Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính của Mỹ (FinCEN) đã làm rò rỉ các tập tin bí mật ra bên ngoài. Truyền thông Mỹ đã tra cứu các tập hồ sơ bí mật này và phát hiện ra rằng, trong nhiều năm qua, Triều Tiên đã sử dụng các công ty Trung Quốc và các công ty vỏ bọc của các quốc gia khác để chuyển ‘tiền đen’ (tiền bất chính) đến các ngân hàng của Mỹ để rửa tiền, từ đó mà tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đài NBC của Mỹ cho biết, vài năm qua, một số công ty Trung Quốc và các công ty vỏ bọc bị nghi ngờ đã giúp Triều Tiên rửa tới 175 triệu đô la Mỹ tiền đen.
Báo cáo đã trích dẫn một trường hợp để giải thích cách Triều Tiên rửa tiền đen trong hệ thống tài chính quốc tế. Mã Hiểu Hồng, một nữ doanh nhân Trung Quốc đã từng bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khởi kiện, công ty TNHH phát triển công thương nghiệp Đan Đông Hồng Tường (DHID) của bà đã lợi dụng các công ty vỏ bọc ở Trung Quốc, Singapore và Campuchia v.v. để chuyển tiền sang thị trường tài chính Hoa Kỳ, tẩy trắng tiền và biến nó thành quỹ phát triển quân bị của Triều Tiên.
Một trong những điều then chốt của phương thức rửa tiền này chính là lợi dụng các dịch vụ của Ngân hàng Đại lý (Correspondent Bank) ở Hoa Kỳ, bởi vì các dịch vụ ngân hàng này có thể cung cấp dịch vụ trao đổi tiền tệ hoặc các giao dịch liên quan khác để tiền có thể lưu động khắp thế giới bất kỳ lúc nào. JP Morgan Chase và Bank of New York Mellon Corporation (BNY Mellon) là những ngân hàng đại lý nổi tiếng.
BNY Mellon đã từng kết nối với tập đoàn rửa tiền của Mã Hiểu Hồng. Bank Mellon đã đề cập trong một báo cáo năm 2015 rằng, họ đã từng xử lý các khoản chuyển khoản 85,6 triệu đô la Mỹ khả nghi, trong đó có 20,1 triệu đô la Mỹ đã được ghi lại chi tiết do yêu cầu của chính phủ.
Tài liệu mật cũng tiết lộ rằng, JPMorgan Chase cũng đã báo cáo với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 1/2015 rằng, họ có thể đã xử lý các giao dịch tài chính đáng nghi liên quan đến Triều Tiên, nhưng chỉ nộp một “báo cáo hoạt động khả nghi” sau đó. Báo cáo đề cập rằng, từ năm 2011 đến năm 2013 có tổng cộng 89,2 triệu USD giao dịch đã được thực hiện với 11 công ty liên quan đến Triều Tiên. Tình báo nội bộ cho thấy, những vụ chuyển khoản này có thể liên quan đến việc phổ biến vũ khí của Triều Tiên và Iran.
Hugh Griffiths, cựu chủ tịch nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc nói với truyền thông Mỹ rằng, những hồ sơ bí mật này nói lên lý do tại sao Triều Tiên có thể né tránh thành công các lệnh trừng phạt, nhưng đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vì có rất ít nhà báo hoặc điều tra viên có thể tiếp cận được với tài liệu ngân hàng nội bộ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đề cập trong một báo cáo vào tháng 3 năm nay rằng, các tập đoàn rửa tiền thường sử dụng các ngân hàng đại lý để chuyển các khoản tiền phi pháp qua biên giới, đồng thời nhấn mạnh rằng “đây là lỗ hổng nghiêm trọng nhất mà những người sống ngoài vòng pháp luật ở Hoa Kỳ lợi dụng”.
Minh Huy (Theo NTDTV)