Vào ngày 9/11, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã rất tiếc khi thông báo một tin buồn, cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể (11 tuổi, ngụ xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vừa qua đời do đột quỵ, khiến nhiều người bàng hoàng thương tiếc.
Chúng ta từng nghe qua câu chuyện về cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể, là con thứ hai của gia đình anh Đinh Văn An và chị Đinh Thị Pia. Khi vừa chào đời K’Rể không may bị mắc chứng Seckel (người lùn, đầu chim), căn bệnh chỉ mới ghi nhận được 100 trường hợp trên thế giới. Do đó mà K’Rể sinh ra chỉ nhỏ xíu cỡ một gang tay.
Hồi K’Rể mới sinh ra, thấy đứa bé không bình thường, cả làng khuyên ba mẹ K’Rể nên mang con ra bìa rừng bỏ, vì họ cho rằng có thể đứa trẻ là điều không may mắn. Nhưng thương con, vợ chồng anh An khóc cạn nước mắt, nhất quyết giữ con lại bên mình.
Rồi từ đó suốt những năm tiếp theo, K’Rễ vẫn không lớn lên nhiều, mỗi ngày chỉ vài giọt sữa mẹ là đã no. Đến năm 5 tuổi, cũng chỉ nặng 3kg, cao 50cm, cả ngày chỉ ăn vài muỗng cơm.
Hàng ngày, người cha thường cho con nằm trong địu vải, mang con lên nương rẫy cùng, hoặc có khi là dạo chơi quanh bản làng.
K’Rể hầu như không nói, chỉ biết khóc và cười để biểu thị điều mình muốn. Chân tay cũng yếu ớt nên thường hay trượt ngã, K’Rể cũng rất nhát người lạ, chỉ biết lòng vòng là những người trong bản và cha mẹ.
Cậu bé nhỏ xíu với đôi mắt to tròn long lanh, miệng cười móm mém, rất dễ thương. Người H’re ở thôn Gò Da dần dần cũng đem lòng thương K’Rễ và không bắt bố mẹ vứt em đi nữa.
Đến năm 11 tuổi, K’Rể chỉ cao 62 cm, nặng chưa đầy 4 kg, chỉ tương đương với một đứa trẻ sơ sinh.
Lúc này, nghe tin ở bản có cậu bé đặc biệt tới tuổi đi học vẫn chưa được đến lớp, vậy là nhiều nhóm giáo viên ở trường Tiểu học bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) lần lượt vượt núi, băng rừng đến tìm khuyên gia đình anh An cho con được đến trường đi học.
Ban đầu, anh An còn lưỡng lự không muốn, nhưng sau cũng bị thuyết phục, chấp nhận để con đi học. Đường từ làng xuống trường xa xôi khó đi, nên dắt con được một thời gian, thì anh An được thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường gợi ý cho K’Rể ở nội trú của trường.
Thấy tấm lòng thầy cô, anh An mới yên tâm để K’Rễ lại, đến cuối tuần đón con về, rồi chiều chủ nhật lại đưa con đi.
K’Rễ từ đó cũng chính thức tạm biệt vòng tay cha mẹ, tạm biệt bản làng để bắt đầu một hành trình mới cuộc đời của mình.
Từ ngày đi học đến nay đã 5 năm, K’Rễ đã bớt nhút nhát hơn, em bắt đầu biết chào hỏi thầy cô, người lớn, biết cầm phấn viết được vài con chữ trên bảng, biết tự vệ sinh cá nhân, tự ăn cơm. K’Rễ còn rất thích chơi đá bóng, và cũng mạnh dạn vui đùa cùng bạn bè hơn.
Thầy Cương và cô Ngói là hai người đồng hành cùng K’Rể suốt khoảng thời gian K’Rễ ở trường, riết rồi cũng thành thương K’Rể như con mình. Thầy Cương thậm chí còn tự đi đặt may riêng cho K’Rễ một bộ đồ đi học và đôi dép. Nhìn thấy sự tiến bộ của K’Rể hàng ngày, họ mừng rơi nước mắt.
Nhưng nào ngờ, vào thứ 5 tuần qua (5/11), K’Rể bị bất tỉnh khi đang ngồi học trong trường, thầy cô bạn bè đều hốt hoảng gấp rút đưa K’Rể đi cấp cứu.
Bác sĩ Trần Đình Điệp, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi) cho biết, khi nhập viện K’Rể trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, nhiễm trùng huyết, viêm não.
“Mấy ngày nay, chúng tôi cho bé K’Rể thở bằng máy và dùng các phương pháp y khoa tốt nhất để cứu chữa nhưng bệnh tình vẫn trở nặng. Bé vẫn hôn mê sâu hơn, tiếp xúc kém, tiên lượng xấu. Sáng nay, người nhà đã xin với bệnh viện để đưa bé về lo hậu sự”, bác sĩ Điệp nói.
Vậy là sau 4 ngày nằm viện, đến chiều ngày 9/11, K’Rể đã qua đời trong vòng tay người thân, và những người trong buôn làng của mình.
“K’Rễ qua đời, tôi đau đớn như mất đứa con của mình. Hôm nay, tôi cùng dân làng lội bùn băng rừng hơn 8 km đưa con về làng Gò Da mà như đứt từng khúc ruột”, thầy Cương ngậm ngùi cho biết.
Vào lúc 13h, thầy Cương cũng đăng dòng chia sẻ của mình lên trang cá nhân, thay lời cho K’ Rể tạm biệt thầy cô, gia đình và mọi người để đến với thế giới bên kia.
“Trước khi con ra đi về với ông bà, tổ tiên, con cảm ơn cuộc đời này đã cho con những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc. Không quên cảm ơn cha mẹ, người đã sinh thành ra con, cảm ơn các ông bà, các bác, các cô dù ở rất xa hay gần nhưng vẫn quan tâm đến con. Cảm ơn các thầy, cô giáo, là cha mẹ thứ hai của con đã dạy con các kỹ năng và cách sống làm người.
Cảm ơn các bạn, các em đã chia sẻ tình cảm với con và cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái, cảm ơn tất cả mọi sự yêu thương và cảm ơn các bác sĩ đã tận tình khám, chữa bệnh cho con. Con sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhưng con lại nhận được bao nhiêu những tình cảm đặc biệt của tất cả mọi người. Con xin kính chào tất cả. Ở nơi ấy con sẽ luôn phù hộ cho tất cả mọi người. Con xin vĩnh biệt”.
Cảm ơn và tạm biệt chiến binh nhỏ tí hon, em đã lên thiên đường nhưng năng lượng sống tích cực của em mang lại thì còn mãi…
Chúc Di (t/h)