Chiếc BMW đâm trúng bé gái 2 tuổi và còn chèn 2 lần nữa lên người nạn nhân. Nữ tài xế xuống xe và lập tức đưa ra thỏa thuận.
Một loạt báo nước ngoài, từ Business Insider, National Post đến Malay Mail Online, lấy lại bài viết trên tạp chí Slate (Mỹ). Tác giả bài viết, Geoffrey Sant, dạy tại trường luật Fordham, đồng thời nằm trong ban giám đốc của Trung tâm văn hóa Trung Quốc New York, kiêm luật sư tại hãng luật Dorsey & Whitney LLP.
Trong khi bài viết gốc có tiêu đề đơn giản nhưng gây sốc “Chèn tới chết” (Driven to kill), thì các báo lấy lại ở Mỹ đặt lại thành “Lý do điên rồ vì sao tài xế Trung Quốc cố tình giết người đi bộ mà họ đâm phải”, hoặc “Tại sao nhiều tài xế ở Trung Quốc cố tình giết người đi bộ họ đâm trúng“. Còn Malay Mail Online thẳng thừng tới sởn gai ốc: “Tài xế ở Trung Quốc sẽ chèn lên bạn hai lần… để đảm bảo bạn đã chết“.
Hồi tháng 4, một chiếc BMW lao xuyên qua một chợ hoa quả ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, đâm trúng một bé gái 2 tuổi và chèn lên đầu nạn nhân. Khi người bà của cô bé hét lên: “Dừng lại! Anh đã đâm vào trẻ con!” thì tài xế BMW dừng lại, nhưng cài số lùi và chèn tiếp lên đứa bé. Người phụ nữ ngồi sau vô-lăng cho xe tiến về trước rồi lần thứ 3 chèn lên nạn nhân. Khi cuối cùng cũng chịu xuống xe, thì nữ tài xế không bằng lái lập tức đưa ra cho gia đình nạn nhân đang còn chưa hết kinh hoàng một thỏa thuận: “Đừng nói tôi lái xe. Hãy bảo rằng đó là chồng tôi. Chúng tôi có thể đưa tiền”.
Chuyện này giống như một truyền thuyết điên rồ chốn thành thị: ở Trung Quốc, tài xế đã đâm trúng người đi bộ đôi khi sẽ tìm cách giết chết nạn nhân. Và đó không chỉ là sự thật, mà còn khá phổ biến. Các camera an ninh thường xuyên ghi được cảnh tài xế lùi và tiến chèn qua nạn nhân để đảm bảo họ đã chết. Trong tiếng Trung thậm chí còn có một châm ngôn dành cho hiện tượng này: “Đâm tới chết còn hơn là đâm bị thương”.
Một phóng sự truyền hình năm 2008 cho thấy trường hợp một chiếc Volkswagen Passat màu trắng lùi rất nhanh và hích trúng một phụ nữ 64 tuổi. Xe sau đó đứng trên người nạn nhân một lúc, hơi lùi rồi hơi tiến. Tài xế, tên Zhao Xiao Cheng, vẫn chưa dừng lại khi sau đó tiếp tục cài số tiến rồi cài số lùi cứ thế chèn lên nạn nhân trước khi chạy trốn.
Điều kỳ lạ là Zhao không bị kết tội cố sát. Chấp nhận lời bào chữa của Zhao rằng anh ta nghĩ mình chèn lên một chiếc túi rác, tòa án Thái Châu ở tỉnh Chiết Giang chỉ đưa ra án phạt 3 năm tù cho tội “cẩu thả”.
“Các trường hợp đâm liên tiếp” đã xuất hiện từ vài thập kỷ. Lần đầu được nhắc tới là hiện tượng “đâm tới chết” ở Đài Loan vào giữa những năm 1990 khi Geoffrey Sant tới đây làm giáo viên tiếng Anh. Một đồng nghiệp bản địa từng nói với Sant sau lần suýt đâm trúng một người đi xe máy: “Nếu đâm phải ai đó, tôi sẽ tiếp tục để đảm bảo anh ta đã chết”. Trước vẻ sững sờ của Sant, người kia còn giải thích rằng ở Đài Loan, nếu khiến ai đó trở thành tàn tật, người có lỗi sẽ phải trả chi phí chăm sóc thương tật cho nạn nhân suốt đời. Nhưng nếu giết ai đó, bạn “chỉ phải trả một lần, như phí mai táng”. Người này còn cho thấy anh ta rất nghiêm túc, và chuyện đó phổ biến.
Phần lớn đều đồng ý rằng hiện tượng “đâm tới chết” xuất phát ít nhất một phần từ luật bồi thường. Ở Trung Quốc, việc bồi thường cho việc giết người do tai nạn giao thông khá nhỏ – mức tổng thường từ 30.000 đến 50.000 USD – và chỉ trả một lần, mọi thứ xong xuôi.
Ngược lại, thanh toán cho việc chăm sóc trọn đời đối với một nạn nhân sống sót nhưng bị thương tật có thể gấp nhiều lần. Báo chí Trung Quốc mới đây miêu tả cách làm thế nào một người tàn tật nhận khoảng 400.000 USD cho 23 năm chăm sóc đầu tiên. Các tài xế vì thế quyết định “đâm tới chết” bởi sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Zhao Xiao Cheng, người đàn ông đâm người phụ nữ lớn tuổi tới 5 lần, chỉ phải trả 70.000 USD.
Năm 2010 tại Tín Nghĩa, Đài Loan, video ghi lại cảnh một thanh niên lùi chiếc BMW X6 khỏi chỗ đỗ. Xe húc một đứa trẻ 3 tuổi đứng phía sau ngã xuống đất và bánh xe lăn thẳng lên người nạn nhân. Tài xế sau đó bước xuống xem xét trong khi không cài phanh khiến xe lùi tiếp lên người đứa bé. Người này sau đó lái xe bỏ đi.
Lần này, tài xế cũng chỉ bị kết tội vô tình giết người. Thanh niên này nói rằng nhầm đứa trẻ với một hộp carton hay túi rác. Cảnh sát bác bỏ tội giết người và thậm chí cả tội chạy trốn khỏi hiện trường, bỏ qua thực tế rằng tài xế khiến xe chèn lên đầu nạn nhân khi bỏ đi.
Những tài xế này sẵn sàng làm thế không chỉ vì đỡ tốn kém hơn, mà còn bởi họ nghĩ mình sẽ thoát tội giết người. Thời kỳ trước khi camera lan rộng như ngày nay, thì rất hiếm chứng cứ rằng tài xế đã đâm nạn nhân 2 lần. Thậm chí khi camera trên di động đã phổ biến, các lái xe vẫn tự tin rằng họ có thể thuê luật sư để tránh tội giết người.
Có thể phần kinh hoàng nhất của việc đâm tới chết là va chạm lúc đầu không làm nạn nhân bị thương nặng, nhưng tài xế vẫn tìm cách tăng nặng. Ở tỉnh Tứ Xuyên, một chiếc xe tải nặng đâm trúng một cậu bé 2 tuổi. Đứa trẻ chỉ bị choáng do va chạm, và lập tức đứng dậy. Các nhân chứng cho biết nạn nhân chạy đi để nhặt lại chiếc ô bị văng ra, cũng là lúc xe tải cài số lùi và chèn tiếp lên, lần này đứa trẻ xấu số thiệt mạng.
Bất chấp lời khai của nhân chứng, cảnh sát trưởng tuyên bố rằng xe tải không hề lùi, chưa từng đâm đứa trẻ lần thứ 2, và bánh xe không chèn lên nạn nhân. Trong khi đó, một website đăng những bức ảnh cho thấy cơ thể cậu bé nằm dưới bánh trước xe tải.
Trong mỗi trường hợp nêu trên, mặc cho video và ảnh thể hiện rõ tài xế đã đâm nạn nhân tới lần thứ 2, thậm chí là vài lần tiếp theo, thì tài xế cũng chỉ phải trả giá bằng hay thậm chí ít hơn về chi phí và thời gian ngồi tù so với việc nếu họ chỉ khiến nạn nhân bị thương.
Với quá nhiều trường hợp tài xế thoát khỏi các án phạt nặng khi cố tình đâm chết người, công chúng đôi khi tự mình thực thi luật pháp. Năm 2013, một đám đông ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã đánh hội đồng một tài xế khi người này giết chết một đứa trẻ 6 tuổi bằng cách chèn xe lên nạn nhân 2 lần.
Nhưng tất nhiên không phải mọi tài xế “đâm tới chết” đều thoát tội. Một người đàn ông tên Yao Jiaxin đã đâm trúng một người đi xe đạp vào năm 2010 tại Tây An. Tài xế còn quay xe lại để đảm bảo nạn nhân đã chết và thậm chí lấy dao đâm thêm vào người phụ nữ đã bị thương. Yao sau đó bị kết tội và bị tử hình. Năm 2014, một tài xế khác tên Zhang Qingda đâm phải một ông cụ ở Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc. Sau đó Zhang vòng chiếc bán tải trở lại và chèn lên nạn nhân lần nữa. Tài xế này sau đó phải chịu 15 năm tù.
Ở cả Trung Quốc và Đài Loan đều có luật nhằm ngăn ngừa các trường hợp đâm tới chết. Nhưng dù một tài xế đâm nạn nhân nhiều lần, thì cũng rất khó chứng minh mục đích. Thẩm phán, cảnh sát và cả truyền thông thường chấp nhận những lời khai khó tin rằng lái xe làm thế do vô tình, hoặc nhầm nạn nhân với các đồ vật vô tri.
Các trường hợp đâm tới chết vẫn tiếp tục, và các tài xế này thường thoát tội nặng tương ứng. Tháng một năm nay, một phụ nữ bị camera ghi hình chèn xe lên một người đàn ông cao tuổi vài lần khi nạn nhân trượt ngã trên nền tuyết. Tháng 4, một tài xế xe buýt trường học ở Song Thành bị cáo buộc lái xe cán qua người một bé gái 5 tuổi nhiều lần. Tháng 5, camera an ninh ghi được cảnh xe tải chèn lên một cậu bé tới 4 lần, nhưng tài xế nói rằng không biết có đứa trẻ ở đó.
Tháng 8 vừa qua là trường hợp của nữ tài xế không bằng lái với chiếc BMW lao qua một chợ hoa quả và giết chết bé 2 tuổi và sau đó đưa ra thỏa thuận với gia đình nạn nhân. Trước tòa, người phụ nữ nói rằng việc chết người là tai nạn. Các ủy viên công tố chấp nhận, và đề nghị tòa giảm án xuống còn mức từ 2 đến 4 năm tù.
Bản án nhẹ nhàng này có thể vẫn nặng hơn so với nhiều tài xế trong các trường hợp phạm tội tương tự, và rõ ràng không đủ để ngăn tài xế tiếp theo “đâm tới chết” các nạn nhân xấu số.
Theo VnExpress