhắm vào người biểu tình, một người đàn ông không trang bị bất cứ gì ngoài một chiếc ô trong tay đã lao ra, đứng chắn nòng súng của một viên cảnh sát và cầu xin anh ta đừng nổ súng. Video và hình ảnh ghi lại khoảnh khắc này đã khiến thế giới chấn động, và người đàn ông đó chính là Mục sư Anthony.
Sau đó, Anthony cầm ô, quỳ gối cầu xin người cảnh sát đang chĩa về phía những người biểu tình và phóng viên. Tuy nhiên, viên sĩ quan vẫn tiếp tục giương súng tiến về phía trước, đồng thời dùng chân đạp thẳng vào bụng Anthony khiến ông ngã xuống đất. Không chịu lùi, Anthony lại đứng dậy, dang hai tay trước họng súng cảnh sát.
Hành động dũng cảm của Anthony khiến người ta liên tưởng tới người thiếu niên anh hùng Vương Duy Lâm đơn độc đứng chặn đoàn xe tăng kéo đến trong thảm sát Thiên An Môn 1989 tại Bắc Kinh. Do đó, Anthony cũng được người dân ưu ái gọi là “Tank Man Hồng Kông”.
Dương Kiến Lợi, người đứng đầu tổ chức Lực lượng Công dân nói với đài Á châu Tự do rằng, đối với một người từng tham gia sự kiện Thiên An Môn 1989 như ông mà nói, thì dũng khí trước sau như một của Anthony thật sự khiến ông cảm động.
Anthony đã không có mặt để nhận danh hiệu này mà người đại diện cho ông là Trương Côn Dương từ Văn phòng Sự vụ quốc tế Đại học Học giới Hồng Kông (HKIAD) đã lên nhận thay và có đôi lời phát biểu.
“Có ai mà tưởng được một câu chuyện nhỏ của một thị dân bình thường như thế này lại có thể bước lên diễn đàn quốc tế. Tôi hy vọng hết thảy những tán dương và vinh quang từ giải thưởng này sẽ được trao cho mọi công dân Hồng Kông”.
Một tổ chức Hồng Kông nhận được giải thưởng này nữa là tổ chức nhân quyền Hồng Kông Dân Trận (FDC) được thành lập từ năm 2002. FDC chính là đại diện tổ chức những cuộc diễu hành và biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông như Phong trào ô dù năm 2014 và phong trào biểu tình chống luật dẫn độ 2019. Các cuộc biểu tình, mít-tinh, diễu hành do Dân Trận tổ chức đều hoạt động dựa trên phương châm “hòa bình, lý tính và phi bạo lực” nên được người Hồng Kông nồng nhiệt đón nhận.
Tuy nhiên, người tiệu tập của Dân Trận là Sầm Tử Kiệt đã hai lần bị hành hung. Vào thời điểm nhận giải, anh vẫn phải nằm điều trị vết thương nên không thể có mặt trong buổi lễ.
Người nhận thay anh là Lương Dĩnh Mẫn (Bonnie Leung Wing Man), cựu thành viên Dân Trận cho biết, Sầm Tử Kiệt đã ra viện nhưng cần tịnh dưỡng để phục hồi, và giải thưởng dành cho Dân Trận vào thời điểm này thật sự là một nguồn khích lệ vô cùng lớn lao đối với những người biểu tình hiện nay.
Lương Dĩnh Mẫn nói: “Sự công nhận này không chỉ là thể hiện sự ủng hộ đối với Dân Trận, mà còn là sự ủng hộ dành cho tất cả người Hồng Kông, không sợ hiểm nguy, gian khổ vẫn kiên trì ủng hộ phong trào”.
Thượng nghị sĩ Jim McGovern, người luôn quan tâm và ủng hộ các cuộc vận động dân chủ hóa Trung Quốc, và Chris Smith của Đảng Cộng hòa cũng tham dự lễ trao giải. Họ hy vọng, Thượng viện Liên bang Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu sớm nhất có thể để xúc tiến thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, đây là đạo luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Hồng Kông.
Ngoài Anthony và Dân Trận, trong phong trào biểu tình ở Hồng Kông lần này, cộng đồng quốc tế không ít lần rơi nước mắt trước những “Tank Man” khác của Hồng Kông quả cảm kiên trì thể hiện ý chí của mình với phong thái “hòa bình, lý tính và phi bạo lực”.
Trong phong trào biểu tình tại Hồng Kông, một cô gái trẻ ngồi nhắm mắt chặn trước hàng cảnh sát chống bạo động vũ trang đầy mình, dùng thân người nhỏ bé mảnh mai của mình để ngăn chặn không cho những người cảnh sát vũ trang tiến lên phía trước. Bức ảnh chụp cô gái đã gây chấn động và lan tỏa toàn cầu. Người phương Tây gọi cô là “Cô gái lá chắn” hoặc “Tank Man Hồng Kông”.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)