Vụ tai nạn nghiêm trọng tại đập thủy điện Plei Kần làm 3 người chết nhưng chưa xác minh được nguyên nhân. Lời thuật lại của nạn nhân cho thấy trách nhiệm thuộc chủ đầu tư (CĐT). Tuy nhiên CĐT lại cho rằng các nạn nhân tự rơi xuống đập.
Khoảng 14h ngày 25/5, tại công trình thi công thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, 3 người bị thương do bị rơi từ trên đập xuống nước.
Theo báo cáo của CĐT là Công ty CP Tấn Phát (Kon Tum) thì tai nạn xảy ra khi một số công nhân đang trong quá trình di chuyển đến chỗ làm việc. Khi đi trên mép bờ của cụm đầu mối, do bất cẩn nên các công nhân ngã từ trên cao xuống. Vì hốt hoảng, các công nhân đã lôi kéo nhau dẫn đến việc 6 công nhân rơi từ trên cao xuống sông.
Tuy nhiên lời tường thuật của nạn nhân còn sống là anh A Thiêng (23 tuổi, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) cho thấy điều hoàn toàn khác.
Cụ thể, theo anh Thiêng thì vào khoảng 13h30 ngày 25/5, anh và 5 đồng nghiệp (đều là công nhân thời vụ) chui vào một rọ sắt (dài khoảng 6m, rộng và cao 1m) theo máy tời kéo lên phía trên cửa xả nước của Dự án thủy điện Plei Kần để thực hiện khoan, cắt bê tông ở độ cao khoảng 10m.
Trong lúc thi công, bất ngờ cáp tời treo rọ sắt bị đứt, cả 6 người cùng chiếc rọ rơi xuống cửa xả nước. Thấy vậy, nhiều công nhân gần đó đến cứu nạn, đưa những người bị thương đi cấp cứu.
“Mình đang làm cùng năm người, bỗng nghe tiếng động lớn, Chiếc rọ đựng cả nhóm rơi ầm xuống nước. Mình bất tỉnh, không còn biết gì cả, tỉnh lại đã thấy trong bệnh viện, toàn thân đau nhức”, anh Thiêng bàng hoàng kể lại.
Ngoài anh Thiêng ra thì còn 2 người là A Đục (23 tuổi), cùng ngụ ở TT.Plei Kần, H.Ngọc Hồi và em A Xen mới 16 tuổi, ngụ ở thôn H.Đăk Tô, Kon Tum.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường công trình thủy điện này thì các lối đi trên con đập không có lan can, rào chắn bảo vệ. Nếu bất cẩn, người lao động có thể ngã từ trên đập xuống sông. Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động tại các công trường vẫn còn hạn chế.
Về việc sử dụng lao động 16 tuổi, ông Đặng Thanh Bình, Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Kon Tum, cho hay với công việc này mà sử dụng lao động 16 tuổi là trái với quy định pháp luật, nhưng chưa khẳng định.
“16 tuổi mới là lời khai ban đầu của nạn nhân. Bây giờ họ đang điều trị nên chưa xác định được. Còn nhiều vấn đề lắm. Bản thân người bị nạn còn phải cung cấp giấy tờ tùy thân, lúc đó mới chứng minh được họ bao nhiêu tuổi, doanh nghiệp sử dụng lao động có sai hay không”, ông Bình nói.
Từ Thức (t/h)